Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Có một thế hệ Không biết đâu mà lần

Trịnh Sơn

Không biết đâu mà lần mang đậm dấu ấn của một tự truyện hơn là một câu chuyện hư cấu. Tự truyện của một thầy giáo mới ra trường, từ đồng ruộng chiêm trũng xứ Bắc, học trường đại học hiu hắt miền Trung, “nhảy dù” vào phương Nam đầy ảo tưởng. 

Tự truyện không của riêng một thầy giáo trẻ. Không biết đâu mà lần nâng nhân vật của mình lên thành đại diện, thành thế hệ và tâm thế thời đại. Người đi trước ôn lại mình. Kẻ đến sau tìm thấy mình. Có những chi tiết, hoàn cảnh, nhân vật khiến người đọc cảm tưởng mình là cánh diều no gió, cố bứt khỏi bàn tay tác giả đang cầm giữ dòng suy tưởng miên man. Thi thoảng, người đọc lại thấy chính mình đang hớt hải trong lo âu và háo hức cầm cuộn dây mà chạy, mà tung hê, mà lèo lái cho câu chuyện bay lên. Ít nhiều, Không biết đâu mà lần tạo ra một cuộc bập bênh đa chiều. Nhân vật Anh nảy mầm trong tác giả và chính Anh bao bọc tác giả, làm một khối cầu giữ thanh bập bênh không văng vòng lăn của mình. Từ môi trường giáo dục đầy hoa thơm cỏ dại cho đến khu tập thể ong ve rồi nhà trọ lên cơn rồi đi đâu đó chẳng định danh được. Từ kỷ niệm thơm thảo gia đình và giảng đường chảy qua bao mánh to khóe nhỏ dại dài khôn vặt, ghé gẩm chỗ này nơi kia, khi thì bến tình gia đình, thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp trong sáng, chân thành, lúc tạt vào bờ bãi đầy ganh đua, bon chen, ích kỷ. Từ lý tưởng cao đẹp của một bậc trồng người, thăng qua nỗ lực mãnh liệt và đôi khi cứng nhắc, giáng xuống sự đưa đẩy vốn dĩ, rồi buông xuôi, kỳ thị phẩm chất tử tế của người khác và kỳ thị chính cả bản thân… Độc giả sẽ tìm thấy nhiều vòng lăn cho, của và với riêng mình trong ấy. 

Tâm thế của nhân vật Anh kết bằng suy nghĩ của lớp trẻ ngày nay. Đã bắt đầu dám phủ nhận áo xống ngụy trang, cho dù vẫn phải ngụy trang áo xống như tắc kè hoa mỗi khi bước ra đường gió bụi. Đã dám lên tiếng, ẩu đả lề thói đố kỵ, thủ thân, sống mòn, cho dù mới chỉ là những phát ngôn kiểu status ẩn dưới một nickname hoạt họa cà tưng nào đó. Đã dám gồng lưng đứng dậy, phản kháng vòng kiềm hãm ngày càng thắt chặt của tuổi tác, định kiến, tệ nạn, nhu cầu và khát vọng, cho dù len lén thoăn thoắt hoặc nặng nề chấp nhận cái giá “tật nguyền cột sống”. 

Phải chăng, đó là hành trang còn sót lại sau khi cộng trừ nhân chia sòng phẳng lịch sử, tri thức, khát vọng và tình cảm – của một thanh niên thời nay? Anh tự nguyện nhảy múa theo nhịp điệu chiếc lá đa rơi rớt từ hệ thống lỗi đã thành truyền thống chứ không chối từ, hoặc lỳ lợm cam chịu thân phận con sãi ở chùa. Trong “những buổi chiều thẫn thờ chẳng biết cất rảnh rỗi vào đâu,… Anh lại thương lũ học trò… bảnh mắt đã bị nhồi nhét muốn sặc sụa chữ muốn ngộ độc lời”. Và, mùa hội giảng, “Thầy cô có thâm niên đã từng trườn qua những cuộc cải cách giáo dục trước đây đã là một sự vật vã kỷ lục, thêm những cú thay sách đổi mới chương trình, giảm tải chương trình vỗ mặt đã là một nỗ lực chịu đựng quá lớn”. Và, đồng nghiệp - lãnh đạo “Ước mơ cháy bỏng làm kỹ sư bị cháy khét lẹt vì điểm thi lẹt đà lẹt đẹt, đành chui đầu vào Sư phạm… kiên nhẫn ngày hai buổi đến trường, vì ngoài nói trạng đấu láo ra chẳng biết làm gì. Sống lâu lên lão làng”. Và, phong trào thi đua “Học trò phờ phạc lao theo. Giáo viên phạc phờ mắt nhắm mắt mở cố cười nham nhở xốc tới”… Anh và thế giới nhân vật tưởng như đầy màu sắc, thực ra chỉ có một màu nào đó pha loãng bằng bi hài kịch theo nhiều nồng độ và nhiều cách thức khác nhau. Họ dấn tới, nhanh hoặc chậm, như một bầy robot đã mặc định chương trình, ngày càng cô đơn, chỉ có thể dừng và ngã khi khô dầu cạn nhớt hết pin.

Nhà văn Văn Thành Lê (sinh năm 1986)

Để bù đắp sự thiếu hụt đầy lý do của tuổi trẻ, Anh hồ hởi, đôi lúc ngây ngô, hiến dâng cho người đọc những chi tiết mang tính kinh nghiệm của người ta chứ không phải của mình. Nghe nói thế này, họ bảo thế kia, nơi ấy từng như vậy… Không biết đâu mà lần thách thức, kêu gọi độc giả tự kiểm nghiệm, tự suy xét, tự định hướng. Nội dung và nghệ thuật, Văn Thành Lê đạt bước ngoặt lớn bắt nguồn từ sự thiếu hụt. Phải chăng, vốn liếng ăm ắp trong ba lô trên vai thế hệ căng tràn sức sống, niềm tin và lý tưởng thời nay chính là sự thiếu hụt?

Đáng lẽ, một Văn Thành Lê nào đó phải viết tác phẩm này sớm hơn nữa. Một trăm bốn mươi trang đủ để gọi là một truyện dài. Vâng, dài không có nghĩa là để phủ nhận những cái ngắn hơn. Đặc biệt, khi cuốn sách đủ sức gọi tên một thế hệ Không biết đâu mà lần

Núi Dinh, hè 2014
TS.



Lên đầu trang