Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Đất sét hết vai

Trịnh Sơn

Tôi chưa hề có ý định quay trở lại nơi ấy. Xứ sở của cô đơn và viễn vông. Ngay cả cái khô cằn của đất cũng cô độc, cũng hư huyễn. Thậm chí, nỗi buồn của con người ta cũng cúi mặt xuống, cũng le lẻ văn vắt không ra niềm ra nỗi như những buồn thương ẩm ê mươn mướt trong các thiên tiểu thuyết kinh điển hoặc màn bạc nhoang nhoáng.


Nghĩ về nơi ấy, tôi như con cóc nghiến răng trên miệng vực tưởng tượng bầu trời dưới sâu hút lòng giếng. May mà, Hải đến kịp. Sau những giờ phút chỉn chu quân phục hàm tước, Hải luôn cũn cỡn đối diện với tôi. Chỉ một gói mỳ tôm với cốc nước lọc cũng đủ nuôi quá khứ nhỏm dậy. Xong, Hải đèo tôi ra rạp chiếu phim. Chiếc xe máy cà tàng biển đỏ vác một bóng người thênh thênh. Không vào phòng X đang sướt mướt tình cảm Liên Xô, chẳng vào phòng T chập cheng kiếm hiệp Tàu, bỏ luôn phòng M ì đùng siêu anh hùng Mỹ. Hải dắt tôi đến phòng Ng. Bộ phim Lò đào tạo quái vật vừa bắt đầu.

Trước khi vào phòng, Hải khẩn thiết nắm tay tôi:
-         Xong, ông về nơi ấy với tôi nhé!
Tôi nắm chặt tay Hải, ừ, cứ xem sao đã.

***
Đỏ chẳng ra đỏ, vàng chẳng rõ vàng, cát leo lẻo hóng hớt theo đá lớn đá nhỏ gập ghềnh. Xen cát, là đất sét. Chỉ có thể trồng chuối. Hầm bà lằng chuối. Ăn thay cơm. Bắp chuối nấu canh, củ chuối luộc, chuối xanh muối dưa. Chuối chín ăn không hết thì phơi khô. Hết chỗ cất thì chặt cả buồng ném vương vãi cho heo gà ăn. Lũ heo ngán ngẩm. Bọn gà loạng choạng mổ trái úng chín vài nhát lấy lệ.
Nhà giàu, cả cái xứ lơ lớ nửa bãi bồi nửa trung du này, cách Sài Gòn mấy tiếng xe đò mà mang bộ mặt khác hẳn, chỉ vài nóc nhà ngói tường xây. Giáo sư Pháp văn Lê Văn Tú, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quế, hiệu buôn gạo lớn nhất miền Đông của cô Lệ Thủy, và nhà bà Bảy Tề. Nổi nhất là cơ ngơi bà Bảy Tề. Gia đình bà vào từ đận năm tư. Sau bảy lăm, không phô trương nhiều nhặn gì mấy, nhưng cũng gọi là có của ăn của để. Mái nhà lợp tôn xi măng duy nhất giữa Xóm Chuối.
Tên gọi Xóm Chuối đủ diễn tả tất cả hình ảnh nơi này. Nhà nhà vách lợp bằng lá chuối khô. Mái cũng chuối. Sân vườn đầy chuối tươi chuối khô chuối non chuối già. Chỉ có ở cái chợ xổm đầu thôn là không thấy chuối. Ai cũng có thì bán cho ai. Cái chợ dân dã là nơi nhà nghèo chắt chiu gom góp bó rau mớ cá bán cho nhà giàu hơn. Nuôi được con gà mà không dám ăn, thậm chí cái trứng còn mơ không nổi. Được bao nhiêu, sáng ôm ra chợ, ngồi, đợi. Bà Bảy là khách hàng lớn nhất.
Đã quá bảy mươi, trải qua mấy đợt đổi thay thời cuộc, bà vẫn giữ được nét quý phái như một bà chủ sang trọng tân kỳ ở Sài Gòn cũ. Ăn nói nhỏ nhẹ, sáng sáng ra chợ chưa chắc vì muốn mua thứ gì, việc chợ búa là của mấy đứa dâu con. Bà ghé từng mẹt từng gánh, hỏi thăm những người đàn bà tuổi bằng con cháu mình nhưng mặt mày thì đen sạm khắc khổ hơn cả mình. Sao? Còn gạo ăn không? Thằng chồng bây có lén uống rượu nữa không? Hễ nó say xỉn quậy phá thì méc tao cho một trận. Ráng đi. Còn nước còn tát. Gà mái đẻ trứng, trứng nở thành con, dần dà có cả bầy gà. Dành dụm mà sửa lại mái nhà. Khó quá thì bây ghé qua tao…
Bà Bảy tốt, ai cũng nói vậy. Giàu có, cả nhà từ lớn tới bé ở không, nhưng lúc nào cũng ăn mặc trơn tru thơm tho, đàn bà áo dài khăn quàng cổ nhai trầu, đàn ông sơ mi thẳng thớm đóng thùng hút ống tẩu. Nhưng bà không kiêu ngạo, không khinh người. Thềm gạch tàu nhà bà vương vết bùn đất chân trần của dân nghèo. Ruộng đất bỏ không, bà cho người mới vào dựng chòi tá túc, trồng trọt kiếm sống qua ngày. Tiếng nói bà có uy lực hơn cả cái chính quyền xã mới thành lập.
