Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Chuyến tàu S và thế hệ F

Trịnh Sơn

Chia tay đám bạn đồng hành hơn tuần lễ dọc biên giới Việt Trung, tôi lên chuyến tàu S ở Hà Nội. Toa tàu rỗng không. Có lẽ, tôi là hành khách đầu tiên bước lên. Mà không, tôi chỉ là kẻ đến sau. Hai ông bà lão lọ mọ bước vào. Họ đã đến trước, cất hành lý rồi rủ nhau xuống sân ga làm gì đó. Cụ ông khe khẽ mỉm cười. cụ bà móm mém hiền dịu giọng Bắc: Cháu về đâu? - Dạ, Sài Gòn. – Miền Nam đang vào mùa mưa hả? Vợ chồng già cũng vào Sài Gòn. Không đợi tôi nói gì thêm, bà lão tiếp tục: Lâu lắm rồi ông nhỉ. Dễ gần bốn mươi năm chứ ít gì. Mình mới lại vào Nam. Nhớ hồi đó, vừa giải phóng Sài Gòn xong. Nước chưa kịp yên. Tôi loay hoay kinh tế mới, còn ông lại xách ba lô đi biên giới Tây Nam. Nước mình sao mà khổ thế không biết…
Thì ra, ông bà cụ thuộc thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn”. Mấy mươi năm mới lại trở vào Nam mong tìm thăm chốn cũ người xưa. Cụ ông hồ hởi như trai trẻ: Chẳng biết Sài Gòn còn đẹp như xưa không bà nhỉ? Xem truyền hình, thấy cầu Sài Gòn đã làm lại nguy nga lắm. Ngày xưa, tiểu đoàn tôi tiến vào Sài Gòn theo ngã ấy… Tâm hồn tôi đầy tràn mặc balô đã nhẹ tênh sau tuần lễ “thám hiểm” từng cột mốc biên giới phía Bắc. Cưỡi ngựa xem hoa, nhưng ít nhiều nét vẽ địa đầu chữ S đã in sâu vào não trạng chúng tôi hơn bất cứ hình ảnh minh họa đẹp đẽ nào từng biết qua sách giáo khoa, tài liệu tuyên truyền hay phim ảnh trước đó. Hôm đứng ở khe thác Bản Giốc, anh bạn tôi nổi nóng với một nhóm khách Tây Ta lẫn lộn khác. Chuyện là
, anh chàng hướng dẫn viên du lịch huơ tay múa chân diễn giải địa danh này theo điển tích Tàu. Hứng chí, anh chàng còn ngâm cả thơ Hán nhằm ca ngợi vùng đất này tựa trang quốc sắc thiên hương Vương Tường thời Hán Nguyên Đế:
Hán cung hữu giai nhân
Thiên sử sơ vị thức
Nhất triêu tùng Hán sứ
Viễn giả thiều vu quốc
Tuyệt sắc thiên hạ vô
Nhất thất nan tái đắc…
(Minh phi khúc – Âu Dương Tu)
Khách Tây không biết thì không nói, nhưng khách Ta cũng hô hố nói cười, khen đất Trung Quốc sao mà đẹp thế. Họ uốn éo chụp ảnh trước viễn cảnh danh lam. Họ xì xồ ca ngợi người Tàu giỏi giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Họ e thẹn tán tụng Ma chiến hữu của Mạc Ngôn… Anh bạn tôi hết kiềm chế nổi khi một cặp nam nữ ngã ngớn tạo dáng với cột mốc biên giới, anh hét toáng lên, ra ý muốn xua họ đi, không muốn họ giễu cợt với tài vật linh thiêng dựng nên bằng máu và nước mắt bao thế hệ cha ông. Chị bạn đi cùng ngăn lại: Nổi nóng mà làm gì! Họ có thể nằm dài lên bản đồ Việt Nam, có thể nhổ toẹt vào lịch sử bốn ngàn năm Văn hiến, có thể phủ nhận quá khứ hào hùng… Cũng chỉ là một thái độ, một cành cây mọc lên từ cội rễ Việt Nam. Cành dại chết yểu hoặc bị sâu mọt mục ruỗng, mọi sự có thể ấy nào phải lỗi của họ. – Vậy, lỗi của chúng ta à? Hay, lỗi của ai?


