Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRUYỆN NGẮN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRUYỆN NGẮN. Hiển thị tất cả bài đăng

Đứa con rơi của Hoài Thanh

Trịnh Sơn

Phải nói rằng: Nàng rất đẹp. Đẹp rực rỡ. Nhất là đôi mắt to tròn hun hút muốn thâu tóm cả thế giới về phía mình. Và làn da, trắng như tuyết. Cứ ngỡ nàng vừa chui ra từ cái vú một con bò sữa sau một thời gian ấp ủ đủ mệt. 

(tranh sưu tầm)

Nhưng, điều làm tôi chú ý tới nàng, đầu tiên, lại không phải là đôi mắt xoáy ốc với nước da quý phái nàng có. Mà là một thứ khác.

Đó là một buổi tối thứ bảy. Phòng karaoke ồn ào thanh âm của rượu và đám đông. Một con bé nhợt nhạt ngấm men đến bên tôi:

- Anh ơi! Hát đi. Ôm em đi. Chơi đi. Đêm nay, còn dài lắm.

Con bé xỉn mất rồi. Tôi chưa biết phải làm sao với nó, thì nàng tới, bằng giọng nói.

- Đi vào phòng trong ngủ đi. Đêm không dài lắm đâu. Ngày mai mới dài.

Đọc tiếp

Bồ đề một lá

Trịnh Sơn


Minh họa: Văn Ngọc
Suốt mấy ngày ở Ấn Độ, tôi chẳng biết làm gì. Chuyến phượt như nước đổ lá khoai. Nước người ta rộng lớn quá. Con bò con trâu đi chung đường với con người. Như một ngôi chùa lớn. Mỗi túp phố là một chiếc lá bồ đề ngả nghiêng phơi mình dưới ánh nắng dìu dịu. Có chiếc non. Có chiếc già. Có chiếc đã khô ran trên bàn tay khách thập phương. Có chiếc còn vàng ố trong khay rổ của những em bé nhặt lá mưu sinh.

Nghề nhặt lá. Tôi phì cười khi nghĩ không biết ở cái thành phố thánh địa Phật giáo này có các công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên gia công, chế biến, môi giới và buôn bán lá hay không? Nhẫn hỏi:

- Gì mà cười vậy cha nội?

Đọc tiếp

Bà Rịa bát bộ (Sóng gió Ô Cấp)

Trịnh Sơn

Minh họa: Thành Chương
Một ngày oi ả. Bên này cầu Long Hương, quán cóc trước tiệm tạp hóa, mấy cái bàn gỗ thâm thấp, ghế vuông vắn cộc kệch đủ thẳng góc cẳng chân với mặt đất đỏ. Trận mưa đêm qua còn để lại trên mặt đường cái vài tấm gương lỗ chỗ đùng đục. Tuyến đường chính từ Sài Gòn về Phước Tuy. Ngồi ở đây, không phải công chức nhà nước, giáo chức mấy trường công tư trong châu thành thì là mấy cô cậu học trò mê truyện kiếm hiệp. Tuần ba bữa, ba năm bảy, chiếc xe đò nhả khói đen kịt trên thành phố về đều ghé lại đây nửa tiếng, thể nào cũng có xấp báo khổ lớn, dành luôn hai trang giữa đăng truyện nhiều kỳ của Kim Dung, Cổ Long. Mỗi đứa mượn một tờ, hí hoáy nhấp nháy đọc. Đọc chớp, đứa nào đọc không kịp, cứ tới giờ xe nổ máy chuyển bánh hướng thẳng đại lộ Thành Thái ra Cấp thì tiếc hùi hụi. Cả quán cà phê bụi đường này, cũng chỉ có hai người đặt mua báo – giáo sư Việt văn và bà chủ quán. Thằng Hội con bà chủ quán, tờ báo của má nó trước sau cũng đến tay nó nhưng chờ không nổi, mắt đuổi theo chữ để lên lớp còn huênh hoang với tụi bạn. Nào là, kỳ này Tiêu Phong đại chiến Tụ hiền trang cầu Tiết thần y cứu A Châu cô nương, chiêu Hàng long thập bát chưởng của chàng vù vù uy mãnh. Nhìn nó múa may tay chân, thể nào tụi con gái cũng xoe xoe mắt ngưỡng mộ. Đám con trai thì im thin thít trổ hết ngạc nhiên này đến sửng sốt nọ. 