Nói là chính quyền nghe cho to tát, chứ nhằm nhò gì, chỉ có mấy mống đẩu đâu trên tỉnh xuống, tận ngoải mới vô. Họ đến, quần áo xanh xám, dép lê, nón cối. Trọ trẹ, líu lo. Bà Bảy ủng hộ miếng đất bằng đầu xóm, kêu gọi dân tình góp sức dựng cái nhà ủy ban. Coi bộ, không có bà Bảy thì còn lâu mấy cán bộ ở trển xuống mới hoàn thành nhiệm vụ nơi đồng bãi khỉ ho cò gáy toàn dân nhập cư cùng khổ này. Nhưng, bà Bảy quyết không tham gia cái chính quyền vừa khai sinh. Con cháu bà, cũng không. Hôm ra mắt ủy ban xã Xóm Chuối, trước mặt đông đảo bà con làng xã, anh cán bộ huyện khẩn khoản mời bà Bảy làm cố vấn. Mời chú Thông y sĩ con trai bà phụ trách y tế. Mời cô Lan thông ngôn con gái bà phụ trách văn hóa. Mời thằng Hải nhất đẳng huyền đai thái cực đạo cháu nội bà làm công an… Bà lịch sự chối khéo:
- Già cả rồi còn họp hành công tác công tiếc gì nổi nữa, mấy chú ơi. Cần việc chi, chính quyền cứ nói. Già và gia đình giúp được sẽ giúp. Chứ tham gia chính quyền thì cho già xin. Lãnh lương bổng nhà nước mà làm không ra hồn thì thất đức lắm.
Bà Bảy chối, ông Quế bác sĩ, cô Thủy buôn gạo, ông Tú giáo sư cũng chối. Họ thân thiết, gắn bó nhau thành bộ tứ nơi đèo heo nắng gió này. Thuyết phục bằng thừa. Giáo sư Tú nhỏ nhẹ phát biểu:
- Thời này, làm dân đã là khó lắm rồi. Mong các vị cho chúng tôi xin hai chữ bình an.
Dân cư mấy mươi hộ tản về hết. Còn lại cái ủy ban chỏng trơ dưới nắng hè. Chủ tịch xã da sạm đen, già khọm so với cái tuổi mới hơn ba mươi, vỗ về cấp dưới:
- Ăn nhằm chi một nhúm trí thức già nua yếm thế này. Họ muốn bình an thì cho họ bình an. Từ từ cháo mới nhừ.
Hai chữ bình an qua miệng lưỡi của anh bộ đội khô quắt như bánh bao chiều. Mười lăm tuổi đã khai gian thành mười bảy, tình nguyện vào chiến trường, gập ghềnh dằng dặc Nam tiến, mảnh đạn còn trong thịt chưa lấy ra hết, kết nạp Đảng khi chưa đầy hai mươi, có trò rừng rú nào anh chưa trải qua.

***
Bà Bảy không màng chuyện chính quyền phụ lợi, nhưng cô Mến cháu nội bà thì có. Mến đang học năm cuối trung học thì chiến tranh. Sài Gòn loạn cào cào. Tưởng không có cái bằng tú tài nhưng ai ngờ mấy ông bà Việt Cộng chẳng đến nỗi nào, cho thầy trò dạy học tiếp và thi cử đúng hạn. Việt Cộng đâu xa lạ gì, người tiếp quản trường, nhậm chức hiệu trưởng lâm thời chính là thầy hiệu phó cũ. Hóa ra, lâu nay ông hoạt động ngầm mà chẳng ai biết. Cũ hóa ra mới. Mới hay cũ, với lũ học trò như Mến chỉ là còn có chỗ để trốn nhà mà đến gặp gỡ nô đùa bạn bè cho qua ngày đoạn tháng. Thi đúng chương trình. Khóa “giao thời” của Mến đậu hết. Cô cảm tình với chính quyền mới từ những cánh phượng đỏ không cần hái nữa.
Theo ba là ông Thông y sĩ cùng gia đình về Xóm Chuối ở với nhà nội, Mến chưa quen cái không khí ảm đạm quạnh quẽ nơi này. Váng vất quê mùa. Tẻ nhạt. Cô nhớ những buổi chiều dạo phố phường nhộn nhịp với chúng bạn. Nhớ tối thứ bảy, chủ nhật cặp kè bạn trai đi xinê. Nhớ sự ồn ào náo nhiệt xập xình phòng trà đêm đêm. Mấy năm ở Xóm Chuối, Mến thấy lâu hơn thế kỷ. Ở nhà trước, nghe bà nội thở dài thườn thượt. Ra nhà sau, thấy ba âm ỉ nhão nhoẹt mấy bản nhạc vàng nẫu ruột. Chỉ có lâu lâu trốn theo thằng em họ tên Hải ra Hồ Đá gần sân bay cũ, thăm chòi anh Khánh, ngắm trời đất mây nước, chơi thả diều là vui vui thôi. Nhưng, anh Khánh cũng sườn sượt khắc khổ, đôi mắt lúc nào cũng u uất như sắp khóc. Mắt anh hút mắt thiếu nữ, nhồn nhột xen sờ sợ. Nghe thằng Hải nói, anh Khánh có quá khứ dữ dội lắm, trước khi về đây.