Một câu hỏi đâu dễ trả lời. Nhất là giữa lồng lộng đất trời tổ quốc. Một bên là quê hương máu thịt từ thuở cha ông khởi nghiệp dựng nước và ngàn năm ra sức giữ nước. Còn, phía bên kia là kẻ thù phương Bắc khổng lồ chưa bao giờ nguôi ngoai tư tưởng bá quyền, muốn thôn tính láng giềng vốn nhỏ bé, hiền lành, chuộng hòa bình và có phần cam chịu. Chị bạn ôn tồn: Họ dám rời xa phố thị trung tâm rực rỡ đèn màu chè chén, chịu xách ba lô vượt đường xa hiểm trở thăm thú vùng biên đã là quý lắm rồi. Còn đòi hỏi gì hơn nữa? Thái độ với chiến tranh, với vấn đề chủ quyền tổ quốc mỗi người mỗi khác. Đừng bắt họ giống chúng ta. Ngay cả chúng ta chưa hẳn đã răm rắp giống nhau. Nổi nóng làm gì? Nổi nóng là yêu nước à? Không. Nổi nóng chỉ là trò con nít.

Vâng, chúng tôi vừa bước qua tuổi con nít chừng dăm mười năm. Mòn vẹt ghế nhà trường và giáo điều khuôn phép rồi cắp cặp vào đời. Có người làm kỹ sư, bác sỹ – cũng có người công nhân, phu xe. Có kẻ ngồi phòng lạnh công chức sáng đi chiều về tối tiệc tùng – cũng có kẻ bon chen nhảy xô vào cuộc mưu sinh trầy vi tróc vẩy. Yêu nước là gì? Yêu nước thế nào? Mỗi năm, ky cóp được dăm ba triệu và ới nhau đi thăm thú đất đai quê hương. Kỹ sư nhìn đất cát bạc màu cùng những công trình dang dở hỏng hư do bị rút ruột mà tặc lưỡi thở dài: Giá mà mình được xắn tay áo lao vào những công trình này. Sẽ đẹp hơn, bền vững hơn và tiết kiệm hơn. Bác sỹ đỏ mặt tía tai khi chứng kiến trẻ em và người già vùng sâu vùng xa đói kém, thiếu thốn thuốc men và điều kiện chăm sóc sức khỏe: Sớm muộn gì, mình cũng tình nguyện về đây chữa trị, chăm sóc cho bà con. Công chức điềm đạm hứa với lòng: Nghiêm khắc với bản thân, không tham ô, cửa quyền, làm việc nghiêm túc xứng với đồng tiền bát gạo nhân dân đóng thuế. Kẻ chợ trời táo bạo với kế hoạch lâu dài, cạnh tranh và từng bước đẩy lùi hàng Tàu kém chất lượng, sử dụng hóa chất độc hại… Vẫn chỉ là những lời hứa khi Bản Giốc đã mập mờ nằm về phía bên kia biên giới. Nhưng, mỗi lời hứa tự nó mang sức mạnh vực dậy tinh thần và ý thức của một thế hệ đã đi quá xa dòng chảy lịch sử kiên cường dựng nước, giữ nước của tổ tiên Lạc Hồng. Mỗi lời hứa là một tín hiệu lạc quan trên con đường tít tắp biến động chính trị, kinh tế và xã hội mà một đất nước “kém may mắn” như Việt Nam phải gánh chịu khi cặp nách con voi hung tợn láng giềng. Mỗi lời hứa, có thể như cái sờ tay của lão thầy bói mù mà định đoán và ước mơ, còn hơn cứ khoanh tay ngồi nhìn xứ sở ngày càng già nua, hao hụt như chuyện đã rồi. Cứ như, mình không can dự gì vào vận mệnh quốc gia này. Cứ như, mình là kẻ ngoài cuộc. Anh bạn mở smartphone, thầm thĩ đọc mấy câu thơ trên mạng:
Chúng ta – bóng ma của oán khí nhiều nghìn năm tích trữ
chúng ta mang trong mình những lời nguyền rủa
mỗi bước chân của ngươi đặt lên đất này
sẽ phải trả bằng tật ách và tai ương
từ bây giờ tới đời đời kiếp kiếp