Sáng nay cũng vậy, thằng Hội đang đắm đuối theo chiêu Nhất dương chỉ của Đoàn Dự thì bất chợt ngẩng đầu lên, trợn tròn mắt:

- Ê, thằng Quang củ mì! Mày đi đâu qua đây? 

- Tao không qua đây được sao? – Thằng nhóc trạc mười sáu, mười bảy đen trùi trũi trên chiếc xe đạp trụi lơ không dè, chân mang đép lê đang rà xuống đường để thắng – Con Linh bị bắn tối qua ở cầu Cỏ May, mày biết chưa?

- Trời. Linh chị hay Linh em? – Thằng Hội hoảng hồn – Lại tụi du kích đánh lén phải hông.

Đọc tiếp

Thuốc cho ngày mai

Trịnh Sơn

Không gian siêu thực, lẩn quất đâu đây không khí của phòng chờ trước ngày phán xét? Nhưng cũng rất thực với những nỗi đau có thật của con người.
Trước ngưỡng cửa sống - chết. Mọi con người đều như nhau. Không phải ai cũng hiểu điều đó, nhưng Trịnh Sơn, bằng quan sát và chiêm nghiệm của mình, đã cố gắng truyền đạt điều đó - bằng văn chương.
Trịnh Sơn, nhà văn trẻ, đang sống và làm việc ở Bà Rịa - Vũng Tàu. 
(Lê Anh Hoài)
 
Minh họa: Đỗ Phấn
         Bệnh viện X.
Chẳng ai muốn đến bệnh viện, trừ khi phải đến. Có trăm ngàn lý do. Không kể ra. Kể ra, có khi chính người kể đang cố ghi tên mình vào danh sách một chỗ nằm nào đó trong chốn thương tật và đau đớn ấy.
Nhưng, rồi ai cũng phải đến. Không đến, xem như không phải người. Khó làm người.
Tất nhiên, trừ trường hợp đặc biệt, họ là bác sĩ, ý tá, điều dưỡng… Con chiên bất khả kháng của những bức tường dường như từng trắng toát trước khi ngã màu xỉn vàng. Các dãy hành lang, ôi thôi, cảm giác như chẳng có hành lang bất kỳ nơi đâu được tận dụng triệt để như ở bệnh viện. Làm nơi ăn, chốn nghỉ cho bất cứ ai. Làm sân phơi trọn vẹn từ sự trần trụi cỏn con nhất cho đến kín đáo dày cộm nhất mà ai đã đi qua các khu phố Tàu đều thấy: đủ sắc màu cầu vồng, kiểu dáng thô thon, chất liệu tạm bợ hoặc bền bĩ,… Làm chốn hẹn hò công và tư: như cái bùng binh xoay vòng ba trục đường thân nhân, bệnh nhân và lực lượng canh giữ hay mời mọc thần chết. Làm chiếc giường cọt kẹt hững hờ và quay quắt từng giấc mơ giữa ban ngày. Cáng đáng tất tần tật vai trò của một không gian chịu đựng. Dài ngoằn. Ươn ướt. Lành lạnh. Mồ hôi. Mùi.
Mùi bệnh viện. Ít nhất một lần trong đời, bạn phải thưởng thức mùi bệnh viện.
Tôi chỉ đi ngang qua thành phố này. Khỏe mạnh. Rủng rỉnh tiền. Bỗng, sau một buổi ăn, thấy mình đang nằm trên chiếc giường bé xíu

Đọc tiếp

Mất phương hướng

Trịnh Sơn

Minh họa: Kim Duẩn

Chỉ trong một ngày mà tôi gặp đến hai người tự nhận mình mất phương hướng.