Mến nấp ở gian kế bên, nghe rõ mồn một bà nội cùng hội bác sĩ Quế, cô Thủy gạo, giáo sư Tú chuyện trò.
Tiếng giáo sư Tú trầm trầm bổng bổng:
- Moa ghét cay ghét đắng bọn nít ranh giả nhân giả nghĩa đó. Thấy người ta có cái gì cũng muốn lấy cho bằng sạch sành sanh thì mới thôi, mà mở miệng thì cứ xoen xoét nhân danh “quyên góp” với “ủng hộ”. Rặt một lũ cướp ngày.
- Ấy chết, thầy nói nhỏ thôi. Les murs ont des oreilles(*). Bình tĩnh. Được làm vua thua làm giặc. Lẽ đời mà. Họ còn cho chúng ta có chỗ ăn chỗ mặc là quá lắm rồi – Tiếng bác sĩ Quế thì thào – Hôm trước, ủy ban gọi moa lên, hỏi về thời gian moa phụ trách khám quân dịch ở Thủ Đức. Hồ sơ mình họ nắm chân tơ kẽ tóc. Chuyện này mới thật buồn cười, tay chủ tịch xã một chữ bẻ đôi không biết mà mở miệng là chủ nghĩa này với nghị quyết nọ. Khi ký vào biên bản làm việc, gã chấm ba chấm thật đậm rồi gạch đứng một nét sau cùng.
- Chủ tịch xã tên Ba Nhất à? Cô Thủy cười sằng sặc. Thương là thương con nhỏ Sương, học hành bằng cấp Mỹ, Tây đủ hết mà phải làm phó cho tên mù chữ. Chưa hết, cái gã Nghệ phụ trách văn hóa xã, chỉ biết gào thét trọ trẹ mấy câu “gặp em trên cao lộng gió…”, một nốt nhạc bẻ đôi không biết. Làm sao con nhỏ Sương chịu được ha?
- Toa nói con Sương trước làm ty nông nghiệp hả? Nó là học trò cưng của moa đó. Không hiểu theo cách mạng từ hồi nào mà giải phóng xong là có chức có quyền liền – Giáo sư Tú thắc mắc.
- A ha. Vậy, toa là thầy của phó chủ tịch xã hả? – bác sĩ Quế đắc ý – Cái sảy nảy cái ung.
Nãy giờ, bà Bảy chỉ im lặng. Mến nghe tiếng bà nội chầm chậm cắt ngang:
- Tội nghiệp. Chinh chiến khiến con người ta thành anh hùng, thành giặc giã như trò chơi con nít. Giặc ở đâu? Giặc ở trong tâm mình chứ xa xôi gì. Tham lam, thù hận, mưu mô, hèn hạ. Tôi luôn cầu trời khấn phật cho đất nước này yên bình, thôi đổ máu. Ngày hòa bình, mừng muốn khóc. Hóa ra, chưa hết cuộc chiến này đã…
Sau bức vách, Mến tưởng tượng bà Bảy nghiêng mặt nhổ bã trầu cái xoẹt rồi thở dài. Trước, bà nội Mến chỉ nhai trầu hương, loại nhất, chọn từng lá từ Bà Điểm theo xe đò chuyển về, cau cũng là cau vàng lựng miệt Long Khánh đưa lên. Từ dạo ngăn sông cấm chợ, có trầu để nhai cho đỡ thèm đã là may. Phải dặm thêm thuốc lào thô.
- Nói gì thì nói, mình không xắn tay áo ra giúp chính quyền mới thì thôi, cũng đừng nên châm chọc, mỉa mai họ. Để phúc đức cho con cháu về sau – Bà Bảy tiếp – Nghe đâu, thằng Hải cháu nội moa đã có giấy gọi nhập ngũ rồi.
Mến giật thót. Ba Hải chết mất xác ở Quảng Trị năm 72. Sắp đi bộ đội sao nó không nói không rằng gì với Mến?
- Toa không chạy cho thằng Hải khỏi bộ đội hả? Cái lý lịch con Quốc gia mà đi lính Cụ Hồ có mà nát bét. Họ đưa ra biên giới, coi như mất luôn thằng cháu đích tôn – Giáo sư Tú lo lắng.
- Ai sao thì mình vậy chứ lo lót làm gì. Với lại, nó còn trẻ, đời còn dài, moa để nó tự quyết định. Thời thanh niên, mình cũng xốc áo đi theo lý tưởng thì bây giờ nó cũng vậy. Ở nhà, có khi lại tụ tập bạn bè, không giang hồ tứ chiếng cũng trộm cắp, tháo ốc vít máy bay ngoài Biên Hòa dễ xộ khám như chơi.