Chúng ta – bóng ma của những chiến binh không bao giờ chết
nhựa sống mới chảy trong từng huyết quản
nhưng nỗi căm hờn dường như không còn mới
nỗi căm hờn truyền đời không có tuổi

Chúng ta – bóng ma của những khung xương sinh ra không phải để luồn cúi
dưới trời này trên đất này
bằng tình yêu và tuổi trẻ
chúng ta dựng nên những thành trì

những – thành – trì – vĩnh – viễn – không – sụp – đổ.

(Những bóng ma – Khuong Ha Bui)


Anh chàng hướng dẫn viên du lịch có vẻ chăm chú lắng nghe, rồi tiến lại gần chúng tôi, xin link bài thơ. Anh chàng thốt lên khi mở được trang web: Ồ, tác giả ghi chú “thơ a dua theo các bạn yêu nước”. Chúng tôi cười mỉm nhìn nhau và nhìn anh chàng hướng dẫn viên du lịch đang tọ mọ dịch từng lời bài thơ cho nhóm khách Tây nghe. Họ có thể hiểu trọn vẹn không, khi từng câu chữ gan ruột của một người Việt đang được xướng vang trên mảnh đất Việt, ngay vùng biên khắc khổ cửa ngõ chiến tranh? Họ ít nói cười hơn. Họ xin phép share bài thơ chưa từng đăng báo nhà nước của một tác giả ngay cả cái tên còn thiếu dấu. Hỏi nhau: Người viết Những bóng ma là ai? Đàn ông hay đàn bà? Già hay trẻ? Anh chàng hướng dẫn viên du lịch từ tốn: Chắc chắn, người viết bài này thuộc thế hệ chúng ta. Thế hệ F.
Chị bạn cùng nhóm tôi nháy mắt với anh bạn định sửng cồ ban nãy, như muốn nói: Thấy chưa? Đừng nổi nóng. Đừng ham trò con nít. Bây giờ, chúng tôi – những kẻ mò mẫm lịch sử bằng dấu chân mình theo từng cột mốc Việt Nam và họ – đơn thuần du lịch thăm thú cảnh quan thiên nhiên, để chụp ảnh kỷ niệm, để đăng Facebook, Twistter hoặc các mạng xã hội khác, bỗng dưng trở thành một nhóm. Cắm trại, đốt lửa, trò chuyện và chia sẻ với nhau nhiều câu chuyện về đất nước hình chữ S mến yêu. Cả về thời sự, xã hội, nếp sống lẫn văn chương. Chia tay, anh chàng hướng dẫn viên du lịch, bấy giờ đã trở nên quen thân hơn bao giờ, tặng chúng tôi cuốn sách Xác Phàm của Nguyễn Đình Tú. Cái duyên nở đẹp làm sao, vì một người trong chúng tôi viết lời bạt cho tác phẩm này, in trên bìa 4. Anh chàng hướng dẫn viên du lịch bảo: Nhờ đọc cuốn sách này, muốn tìm hiểu “cuộc xâm lăng thứ mười một và tiến quân chậm nhất trong lịch sử” của giặc phương Bắc với nước ta nên quyết định mở tour về biên giới Việt Trung. Anh bạn nóng tính đã nguội hẳn, chân tình hỏi: Vậy, tại sao còn chuộng Tàu, ca ngợi Tàu, phớt lờ quá nhiều mảng mờ lịch sử – nhất là đối với khách Tây chưa hiểu biết về lịch sử nước ta? – Mỗi người có cách giữ gìn và sống với lịch sử theo cách riêng mình. Lòng yêu nước cũng vậy. Đừng bắt ai bội thực vì lịch sử hoặc lòng yêu nước theo cách của bản thân. Anh chàng hướng dẫn viên du lịch mở ipad và nhắn cho từng người chúng tôi một đoạn, cũng từ mạng xã hội:
“Nếu bạn yêu nước thực sự, hãy làm việc nghiêm túc để kiếm nhiều tiền hơn mà mua đạn, tên lửa, tàu ngầm hay tốt hơn hết là mua luôn cả kẻ thù của chúng ta. Nếu bạn xót xa thực sự về vận mệnh đất nước thì xin đừng phí phạm mạng sống của mình và của người khác bằng những cuộc đua xe thâu đêm. Nếu lộn ruột với những chiếc tàu đi ‘sai luật quốc tế’ vào sát sàn sạt bờ biển nước mình thì hãy bình thản chờ đến đèn xanh hẵng đi chứ đừng rồ ga vượt đèn đỏ để lao vào những người đi đúng luật. Nếu thực sự cảm thấy bị xúc phạm khi kẻ mạnh lấn lướt thì hãy dừng ngay việc chen lấn khi mua xăng hay vừa quệt xe đã lao vào nhau mà đấm đá đâm chem… Còn nhiều lắm những điều nhỏ nhỏ như thế”.
(Có bao nhiêu cách yêu nước – Tiendat Le)

