Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Tôi tự do không?


Luise Rinser
(lược dịch: Nguyễn Hiến Lê)

“Vậy: cũng không tự do nữa, hoặc nếu tự do thì phải mang tội”

Tác giả, Luise Rinser, mà tôi đoán là một người Đức gốc Do Thái, ngay từ hồi nhỏ, đã có tinh thần độc lập, không tin hết những lời gia huấn rất nghiêm khắc, lớn lên sống một cuộc đời rất chìm nổi, một lần bị Đức Quốc xã bắt giam, suýt bị xử tử, hai đời chồng – chồng trước chết, chồng sau ly dị - chín lần phải rời những căn nhà gian lao mới xây dựng được, rốt cuộc bỏ nước Đức, cũng không qua Israel mà xin cư trú ở Ý, tóm lại đã chịu nhiều cuộc khủng hoảng về tinh thần, nên đã có nhiều dịp suy tư về cuộc sống mà tìm ra một nhân sinh quan không bi mà cũng không lạc một cách dễ dãi, nhưng can đảm, nhân từ và thông minh…
(Nguyễn Hiến Lê)


Mấy tiếng bề ngoài có vẻ tầm thường đó mà chứa nhiều thuốc nổ đấy.
Vô số tác phẩm viết về vấn đề đó; mà vẫn còn gây những cuộc tranh luận gay go, chứ chưa đưa ra được một câu giải đáp nào hoàn toàn đúng, làm cho ta thỏa mãn. Bạn chẳng hạn, bạn trả lời ra sao?

Riêng phần tôi thì tôi tự hỏi tôi câu này trước đã: thế nào là tự do? Và trước khi trả lời, tôi xét hoàn cảnh, tình trạng cụ thể của tôi để xem có một khu vựa nào tôi được tự do không?

Trong khu vực chính trị chăng? Nếu tôi tự so sánh với công dân các nước độc tài thì tôi tự do hơn họ thật. Nhưng bảo là tuyệt đối tự do thì không. Tôi phải nộp thuế, phải có thẻ căn cước, muốn dời chỗ ở phải báo cho nhà cầm quyền hay, phải tuân hiến pháp và luật pháp, có chiến tranh tôi phải chịu cái số phận chung của mọi người, không thể thay đổ quốc tịch tùy ý được. Vậy là không tự do.

Trong khu vực xã hội? Muốn làm một nghề nào đó phải học tại trường nào đó, dự những kỳ thi nào đó, rồi phải tuân theo tổ chức của nghề; muốn lái xe hơi phải có bằng lái xe; muốn xin cất nhà phải xin đủ các thứ giấy phép; muốn làm hôn thú phải trình đủ các giấy tờ; mà những giấy phép đó, người ta có thể không cho hoặc cho rồi lại rút lại, sau cùng phải tôn trọng nhiều điều lệ cảnh sát nếu không muốn bị hình phạt, bị nhốt khám. Vậy cũng không tự do nữa.

Còn trong đời tư, thế nào là tự do? Là muốn yêu ai thì yêu, cưới ai thì cưới, tùy ý sanh con, đổi nghề, đi du lịch, chơi bời… Phải, trong khu vực đó, chúng ta được một chút tự do nào đó, nghĩa là muốn làm gì thì làm, không muốn làm thì thôi. Nhưng như vậy có nghĩa là hễ muốn cái gì thì thực hiện cái đó được không? Trong đa số trường hợp, khi ta quyết định một điều gì thì không thể quyết định đơn phương, phải có sự thỏa thuận của người thân. Có gia đình rồi thì không được tự do kết duyên với người khác nữa. Một người chủ gia đình tự cho mình là làm chúa trong nhà, nhưng sự thực là quyết định nào mình cũng phải tùy thuộc một số điều kiện. Nói ngay như việc rất tầm thường là muốn đi du lịch thì cũng phải xét xem có đủ tiền hay không, có công việc nào khẩn thiết không, lại phải đợi lúc trẻ được nghỉ học mà cùng đi ; ấy là chưa kể lúc sắp đi, trong nhà phải đừng có người đau mới được, v.v…