- Bà Bảy nói cũng phải. Mình phủ nhận họ thì làm sao họ chấp nhận mình? – Cô Thủy nhỏ tuổi nhất trong bộ tứ, thi thoảng mới góp vài câu – Biết Việt Cộng thắng, moa theo họ từ xưa, khỏi bon chen buôn bán cho mệt. Giờ thì mèo lại hoàn mèo. Đổi tiền một lần là trắng một tay. Vốn liếng cạn dần. Nay mai đói nhăn răng ai mà biết…
- A ha. Vậy thì toa cho mấy đứa con đi bộ đội với thằng Hải luôn. Biết đâu mai mốt làm bà mẹ anh hùng. Qui ne risque rien, n’a rien(**) – Bác sĩ Quế nhếch mép.
Cô Thủy xuất thân chợ trời, đối đáp ngọt xớt:
- Vouloir, c’est pouvoir(***). Tới khi đó, đừng chạy theo xin gọi moa là đồng chí nha…
Hầu như, chiều nào bộ tứ cũng ngồi với nhau, thường ở nhà bà Bảy Tề. Họ nói tiếng Pháp, nghe đài BBC, tán chuyện Tây chuyện ta, trên trời dưới đất, khi uống trà móc câu nhai trầu, lúc rượu Tây nhắm pho mát. Cao hứng, dìu nhau lắc lư theo điệu nhạc rè rè từ cái máy hát đĩa cũ. Cả xứ này chỉ có bộ tứ xài bình ắc quy và pin con ó. Đời sống có xuống mấy chăng nữa, họ cố níu kéo và giữ lấy thứ văn minh mà chính quyền mới gọi là “văn hóa đồi trụy, nô dịch, lai căng”.
Sâm sẩm tối, bà Bảy Tề tiễn ba người bạn ra về. Đứng trên bậc cửa, miệng bà còn bỏm bẻm miếng trầu nhai dở, tà áo dài gấm điều buông thõng. Trời nóng hầm hập. Gió sông Đồng Nai thổi lên mấy ngọn mồ côi không đủ phất phơ mái tóc đã bạc trắng của bà.
Mến chạy lại.
- Nội ơi. Tối nay, cho con đi tập văn nghệ ngoài ủy ban nha.
Bà Bảy trợn mắt:
- Cả xã tập trung nghe mấy ổng bả giảng đạo từ bảy giờ, xong đã quá chín giờ đêm rồi, khuya lơ khuya lắc còn văn nghệ văn gừng gì nữa. Thời buổi nhá nhem. Về ngủ sớm cho yên.
- Sao nội cho thằng Hải tự quyết định chuyện đi bộ đội được, còn con muốn tham gia đội văn hóa xã thì không? Chẳng lẽ cứ cả ngày ru rú lui lủi trong nhà biết chừng nào khôn. Con cũng có cuộc đời của con chứ.
- Cha bây! Thằng Hải nhỏ tuổi hơn bây nhưng là đàn ông con trai, lại giỏi võ nghệ. Khôn nhờ dại chịu. Còn bây, hơ hớ vú móm đêm hôm ra đường có ngày vác cái bụng chình ình về là tao cạo đầu bôi vôi nghe chưa.
- Nội khéo lo. Con đi chung với thằng Hải và con Hằng con cô Thủy, con Huệ cháu ông Quế nữa chứ một mình đâu. Thằng nào dám bén mảng léng phéng tán tỉnh được.
- Thằng Khánh Lục Vân Tiên có đi không? Có nó, nội mới yên tâm – Tự dưng, bà Bảy nhớ tới Khánh. Chàng thanh niên đàn giỏi hát hay, hiền lành chân chất, về xóm Chuối gần hai năm nay, ở nhờ trên miếng ruộng tuốt ngoài Hồ Đá của bà.

***
Đàn hát chỉ là tài vặt, Khánh vốn con nhà võ, từng có những trận đấu vang danh ở Sài Gòn.
Miền Nam sang trang, sùng sục trong cơn chạy trốn. Cái nóng oi bức vùng nhiệt đới không nóng bằng cái không khí căng cứng nghi kỵ. Nhà giàu thì tổ chức đóng thuyền đóng bè, trữ xăng trữ dầu, chỉ chực gió yên biển lặng là rời bỏ quê hương. Nhà nghèo thì canh me có chuyến sẽ đu theo. Người đàng hoàng thì lột sạch vàng bạc vốn liếng mua vé lên tàu. Kẻ lưu manh thì cướp bóc, giành giật. Mọi sự đánh đổi đều hướng tới hy vọng được cập bến ở một nơi nào đó. Nơi nào cũng được, miễn là ngoài Việt Nam.
Khi đó, Miên, hai mươi tuổi, là con gái một gia đình quan quyền chế độ mới.
Cơn bão bao cấp bóp người ta đến nghẹt thở. Cái bụng đói, dần dà cái lương tri bị mài mòn cho tới khi rỗng tuếch.
Bị ép đi thanh niên xung kích, Khánh chống đối. Căn nhà nhỏ của hai mẹ con liên tục cả tuần lễ phải mở cửa tiếp những vị khách không mời. Họ là chính quyền. Họ là đảng. Là roi vọt chỉ có nghiêm khắc giơ lên đánh xuống chứ không nói lý nói tình gì. Họ muốn Khánh ký tên vào mảnh giấy tòng quân.
- Nếu các người muốn tôi đi, thì cứ bắt tôi đi. Chẳng có xung phong, chẳng có tình nguyện ráo gì ở đây. Muốn tôi ký tên vào, thì mấy người cứ gạch hai chữ tình nguyện kia đi. Tôi bị cưỡng bức lao động chứ không hề tình nguyện.