Toa tàu đầy dần. Đa phần sinh viên vào Nam chuẩn bị nhập học. Đặc biệt, sát giờ tàu lăn bánh, có hai anh chàng mặc quân phục lính biển hối hả bước lên. Hối hả tìm chỗ, rồi hối hả chồm ra cửa sổ. Dưới sân ga,có lẽ vợ con, người thân hoặc người yêu đang dõi theo họ. Tôi gấp cuốn Xác Phàm lại, lắng nghe tiếng còi tàu hụ dài. Con rồng sắt mang tên chữ S rùng mình trườn tới. Yên ắng được một chốc, toa tàu rộn ràng hẳn lên. Hành trình mấy ngày đêm đủ dài để mỗi hành khách tìm kiếm bạn đường, giết thời gian. Mấy cô cậu sinh viên hỏi han nhau chuyện trường lớp. Ông lão than đau lưng. Bà lão tặc lưỡi: Gớm. Thời gian cứ vùn vụt đi mà vết đạn xưa cứ nằm yên đấy, chẳng chịu đi cho mình nhờ. Cố lên ông ạ. Vào chiến trường cũ, tìm được hài cốt đồng đội còn thất lạc thì cực mấy cũng mãn nguyện. Anh lính biển trẻ tuổi hơn lại gần ông lão: Xưa, cụ chiến đấu ở vùng nào ạ? A, cháu nhớ ra rồi. Cụ lên truyền hình dịp 27/7 năm ngoái, trong chương trình tôn vinh thế hệ sinh viên Hà Nội xếp bút nghiên lên đường cứu nước. May quá, cháu lại được đi cùng chuyến tàu với cụ. – Thế các cháu đang đi làm nhiệm vụ à? – Dạ, bọn cháu vừa xong phép, giờ trở lại đơn vị. – Đóng quân ở đâu? – Bọn cháu ra tít Trường Sa.
Hai tiếng Trường Sa nho nhỏ mà có sức hút hơn bất kỳ bí mật nào. Cả toa tàu dường im phăng phắc, thừa ra một khoảng trống dài cho tiếng ken két đường ray chen vào. Bà lão nắm tay chàng lính biển: Đi lâu không? Ban nãy, cô gái khóc dưới sân ga là vợ cháu à? – Dạ, mới yêu thôi ạ. Lần gặp này mới là lần thứ hai. Lần trước, cách đây gần năm, cô ấy theo đoàn nhà báo ra thăm Trường Sa. Thư từ qua lại, thế là yêu. Chàng lính biển chừng hơn hai mươi, thỏ thẻ kể chuyện tình yêu, mặt bừng như gấc. Một cô sinh viên tháo tai nghe nhạc, hỏi với sang: Thật ạ? Mới gặp hai lần mà yêu được à? Thế, anh đã thề non hẹn biển gì chưa mà chị ấy khóc dữ vậy? Chàng lính gãi đầu bẽn lẽn. Chàng lính lớn tuổi hơn gỡ rối cho bạn: Bọn anh ngụp lặn với sóng với biển với đảo, chưa biết sáu tháng, một năm, hay có thể lâu hơn mà thề với hẹn bé ơi! Cứ biết yêu nhau là tin, là chờ đợi, là nhung nhớ suông thôi. Bao giờ biển im sóng lặng mới quyết chuyện gia đình riêng tư được!