Thứ nhất là Nhân – bạn thân, cùng cơ quan. Thường thì anh điềm đạm, ai nói gì cũng cười, đến con chó của bác bảo vệ nuôi ở phòng gác cổng cũng mến anh nữa huống gì. Thế mà, sáng sớm nay, tôi vừa ngồi chưa nóng chỗ trong góc riêng của mình thì anh đến, dáng vẻ hộc tốc khác thường. Tôi toan nhường ghế cho Nhân ngồi thì anh vội xua tay, đứng tựa hẳn vào khung cửa sổ phía sau lưng máy tính. Căn phòng có duy nhất một ô cửa sổ. Chẳng ai thích hợp hơn là một gã còn độc thân rít nhả khói sạm môi như tôi. Nhân xin một điếu. Châm lửa xong

Đọc tiếp

Chạy trốn

Trịnh Sơn


(trích tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng)

(ảnh sưu tầm)
-    Người ta tự cho mình cái tài hiểu được lòng dạ người khác. Cứ ngỡ có thể lần dò tâm tính thiên hạ như lật từng trang sách. Sách vở chữ nghĩa ư? Đọc mòn cả gáy mẻ cả bìa còn chưa dám nói mình hiểu được mấy phần nữa là…
Ông đứng nghiêm, hai tay đưa thẳng ra trước, miệng lẩm bẩm từng lời. Tấm gương cao hơn đầu người chiếm gần hết nửa bức tường phòng quần áo phản chiếu ánh điện sáng choang. Bà đang cài từng chiếc khuy đính mề đay vàng đỏ kính thưa các loại lên ngực trái. Rồi ngực phải. Kín cả hai bên. Ông đứng im như tượng. Bộ lễ phục cao cấp đã được là phẳng phiu, vuông vức từng nếp ly. Có cảm giác, ruồi cũng không thể đậu nổi trên tấm áo ấy. Đời ông ghét nhất là ruồi bu kiến đậu, ghét nhì là bọn sâu bọ đục khoét xoèn xoẹt. Mấy mươi năm tại chức, ông chỉ còn lại bộ lễ phục thẳng thóm này. Không biệt thự, không xe hơi, không tài khoản ngân hàng. Mọi thứ ở đây, từ căn phòng chỉ để thay quần áo mà to hơn cái nhà tập thể ngày xưa cho đến bốn bề tủ gỗ gụ lên nước bóng mượt, cho đến bộ sa-lông chạm long ly quy phụng giá trị bằng mấy cây số quốc lộ, cho đến cả cơ ngơi nguy ngoa tọa lạc giữa khu biệt thự Đế Vương này, tất tần tật là do thằng con cả mang về.
-    Nghe đâu thằng Cả lại mới tậu du thuyền triệu đô à? Ông vẫn đứng nghiêm, hai tay giơ lên cao cho bà vuốt hai nách áo.
-    Ông báo đài mạng miếc suốt ngày thì biết chứ tôi ru rú biết gì. Du thuyền là cái gì, có ăn được không? Nạm vàng bạc kim cương chi mà đắt thế hở?

Đọc tiếp

Đất sét hết vai

Trịnh Sơn

Tôi chưa hề có ý định quay trở lại nơi ấy. Xứ sở của cô đơn và viễn vông. Ngay cả cái khô cằn của đất cũng cô độc, cũng hư huyễn. Thậm chí, nỗi buồn của con người ta cũng cúi mặt xuống, cũng le lẻ văn vắt không ra niềm ra nỗi như những buồn thương ẩm ê mươn mướt trong các thiên tiểu thuyết kinh điển hoặc màn bạc nhoang nhoáng.


Nghĩ về nơi ấy, tôi như con cóc nghiến răng trên miệng vực tưởng tượng bầu trời dưới sâu hút lòng giếng. May mà, Hải đến kịp. Sau những giờ phút chỉn chu quân phục hàm tước, Hải luôn cũn cỡn đối diện với tôi. Chỉ một gói mỳ tôm với cốc nước lọc cũng đủ nuôi quá khứ nhỏm dậy. Xong, Hải đèo tôi ra rạp chiếu phim. Chiếc xe máy cà tàng biển đỏ vác một bóng người thênh thênh. Không vào phòng X đang sướt mướt tình cảm Liên Xô, chẳng vào phòng T chập cheng kiếm hiệp Tàu, bỏ luôn phòng M ì đùng siêu anh hùng Mỹ. Hải dắt tôi đến phòng Ng. Bộ phim Lò đào tạo quái vật vừa bắt đầu.