Miên có mặt cùng với họ. Cô là bí thư đoàn thanh niên.
- Anh không muốn ra sức kiến thiết đất nước sao? Miên chất vấn.
- Thì tôi vẫn đang làm việc và sống bằng sức lao động của mình chứ có ăn bám ai đâu. Có làm gì ảnh hưởng tới sự phát triển của mấy người đâu.
- Nhưng, Tổ quốc đang cần những thanh niên như anh đi xây dựng các vùng sâu vùng xa. Anh sợ khó sợ khổ à?
- Một thằng thanh niên đang nghề nghiệp ổn định như tôi, mấy người lại muốn đưa ra vùng kinh tế mới chăn bò mới là không sợ khó sợ khổ? Mỗi người mỗi việc, tại sao mấy người lại muốn ép tất cả người khác vào những cái khuôn kỳ cục mấy người nghĩ ra?
Họ về. Bỏ lại lời cảnh cáo: Sáng ngày mai lên trình diện ủy ban phường.
Bà mẹ già lo cho con:
- Hay là, con chịu khó đi cho xong chuyện. Sống thời nào phải theo thời đó.
- Còn cái lò võ cha truyền con nối mấy đời nhà mình bỏ cho ai hả mẹ?
- Rồi họ cũng bắt hết thanh niên đi. Võ nghệ vô dụng rồi con ơi.
Khánh không tin võ nghệ vô dụng. Sập tối, anh lang thang dọc bến đò. Con kênh hui hủi bốc mùi. Bỗng có tiếng la thất thanh rồi yếu dần ở góc kho đạn bỏ hoang. Cướp… Khánh nhảy qua cửa sổ. Anh thấy ba bốn tên đang giở trò đồi bại với một phụ nữ. Mái tóc dài rũ rượi che hết khuôn mặt. Bọn lưu manh sắp chạm vào giới hạn của trò chơi. Thấy Khánh, bọn chúng nham nhở cười. Thì ra, đều là dân đầu đường xó chợ vẫn hay luẩn quẩn ở xóm này, có tên Khánh quen mặt.
- Thả người ta ra rồi biến đi!
- Muốn chia phần thì chia, chớ ông anh ỉ võ nghệ đầy mình rồi phỗng tay trên của bọn này hả? Miễn đi.
Thấp thoáng gương mặt người phụ nữ ngước lên. Miên. Bọn lưu manh thằng cầm dao lê, thằng giương mã tấu đồng loạt xông vào Khánh. Chớp nhoáng mấy đường quyền, cả bọn té tát chạy dài. Miên lồm cồm bò dậy.
- Sao mà lạc vô chỗ hoang vắng này cho tụi nó giở trò hả? Khánh hỏi trỏng.
- Bị một thằng nhóc giựt giỏ xách, em cố rượt theo. Tới đây mới thấy cả đám hung tợn. Cảm ơn anh.
- Có gì mà ơn với nghĩa. Tôi thấy việc cần làm thì phải làm, chớ không tình nguyện tình nghiếc gì đâu.
Khánh đưa cô gái tên Miên về tận nhà. Và, ngày hôm sau, thay vì phải lên phường để trình diện thì anh đến thẳng nhà Miên để nhận lấy một số phận quái đản. Nhắm mắt tưởng tượng cũng chẳng ai có thể thấy nổi.
Họ yêu nhau. Mỹ nhân với anh hùng. Lò võ của Khánh vẫn được duy trì và không bị ai hạch sách gì nữa. Chỉ mấy ngày nữa thôi, chàng võ sư đàng hoàng trở thành con rể một ông quan.
Khi nhà trai đem sính lễ tới, ai nấy hồ hởi chờ đón một đám cưới đẹp hiếm có giữa thời buổi mà mọi mối quan hệ đều bị khoanh vùng. Bà con lối xóm mừng cho chàng trai tốt số. Dân chúng tò mò muốn chiêm ngưỡng gia thế ông quan to có suy nghĩ thoáng. Nhà gái dựng cổng hoa rực rỡ. Bên trong, tiếng nhạc rộn ràng. Nhưng khi mọi người bước vào cổng thì chẳng thấy bóng dáng một con người nào. Nhà trước nhà sau lặng ngắt. Khánh cứ ngỡ cô dâu của mình đang chơi trò trốn tìm. Giữa lúc tất cả đang im hơi trong sự ngột ngạt bắt đầu căng thẳng, bên ngoài ồn ào một toán công an ập vào. Một người trong số họ đứng trước mặt Khánh, ánh mắt soi mói, rõ giọng:
- Cả gia đình cô dâu lên tàu vượt biên rồi. Khuya qua. Anh có biết gì không?
Họ áp giải Khánh về trại giam để điều tra. Và, không án không xử, Khánh bị đưa đi tận miệt Bình Phước chắc cà đao. Cái áo sơ mi trắng bà mẹ may cho con lấy vợ trải qua bạc phếch lao lý. Bà buồn phiền đến chết. Câu chuyện của ông quan to vẫn là một ẩn số. Có người nói, ông ta bị phát hiện là gián điệp của chế độ cũ nên vội vã bỏ chạy. Lại có tin đồn, ông ta ngán ngẩm cái kết quả mà mình đã hy sinh mấy chục năm tuổi trẻ để mang về. Gì đi nữa, đám cưới hụt trở thành đề tài để bàn dân thiên hạ tán gẫu suốt một thời gian dài.