Bất giác, tôi thần người ra. Lời chàng lính biển cứ như chuyện tình thời chiến. Nước Việt mình, sao cứ mãi hừng hực chia ly đành đoạn thế nhỉ? Sao người ta không thể yên bình bồi đắp ước mơ và khát vọng, dẫu đã qua bao cuộc chiến tranh tang tóc? Tôi, và biết bao bạn bè cùng trang lứa khác, mỗi ngày mỗi đêm vẫn còn vật lộn với những toan tính đời thường, cốt sao kiếm tiền nhiều hơn, đời sống sung túc hơn, gia đình hạnh phúc hơn – liệu có dám gác đời riêng qua một bên, xung phong ra tuyến đầu trước tầm ngắm chết chóc của địch, để bảo vệ và giữ gìn lãnh thổ hùng thiêng? Thậm chí, mấy người chúng tôi có sẵn lòng từ bỏ chút ít lợi danh hèn mọn, để sống tốt hơn, để vươn lên cái mình đang có, để góp phần dựng xây đất nước và xã hội văn minh, giàu đẹp đúng nghĩa? Hay, cứ mãi bon chen tất bật với cơm áo gạo tiền, sẵn sàng mưu mô lợi lộc, làm quan thì tham ô, cửa quyền; làm dân thì luồn cúi, hối lộ, nhịn nhục, sống hèn; làm kinh doanh thì gian tham lừa lọc; đi học thì lười biếng, ỷ lại, chạy chọt xin điểm; làm thầy thì dụ dỗ, cò mồi đổi chác với trò; làm văn hóa nghệ thuật thì lười sáng tạo, hám danh lợi? Thế hệ F tự hào với công nghệ khoa học tiên tiến, nhưng nước ta có thực sự tạo ra bước ngoặt văn minh nào đáng kể chưa – hay chỉ là thừa hưởng, “há miệng chờ sung rụng” từ nền khoa học thế giới? Giáo sư, tiến sỹ vào loại đông nhất thế giới, mà đến cái đèn lồng trung thu cho trẻ em cũng phải nhập từ Tàu. Thế hệ F Việt Nam có thể ngẩng cao đầu được không, khi mỗi sáng ra là ngập đầu vào hằng hà sa số vụ cướp, giết, hiếp lọa xạ trên báo giấy báo mạng? Thế hệ F mấy người còn lý tưởng nào khác, ngoài việc cúc cung sùng bái sao này xiếc nọ, sẵn sàng cúi xuống hôn ghế thần tượng, sẵn sàng nước mắt ngắn nước mắt dài vì một trận cầu – ngược lại, dửng dưng với vận mệnh tổ quốc, lạnh nhạt trước ngư dân bị cướp bóc, giả vờ không nghe không thấy đồng bào lạnh lẽo đói nghèo, bệnh tật? Hay, đông đảo thế hệ F Việt Nam đang hiến niềm tin và tự trọng vào những trò phù phiếm, nguyện dâng mình cho những màn kịch rẻ tiền thâu đêm suốt sáng trong nhà ngoài phố? Cả tôi nữa, tôi có dám bớt một buổi chè chén để góp phần cơm có thịt cho đồng bào cần lao? Có đội nắng dầm mưa tìm thăm người già neo đơn, trẻ em khốn khổ hoặc dân oan khổ nạn? Có dám cất lên tiếng hót của riêng mình – thứ ngôn ngữ tổ tiên ngàn đời truyền lại – vì công lý, hòa bình, hạnh phúc, văn minh? Có tận tâm tận lực thực hiện ước vọng dựng xây đất nước – hay cứ khư khư an phận nấp trong vỏ bọc thủ thân và mặt nạ an toàn?