Khi người ta tưởng rằng được hoàn toàn tự do quyết định là người ta lầm đấy, không biết rằng sự tự do đó đã bị hạn chế. Chẳng hạn ta tưởng đã tự do quyết định mua một chiếc xe hơi, hoặc đi chơi Y Pha Nho nhưng sự thực là ta đã theo một cái “mốt”, đã bị ảnh hưởng của các lời quảng cáo khéo léo đập riết vào tai vào mắt ta. Đa số các “quyết định tự do” của ta như tự do bận thứ y phục này, dùng câu văn kia, hoặc mua vật này vật nọ, chỉ là nhắm mắt theo lời xúi giục trên các báo chí, yết thị, quảng cáo. Vậy: không có tự do. Hay nhiều lắm là chỉ có một thứ tự do với điều kiện.

Còn trong khu vựa luân lý? Luật luân lý và dân luật liên hệ mật thiết với nhau. Tôi không có quyền được ăn cắp, giết người, vu oan cho người, dụ dỗ vị thành niên, có ngoại tình, phỉ báng một người nào do lẽ người đó khác tôn giáo, giống nòi, quốc tịch với tôi. Nếu tôi mắc các tội đó thì tôi vừa là kẻ làm trái luân lý, vừa là kẻ phạm pháp. Vậy: cũng không tự do nữa, hoặc nếu tự do thì phải mang tội.

Về khu vựa tinh thần? Người ta bảo “Sự tự do tư tưởng” là tuyệt đối. Nhưng tôi có thể thực sự suy nghĩ ra sao tùy ý không? Nếu tôi là một người có ý thức luân lý và tôn giáo thì luật pháp và lương tâm tôi cấm tôi nuôi những ý nghĩ bậy đối với người khác, mà cũng không được có những ý nghĩ tiêu cực đối với bản thân tôi, chẳng hạn không được thất vọng, buông xuôi.

Chúng ta cứ tưởng rằng chúng ta được tự do về tinh thần mà sự thực chúng ta bị tùy thuộc sự di truyền, nền giáo dục, tùy thuộc tập tục, truyền thống, “mốt” của thời đại và tùy thuộc tính khí của ta. Ấy là chưa kể có những cái xâm phạm tới đời tư của ta mà ta không hay. Biết đâu chừng, đường điện thoại của ta chẳng có người nghe trộm? Biết đâu chừng một cái máy vi âm chẳng được giấu đâu đó trong nhà ta? Và khi chúng ta ra đường chẳng có mật vụ theo dõi? Rồi những thuốc an thần hay kích thích chẳng làm hư thần kinh hệ là bộ óc của ta mà ta không hay? Biết đâu một vài phương pháp trị bệnh nào – đặc biệt bằng các kích thích tố (hormones) – chẳng ảnh hưởng tới tâm linh của ta? Sự lạm dụng máy thâu thanh và máy vô tuyến truyền hình, cũng như thói coi quá nhiều phim hát bóng, đọc quá nhiều nhật báo, tạp chí có hình, chẳng lần lần làm cho ta mất óc phán đoán? Nhiều nhà bác học đã lo ngại rằng con người bị cái nạn “nhồi nặn”, biến đổi một cách độc đoán, hoặc bằng cách ảnh hưởng tới các tế bào truyền chủng của cha mẹ, hoặc bàng cách “tẩy não” mà sở mật vụ, công an nhiều nước thường dùng.

Chúng ta khó biết được chân giá trị của sự tự do tinh thần của ta ra sao, nhưng có điều này chắc chắn: sự tự do bề ngoài của ta rất nhỏ, và sự tự do trong thâm tâm ta lại hạn chế.

Nhiều người nhận thấy vậy mà cứ thản nhiên. Họ không coi trọng sự tự do, miễn sống làm sao được tạm yên ổn là được; họ như những gia súc, không ham được độc lập, vì độc lập có ích gì cho họ đâu.

Nhưng những kẻ đó không đáng gọi là người. Muốn xứng đáng làm con người thì phải nhận định được sự tự do của mình, nó bị hạn chế ra sao và có thể dùng nó để làm gì; phải thấy đau khổ khi mất tự do. Vì vậy mà thế hệ trẻ luôn tìm cách bẻ xiềng, để rồi lại chui đầu vào ách. Bi đát không? Có mà không.

Bây giờ chúng ta phải tự hỏi câu này: con người có thể thực sự mất tự do, trái với ý muốn của mình không?