Được thả, Khánh không về nhà, lang bạt tới Xóm Chuối. Da sạm nắng. Mắt vô hồn. Người ta thường thấy anh uống say rồi nghêu ngao ngâm Lục Vân Tiên: “Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha…”
Thằng Hải mê ngón võ, ngón đàn của Khánh, thường lân la ra Hồ Đá chơi. Có hôm, nó dắt chị họ theo. Mến hăm hai, xâm xấp tuổi Miên ngày xưa. Cũng nòi tiểu thư đài các, nhưng Mến không duyên dáng, thùy mị như Miên, mà hay õng ẹo, cợt nhả, cong cớn. Có lần, mặc cho Khánh ngồi gỡ lưới bên bờ hồ, Mến nhảy ùm xuống nước, ngụp ngụp lặn lặn, ưỡn ẹo làm dáng. Vải lụa mỏng tang ướt bết vào da. Nhưng nhức. Khoe khoang đến mức không thể khoe khoang hơn nữa. Khánh bỏ đi, còn nghe tiếng Mến khua nước tức tối sau lưng:
- Mèo mà chê mỡ hả? Lục Vân Tiên quân tử đại trượng phu hả? Xí…
Tiếng “xí” sắc lẻm đeo bám Khánh suốt những đêm tập văn nghệ ở sân ủy ban xã. Nếu không vì thuộc diện “quản lý tại địa phương” thì Khánh đã từ chối thẳng thừng việc đàn ca hò hét này. Anh cố giả lơ, tập trung vào ngón đàn nhưng ngứa con mắt quá. Mến và gã Nghệ đội trưởng đội văn hóa tuyên truyền cặp kè xà nẹo như sam. Họ hát cặp với nhau, nắm tay ôm eo bất kể những lúc chẳng cần phải diễn. Bất kể những bài nhạc đỏ đầy khí phách hào hùng như Diệt phát xít, Đất nước trọn niềm vui,… Ban đầu, Nghệ có vẻ xấu hổ, nhưng dần dà, gã buông xuôi dưới sức quyến rũ căng tràn của Mến như con mèo đực hoàn toàn đầu hàng trước tiếng gầm gào uy quyền của ả mèo cái. Trơ trơ, sống sượng, sến như con hến. Chốc chốc, Mến lại dõi ánh nhìn nhọn hoắt về phía Khánh, như thách thức, như trêu ngươi, như giễu cợt.

***
Hải đi bộ đội mấy tháng thì Mến nghén sặc sụa.
Bà Bảy kêu trời kêu đất, tra hỏi mấy ngày liền. Mặc cho roi mây vút xuống đen đét, Mến cắn răng không hé một lời. Mặc cho cả nhà tru tréo khóc lóc, Mến cắn răng bất cần.
- Tao đã nói bao nhiêu lần mà không nghe. Ham hố gì cái thứ văn nghệ văn gừng giả tạo đó? Hát hát hò hò dzô ta dzô ta dzô riết nên cái bụng mày mới sình lên vầy nè. Bầu của thằng nào? Thằng Nghệ cán bộ văn hóa phải không? Hay là Lục Vân Tiên? Chỉ có cái thằng mặt dày giả nhân giả nghĩa mượn danh cách mạng kia thôi chứ thằng Khánh không đời nào khốn nạn vậy. Thằng nào hả Mến? Hả Mến? Hả…
Mỗi tiếng hả là một nhát roi. Bà Bảy không kịp nghe câu trả lời. Ngay buổi chiều chập choạng hôm ấy, công an và dân quân xã ùn ùn bao vây nhà bà. Dẫn đầu là Ba Nhất chủ tịch xã. Vị cán bộ sau hai năm học phổ cập mù chữ đã biết đọc, tuy còn hơi vấp.
- Đây là lệnh bắt. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Không ai tin nổi bà Bảy Tề và bộ tứ Xóm Chuối tham gia cái tổ chức phản động mang tên Phản Tỉnh lơ tơ mơ nào đó. Lật tung nhà bà Bảy, họ kê khai trong biên bản:
“Một số hiện vật khả nghi là phương tiện chuẩn bị phạm tội: hai rương tiền chưa đổi, vàng không nguồn gốc. Nhiều sách vở có thể là tài liệu tuyên truyền phản động (in bằng tiếng Pháp, chưa rõ nội dung). Máy hát. Áo dài gấm. Quần bò… Phát hiện trong nhà có hầm kín, có thể là nơi nuôi giấu quân phản động…”
Bộ tứ Xóm Chuối bị còng trái tay. Có mặt đầy đủ cán bộ xã. Trừ cán bộ phụ trách văn hóa tuyên truyền tên Nghệ. Nghe đâu, anh ta xin về phép thăm vợ con ngoài quê từ tinh mơ.