Cô sinh viên ngắt ngang dòng suy tư của tôi bằng một câu hỏi khác với chàng lính biển trẻ tuổi: Anh yêu nước hơn gia đình à? Chàng lính biển lại đỏ mặt. Cả toa tàu cười ồ. Con tàu đang hì hục băng qua cánh đồng vàng ươm. Mùa gặt mới. Thấp thoáng, những dáng bà, dáng mẹ, dáng chị, dáng em còng lưng với lúa với đồng dưới cái nắng gắt cuối hè. Chàng lính biển lớn tuổi lái câu chuyện khe khẽ với cô sinh viên bên cạnh: Cả nhà anh đều làm đồng. Ba anh mất hồi chiến tranh biên giới 79. Mẹ anh chỉ mong sớm có con dâu, có cháu để bồng… Họ thì thầm với nhau suốt chuyến đi. Tôi giở trang tiểu thuyết Xác Phàm đọc dở. Hai nhân vật chính, Việt và Nam đang thổn thức với tình yêu chừng như số phận dân tộc, gần gũi và đau nhói tựa cuộc chiến tàn khốc đất nước mình đã trải qua. Trước nay, gánh nặng chiến tranh chưa bao giờ khiến người Việt thôi yêu nước, chịu khuất phục bất cứ kẻ thù nào. Chợt nhớ mấy câu của Ilya Erenburg: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”. Tôi có yêu nước không? Ông bà lão đã trải qua cuộc chiến dằng dặc có yêu nước hơn thế hệ F ngày nay? Hai chàng lính biển hy sinh tuổi trẻ vì biển đảo có yêu nước hơn mấy cô cậu sinh viên đang náo nức bước vào đời? Mặc nhiên, chúng tôi đang thản nhiên bền bĩ nắm tay nhau trên một chuyế tàu dài, tạo thành một cộng đồng nhỏ nhoi góp phần vào dàn đồng ca tổ quốc.
Tiếng người càng lúc càng rộn rã. Đoàn tàu không còn khoảng trống nào để nói năng gì nữa. Hai chàng lính biển kể chuyện sóng gió, canh gác đảo xa. Mấy cô cậu sinh viên hào hứng bàn luận việc học hành. Ông bà lão móm mém ôn “thời hoa đỏ”. Trước ga cuối cùng, tôi kịp tặng Xác Phàm cho chàng lính biển trẻ tuổi. Con tàu dừng lại. Người ra đi đã thành kẻ trở về. Toa lại trống. Ga lại đông. Tôi nán lại với con tàu chốc lát, biết thể nào nó cũng đi nữa. Bổn phận và vinh quang và nhọc nhằn của một con tàu là gì – nếu không phải là mãi miết đi về và vô tư mang vác biển khơi và núi đồi dọc chiều dài đất nước? Trước khi đón xe về nhà, tôi ghé qua nhà sách. Tuần trước, nhà thơ xa xứ Nguyễn Phan Quế Mai vừa cho ra mắt tập thơ Tổ quốc gọi tên mình.

Núi Dinh, 8/2015
TS.



Lên đầu trang