Đọc tiếp

Một người


Trịnh Sơn 
Tranh của Salvador Dali
Tôi bắt gặp tôi loạng choạng giữa phố. Cái nón lưỡi trai sùm sụp che mất vầng trán, chỉ để loe hoe đuôi tóc bạc xơn xởn. Chưa bao giờ tôi chải đầu, từ năm 20 tuổi. Một niềm tin nào đó vào sự dị hợm của thói lười biếng hoặc cẩu thả mà tôi phát hiện ở hắn – một gã tâm thần thời cuộc. Không dưng tôi gọi hắn bằng danh ngữ đẹp đẽ ấy. Lần nào gặp nhau, câu mở đầu của hắn cũng là : Hôm nay, có gì mới không ? Và, câu kết thúc : Không biết ngày mai có gì mới không ? Mới với hầu hết thế gian này, là một tính từ. Tôi biết, với hắn, Mới là một động từ. Trong con người luôn tự hắt hủi bản thân mình đến mức rồ dại như hắn, mọi tư tưởng tốt đẹp nhất đều trở thành hành vi đồi bại. Có lần, hắn chất vấn tôi :
Hắn : – Nếu vô cớ tao chửi vào mặt mày bằng những lời tục tĩu nhất thì sao ?

Đọc tiếp

Đêm về sáng

Trịnh Sơn

            Cuộc chiến không thể nào dừng lại. Nó đã không tự bắt đầu, nên cũng chẳng cớ gì phải tự kết thúc.
            Nó len lén cứ nửa đêm trườn vào thành phố. Như con rắn quẩn quanh bên trái cấm. Cám dỗ những ánh mắt Eva. Có ai không bị cám dỗ? Quân tử đại trượng phu chăng? Có ai không muốn được cám dỗ? Thánh hiền chăng? Để được gọi là quân tử với thánh hiền, lẽ nào họ không trải qua trùng trùng cám dỗ mà chứng tỏ được cái bản lĩnh hơn người của mình?
            Nó nghĩ, họ mới là số ít người có cái cám dỗ hơn hẳn thế gian. Bằng của cả loài người gộp lại.
            Nó đã trườn vào phòng riêng của vị chỉ huy tối cao, một đêm nào đó. Ngay khi ông mở cửa sổ nhìn ra bầu trời đầy sao. Trên ngực ông, đầy sao. Trong mắt ông, đầy sao. Hai cậu lính cận vệ thấy sếp suy tư thì không dám cục cựa, đứng nghiêm ngó thẳng như phổng. Nó nhè nhẹ trườn vào. Căn phòng bài trí đơn giản. Một bàn gỗ lớn với chiếc ghế bành đen bóng lưng cao có thể xoay tròn ngã ngang dễ dàng. Đối diện, trên bức tường cố ý để lộ vết gạch nham nhở dấu đạn, treo bức tranh Rơm Vàng nổi tiếng của Tô Đông, một họa sĩ tài ba nhưng nghèo túng và nghiện ngập. Đối diện Rơm Vàng, sau lưng ghế bành, cũng là một bức tranh lớn hơn một chút – Chân dung Lãnh tụ – cũng của tay họa sĩ tài hoa kia.
Minh họa: Nhím - Tạp chí Sông Hương
            Nó nhớ lại, nó đã trườn vào cái gallery đổ nát chuẩn bị nộp cho chủ nợ của Tô Đông vài lần. Đã vào rồi lại ra vì không chịu nổi sự nhu nhược mà cuồng bạo của gã nghệ sĩ lắm tài nhiều tật này. Khi gã đang say đắm quét màu lên thân thể trần truồng của một thiếu nữ, nó cũng bắt chước, ngụp hẳn vào xô màu. Lạ kỳ và dị dạng, gã họa sĩ có cách sáng tác có lẽ có một trên đời. Tất cả sắc màu cho tất vào một cái xô, nhúng cây cọ to như cây chổi vào, dũng mãnh vung vút lên rồi bất ngờ giáng thẳng vào người mẫu đẹp đẽ nghiêm ngắn ngồi cứng đờ trước mặt. Có nhát bết cả đầu. Có nhát tát thẳng mặt. Có nhát vục vào chỗ kín chạy ngược lên. Thiếu nữ run rẩy như tội nhân trong nhà ngục bí mật của FBI