Khánh nghe tin, chạy lại thì bà Bảy đã bị đưa đi hút mắt. Cả nhà chạy đôn chạy đáo. Xóm giềng người thất thần, kẻ xì xào. Mặc điều ong tiếng ve xung quanh, Mến ngồi ru rú trong phòng, hai tay đấm bụng thình thịch, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. May mà, Lục Vân Tiên có mặt kịp thời.
Hải đứng ngồi không yên. Chưa rõ thực hư chuyện bà nội phản động ra sao thì chiến sự Gạc Ma ập tới. Đã có những đồng đội quấn cờ Tổ quốc làm bia hứng đạn quân xâm lược. Chàng binh nhì giỏi võ hừng hực nước mắt viết đơn tình nguyện ra đảo. Cấp trên còn đang xem xét.

***
Không phải lúc nào người ta cũng có quyền nghĩ khác.
Dám nghĩ khác, chưa chắc có quyền làm khác.
Khác, nghĩa là có sự lựa chọn.
Lựa chọn, không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tự do và hạnh phúc. Có những sự lựa chọn khiến người ta đau khổ. Đứng trước những ngã ba, ngã tư cuộc đời – người ta dần dà tự thả mình trôi theo quán tính, theo dòng chảy của đám đông.
Đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng chỉ là quy ước, nhưng là thứ quy ước của quyền lực bầy đàn. Càng nhiều quy ước, tự do càng mất đi. Khốn khổ thay, người ta cứ tưởng càng nhiều quy ước thì xã hội càng văn minh.
Một đám đông cô đơn. Gặp nhau phải cúi đầu chào, phải mỉm cười, phải tay bắt mặt mừng, phải cạy miệng nặn ra mấy lời xã giao để chứng thực tôi đang có mặt ở đây, tôi có giáo dục, tôi lịch thiệp, tôi là bạn. Sự tồn tại cá nhân nhạt dần, trốn vào một sự tồn tại khác. Mỗi người phải đấu tranh với chính mình hòng bước vào thế giới – sau khi đã tranh đấu đổ mồ hôi sôi nước mắt tách mình ra khỏi chúng ta nhạt nhẽo.
Bộ tứ Xóm Chuối, cán bộ ủy ban xã, cách mạng, Khánh Lục Vân Tiên, Miên, Mến, bộ đội Hải,… Họ chẳng đại diện cho ai cả. Họ vận động hay đang chịu sự vận động của dân tộc cuộn vòng trên chiếc giường mang tên nòi giống? Trong tấm chăn lỗ chỗ chằng đụp chiến tranh và loạn lạc? Dưới mái nhà Lạc Hồng lắm kẻ ngửa tay đợi chờ “sau cơn mưa trời lại sáng”?
Có quyền nghĩ khác, có quyền làm khác, có sự lựa chọn thì họ cũng sẽ như vậy? Gánh vác và tiếp nối di sản loạn lạc mấy ngàn năm mang tên Việt Nam.
Cuộc chiến, không tự mình dừng lại. Cuộc chiến chỉ là cái cớ. Cái cớ để biện hộ chứ không phải chân lý.
Bộ tứ Xóm Chuối, cán bộ ủy ban xã, cách mạng, Khánh Lục Vân Tiên, Miên, Mến, bộ đội Thái,… không phải những nhân vật của tôi. Phân vai cho họ, chính hay phụ, thiện hoặc ác, anh hùng và lưu manh, chỉ có thể là Thời gian hoặc chính họ. Lịch sử không phải đất sét để bất cứ ai có quyền nhào nặn theo ý mình. Có chăng, người viết nhìn thấy họ, phỏng vấn họ, xin lỗi họ, cảm ơn họ, dõi theo họ và lớn lên cùng họ.

***
Xóm Chuối đã lên huyện với cái tên thật kêu: Chiến Thắng. Ủy ban huyện khang trang, hiện đại trên nền đất cũ. Thiếu tá bộ đội biên phòng Lê Văn Hải hỏi vị chủ tịch huyện còn trẻ măng:
- Đồng chí có biết lai lịch mảnh đất chúng ta đang đứng đây không?
- Dạ, cháu có nghe loáng thoáng, đất ủy ban cũng như hầu hết đất đai huyện nhà đều là của bộ tứ trí thức cũ, mà đứng đầu là bà Bảy Tề, phải không ạ?
- Chuyện xưa rồi… - Thiếu tá Hải trầm ngâm – Tôi là cháu đích tôn của bà Bảy Tề…
Huyện cho xe chở thiếu tá biên phòng về nhà khách, nhưng ông từ chối. Ông muốn tự đi, thăm Hồ Đá nay đã thành di tích văn hóa cấp quốc gia, về thăm mái nhà cũ, thăm bà con lối xóm xa xưa.
Huyện lỵ thay da đổi thịt đến không ngờ. Nhà cửa san sát. Đường xá ầm ào. Tuyệt nhiên, chuối đã mất tích. Họa hoằn lắm mới thấy lẻ tẻ một vài cây đứng chơ vơ trong chậu kiểng nhà giàu. Trước các quán nhậu bình dân, hũ lớn hũ nhỏ chuối hột ngâm rượu sền sệt quăn quắt. Công nghiệp hóa nuốt trộng hơi gió bàng bạc phía sông thổi vào. Chỉ còn chút dáng dấp đất đỏ không ra đỏ vàng không ra vàng ở con hẻm dẫn vào nhà nội. Đôi gót giày lính nằng nặng đất sét dẻo quẹo.