Trong một quốc gia độc tài, dùng chính sách khủng bố thì dân chúng dĩ nhiên phải cúi đầu phục tòng sức mạnh để khỏi bị nhốt vào khám và xử tử. Nhưng có nên vì vậy mà để cho tinh thần mình thành nô lệ nữa không? Không. Tất cả những người sống dưới chế độ phát – xít đã chịu hy sinh ghê gớm, mà chống đối hoặc lẻ loi hoặc chung từng nhóm để duy trì sự tự do tư tưởng, đều biết rằng không một sự đàn áp chính trị nào dù khốc liệt tới đâu mà có thể cướp sự tự do tư tưởng họ được, miễn là chính sách tra tấn và “tẩy não” chưa làm mất hết ý chí tự do của họ.

Hồi nhỏ, tôi đã chịu một nền giáo dục rất nghiêm khắc. Nhưng mỗi khi tôi phải tuân một lệnh khắc nghiệt của ba má tôi, thì tôi tự nhủ thầm: “Tuân thì tuân, tôi vẫn giữ ý kiến tôi”. Và bây giờ tôi còn nhớ rằng mỗi lần như vậy tôi thấy vui vẻ như đã đắc thắng. Tôi sung sướng lắm khi tin chắc rằng : dù ba má tôi có bắt khoan bắt nhặt gì tôi thì cũng không thể xâm phạm được cái thâm tâm của tôi.

Vì trong con người có một sự tự do không gì diệt được, tức sự tự do trong đáy lòng.

Và chính sự tự do không gì xâm phạm được đó làm cho ta có được cái thái độ tinh thần cao cả nhất: tự ý nhận, có khi ước mong nữa, sự thiếu tự do. Thái độ phục tòng luật pháp vì sợ hình phạt không có chút gì giống với thái độ giữ luật pháp vì nhận định được giá trị nội tại của một cộng đồng. Cũng như thái độ vợ chồng giữ lòng chung thủy với nhau để khỏi mang tai tiếng, khác hẳn thái độ giữ lòng chung thủy vì thấy nó đẹp. Cũng như thái độ nhắm mắt theo những ý mới khác hẳn thái độ chấp nhận những ý đó vì tin rằng nó có giá trị, mà xã hội phải mỗi ngày một tiến.

Bạn bảo tôi: “Thứ tự do gì mà kỳ cục vậy? Tự do mà lại an phận nhận sự mất tự do?” Tôi xin đáp: Ban đã yêu ai chưa? Khi bạn nói yêu ai là đã từ bỏ một phần tự do của bạn rồi, vì từ lúc đó, không phải chỉ có một mình bạn, mà còn có thêm người đó nữa, làm việc gì cũng phải nghĩ tới nhau. Vậy mà, trong khi yêu nhau, người ta thấy sự mất tự do, do mình tự ý chấp nhận đó, là một nguồn hạnh phúc đấy chứ.

Lấy một thí dụ khác: một người mac – xít chân chính sung sướng được từ bỏ đời tư của mình mà tan hòa vào đoàn thể; cũng như một tín đồ tự ý thụ giới, cho sự từ bỏ tự do của mình mà tuân luật của tăng hội là một hành vi cao thượng chứ không phải là một hành vi nô lệ.

Vậy con người được tự do lựa sự mất tự do; mà khi bị bắt buộc mất tự do thì cũng có thể tự ý mình đổi sự mất tự do về thể xác đó mà thành sự tự do về tinh thần.

Nhiều bạn trẻ hung hăng, dại dột, tin rằng luôn luôn phải tự giải thoát khỏi mọi sự bó buộc, mà làm phí phần lớn sinh lực của họ. Những người sáng suốt biết rằng tự ý chấp nhận sự mất tự do có thể hóa ra sung sướng.

Phải có ý thức rằng mình tự do, và có thể giữ được tự do thì mới khỏi hóa ra những con người máy. Nhưng một sự tự do như vậy, phải đem thực hành nó mỗi ngày và muốn vậy thì cũng phải biết tự ý từ bỏ nhiều cái nếu không thì sớm muộn cũng bị người ta bắt buộc phải từ bỏ.

(trích từ tác phẩm CHẤP NHẬN CUỘC ĐỜI)

Lên đầu trang