Đọc tiếp

Người vẽ bảo tàng Tương Lai

Trịnh Sơn
 
Minh họa: Minh Sơn (Báo Bà Rịa Vũng Tàu)
            Hắn thất vọng. Có gì đáng thất vọng hơn nữa?
            Đứa con chưa đầy tuổi bò bò trườn trườn hoàn toàn tự do trên sàn nhà 4x4m vuông. Trước khi cưới vợ, hắn đã nói như đinh đóng cột với hai bên gia đình:
-          Chỉ cần xong công trình này, con sẽ làm được nhà. Tha hồ mà ở.
            Hôm đưa vợ vào phòng sinh, hắn cũng nói như đình đóng cột:
-          Chỉ cần xong công trình này, anh sẽ làm được nhà. Tha hồ mà ở.
            Đứa bé, con trai hay con gái, cũng khó nhận ra. Con nít đứa nào cũng vậy. Tất cả quần áo baby là của gia đình thằng bạn thân đem lại cho. Họ có con năm trước. Hắn cũng nói như đinh đóng cột:
-          Chỉ cần xong công trình này, tao sẽ làm được nhà. Tha hồ mà ở.

Đọc tiếp

Rơi khỏi tường bám

Trịnh Sơn

Xuân thích nhìn lên bầu trời khi bắt đầu chuyển mưa, những đám mây âm u tụm đầu vào nhau cho đến khi không phân biệt nổi đám nào ra đám nào nữa, ấy, ngàn mũi tên nước bắn thẳng xuống mặt phố. Nhất là buổi trưa Sài Gòn, nghèn nghẹt hơi người hơi xăng dầu choáng hết chỗ hơi đất bốc lên yếu ớt. Một buổi trưa không buồn vui gì, Xuân nhốt mình trong đám đông ngã tư thứ sáu đường Nguyễn Du, có ba mươi giây để chịu trận một cơn mưa giữa màn nắng oi bức. Người đàn ông đậu xe kề bên Xuân, hắn chẳng nhìn mưa cũng chẳng nhìn ai, chăm chăm rỏ ánh mắt vào cặp đùi trắng non của con bé ngồi vắt đùi chếch yên xe phía trước. Con bé ôm bố nó thì phải, váy đồng phục nữ sinh trung học hình như đã tùng xẻo hết sức có thể. Người đàn ông ngồi sau lưng Xuân kề hàm râu cùn cụt lên gáy, “Sắp đến chưa, cô bé?”, “Quán nhậu hay khách sạn?”, “Cả hai, cái nào trước cũng được, miễn là có em”. Đèn xanh, Xuân rồ ga, cắt ngang tia nhìn của người đàn ông bên cạnh với đùi cô nữ sinh. “Tởm, chắc gã đó bị vợ hắt hủi”, “Chưa chắc, nhiều gã tham lam lắm”, “Nhưng, chỉ ngắm thôi chứ chẳng mần ăn gì nổi”… Quán nhậu ở cuối hẻm số ba. Mưa nặng hơn. Vài cái bàn đã có khách. 

Minh họa: Thanh Huyền
Ba năm nay, nó vẫn vậy. Một gian phía trước có chưa đầy chục cái bàn gỗ thấp, gian phía sau là phòng ngủ của chủ quán và toilet, vách ngăn giữa phía trước và phía sau là cái bếp dài, một ngăn dùng gas một ngăn dùng than. Xuân chọn bàn số 5

Đọc tiếp
Lên đầu trang