Bộ tứ không những không phản động, bản thân bà Bảy Tề còn được phong người có công do từng nuôi giấu cách mạng trong hầm nhà, nhưng họ được minh oan khi đã ra cổ lai hy cả. Xóm Chuối bỗng dưng thành xóm anh hùng.
Hải, khi mới gia nhập bộ đội, mang tiếng con nhà địa chủ phản động, hết bị đì đẹt xét nét thế này thế nọ tưởng chừng phải trốn ngũ, nhưng sau đó đương nhiên trở thành con cháu gia đình có công với cách mạng, được tạo điều kiện nâng cao chuyên môn và được đề bạt. Về quê lần này, thiếu tá Hải vì chuyện công lẫn chuyện tư.
Công, là để ký kết giao lại chủ quyền đất đai thừa kế từ bà nội cho huyện quản lý, triển khai hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài xây dựng khu công nghiệp.
Tư, là thăm lại anh chị và cháu. Mến, nay đã thành bà chủ khách sạn Trấn Biên sang trọng nhất vùng. Số phận đưa đẩy người ta vào những tình thế chẳng ai ngờ được. Một câu bà nội hay nói mà sau này Hải biết được đó là của Marx: Lịch sử bắt đầu bằng trò hề, và kết thúc cũng bằng trò hề. Chồng của Mến chính là Khánh Lục Vân Tiên. Họ đến với nhau thế nào, ủy ban không biết, chòm xóm không biết, may ra có trời mới biết. Non bảy tháng, Mến sinh được thằng cu giống Khánh như tạc. Giống đến nỗi Khánh và Mến đều bất ngờ đến nỗi sững sờ. Lây lất qua thời kỳ bà nội bị oan ức, đất đai của nả bị tịch biên, họ đã gầy dựng được cơ ngơi ổn định. Dân quanh vùng, đổi cách gọi Khánh Lục Vân Tiên thành ông Khánh Tề (theo tên bà nội vợ). Ngoài việc kinh doanh, Khánh còn mở lò dạy võ Lục Vân Tiên ở trung tâm thể thao huyện. Đã có học trò đoạt giải Olympic quốc gia. Nức tiếng trong ngoài tỉnh.
Vừa mấp mé bậc thềm, chưa kịp bấm chuông thì thiếu tá Hải đã nghe giọng đàn bà quen quen cay xé bên trong:
- Trời ơi là trời ông xuống đây mà coi. Chồng tới tuổi này, đầu hai thứ tóc, con cháu đầy đàn rồi mà còn ham hố bồ lớn bồ nhỏ…
Cùng với tiếng than trầm bổng là tiếng đàn ông nhỏ nhẻ khuyên giải:
- Bồ đâu mà bồ. Người ta ở xa về, muốn ghé thăm, anh bàn với em mời cổ về nhà chứ có hẹn hò lén lút gì mà ghen?
Hải bước vào. Thấy em trai, Mến càng khóc to hơn:
- Cậu về kịp lúc lắm. Về mà coi anh rể cậu, thần tượng của cậu đèo bòng, sanh tật kìa. Đúng là tình cũ không rủ cũng tới mà.
Hỏi kỹ, Hải mới biết có bà việt kiều Mỹ tên Miên, mối duyên nợ oan khuất của anh Khánh về nước, muốn tìm thăm chàng ân nhân bất đắc dĩ. Hải cười hì hì:
- Chị bình tĩnh. Em hiểu rồi. Bà Miên bây giờ đàng hoàng là Việt kiều yêu nước, chuyến này về để đầu tư, góp vốn chính trong dự án khu công nghiệp huyện mình. Ba hồn bảy vía anh Khánh cũng không dám mon men múa võ trước bả nữa đâu…
- Thật không? - Mến gạt nước mắt, hăm hở như chưa từng nước mắt mặt nặng mày nhẹ gì - Chị tin lời cậu đó. Anh Khánh mà mất cọng tóc nào là cậu chịu trách nhiệm.
Nhìn cặp vợ chồng già còn âu yếm quấn quýt nhau như son, thiếu tá Hải vui lây. Nâng niu đặt lên bàn thờ nải chuối vàng ươm chị Mến mua ở siêu thị Chiến Thắng, trái to mập gần gấp rưỡi của Xóm Chuối ngày xưa, có dán nhãn mác, nghe đâu tuốt bên Tàu bên Tây nhập về. Thắp hương cho bà nội, ông thiếu tá thầm thì:
-   Quá khứ là nơi người ta có thể cất giữ mọi thứ, kể cả ghen tuông, thù hận, buồn bã. Chỉ trừ hai thứ, hiện tại và tương lai.

***
Lò đào tạo quái vật không phải phim hoạt hình. Hải cam đoan như thể mình là đạo diễn.
Tôi nép vào người bạn đường đã cùng lặn lội hơn nửa cuộc đời như hình với bóng.
- Sẽ quay lại thăm nơi ấy nữa chứ?
TS.
---------
Chú thích:

Ngạn ngữ Pháp: (*)Tai vách mạch rừng, (**)Có gan làm giàu, (***)Thích thì chìu. 

Lên đầu trang