Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Chính trị có phải là một từ bẩn thỉu?

Trịnh Sơn

Ông chú tôi mấy mươi năm chỉ chuyên chú vào chuyên môn nghề nghiệp, nhất định không chịu vào đảng. Gần về hưu, lên được chức phó, có lẽ vì sống lâu lên lão làng, hoặc như một cách đền ơn của thế hệ sau, bởi học trò ông hầu như lên trưởng, lên cao cả. Cứ nghĩ thuyền nhỏ thì sóng nhỏ, đợi mấy năm nữa yên ổn về vườn, ai dè bị gọi lên, bảo phải kết nạp đảng. Không vào đảng thì vào bếp nhặt rau cho vợ. Ông cương quyết: “Cả đời tôi phấn đấu không vào đảng, chẳng nhẽ cuối đời lại chui đầu vào”. Thế là cắp cặp một đi không trở lại. May mà bọn học trò đàn em còn thương tình mà cho giữ cuốn sổ hưu non. Bạn bè, gia đình tặc lưỡi. Chín người mười ý. Kẻ lắc đầu ngao ngán bảo ông gàn, vào thì vào chứ có sao đâu, dẫu có khó chịu chút ít cũng chẳng hề hấn gì, miễn sao giữ được vị trí béo bở ấy. Người đồng tình cho rằng ông sáng suốt, có vào thì vào từ thời vắt mũi chưa sạch chứ dại gì hai thứ tóc còn đâm đầu vào. Cái ghế ấy cao kia có giữ được chăng nữa, nhưng chắc gì ngồi lên đó mà yên tâm yên lòng hay lại như ngồi trên đống lửa. Một phần không nhỏ thì bàng quan, kiểu Tái ông mất ngựa, vào chưa chắc đã may mà không vào chưa chắc đã rủi. Muốn sao thì là vậy. Từng tuổi này không nên miễn cưỡng bản thân mà làm gì.
Tôi gặp khi ông đã an phận trà đá vỉa hè lướt facebook thơ phú qua ngày, thi thoảng có bạn bè thân thiết hú hí thì làm vài ve ôn chuyện đời. 
- Mày làm gì thì làm. Tuyệt đối không dính dáng chính trị chính em nha con! No politics.
Nghe ông chú phán chắc nịch, tôi chẳng buồn cãi. Hai chú cháu một già một trẻ rót rượu theo cách của mình, và uống rượu theo cách của mình. Hôm đó, còn có một nhà thơ già. Mười bốn tuổi ông đã khai gian năm sinh để đi bộ đội rồi kết nạp đảng, vượt Trường Sơn. Thơ ông mềm như rau trong vườn của bà mẹ quê chứ không thấy váng vất chút “thép” nào. Ông vỗ vai tôi:
- Nghe tin cháu sắp được giải X của báo Y rồi đấy. Ráng giữ nhé!
- Giữ làm sao, bác?
- Thì đừng lên mạng viết lung tung nữa. Có bức xúc mấy cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ tổ thiệt thân mình thôi.
Nhà thơ già nói thật, tôi tin vậy. Chính ông là người đã bảo lãnh tôi thoát khỏi vài vụ lùm xùm vì viết bài đăng trên báo lề trái. Chính ông biên tập, cắt xén văn chương của tôi trước khi gởi chỗ này chỗ nọ, miễn sao in được với hy vọng tôi kiếm đồng ra đồng vào. Ông nói thêm:
- Chính trị là cứt! Chẳng việc gì thơ văn mộng mơ đẹp đẽ của mình phải dính dáng thứ bẩn thỉu ấy.
Chính trị là cứt! Vâng, câu này không chắc riêng nhà thơ già nói. Tôi đã nghe nhiều người nói trước đó. Nguyên một thế hệ từ chối chính trị, lắc đầu nguầy nguậy với chính trị. Họ sợ. Họ chán ngán. Họ không muốn cuộc đời mình có từ chính trị vướng trên lưỡi nữa. Nhà văn lớn, triết gia Albert Camus còn phải thốt lên: “Mỗi lần tôi nghe một bài phát biểu chính trị hay đọc từ các lãnh đạo của chúng ta, tôi cảm thấy kinh khủng vì mình đã hàng năm trời không nghe được thứ gì nghe giống con người. Vẫn luôn là cũng những từ ngữ đó nói cùng những những lời dối trá đó. Và sự thật rằng người ta chấp nhận điều này, rằng sự giận dữ của nhân dân không hề hủy diệt những thằng hề rỗng tuếch đó, là bằng chứng khiến tôi thấy con người không coi trọng cách họ được cai trị; rằng họ đánh cuộc - phải, đánh cuộc - với một phần trọn vẹn của cuộc đời và thứ họ gọi là ‘lợi ích sống còn’”. Có người còn mai mỉa khủng khiếp: “Các chính trị gia đều giống như tã lót. Cả hai đều cần thay thường xuyên và vì lý do giống nhau”.
Tại sao chính trị khiến bao nhiêu con người phẫn nộ, chán ghét đến thế?
Có lẽ, với họ, chính trị đồng nghĩa với nhà cầm quyền, với đảng cai trị. Chính trị là thứ từ trên cao giáng xuống như sấm sét thiên lôi. Chính trị là mệnh lệnh, là áp đặt, là mất mát họ phải gánh chịu. Nên, khi có cơ hội, dù là cơ hội giả vờ, họ muốn đoạn tuyệt với từ chính trị đáng sợ ấy. Họ thể hiện sự đoạn tuyệt của mình bằng cách không nhắc tới nó, chối bỏ nó, khinh bỉ nó. Nhưng, chính trị có thật là một từ bẩn thỉu cần phải vứt vào sọt rác không?
Ông chú tôi thà dang dở sự nghiệp chứ nhất định không vào đảng, chẳng phải là một thái độ chính trị ư? Nhà thơ già kia chỉ làm thơ yêu đương nhớ nhung buồn vui thảm thiết và hoàn toàn né tránh các vấn đề thời sự xã hội, không phải là một thái độ chính trị ư? Albert Camus ghê tởm chính trị không phải là một thái độ chính trị ư?
Quan sát tình hình Việt Nam thời gian gần đây, những con người hăng hái xuống đường biểu tình chống giặc Tàu xâm lược biển đảo tổ quốc dù bị bắt bớ, hạch sách đủ kiểu là làm chính trị ư? Những nhóm người không mệt mỏi kiên trì đấu tranh cho dân chủ, công bằng cho dân oan, bênh vực người cô thế yếu là làm chính trị ư? Những nhà báo, nhà văn phơi bày sự thật về tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, tội phạm là làm chính trị ư?
Định nghĩa về chính trị, có lẽ tôi không cần trích dẫn ở đây. Ai cũng có thể tìm đọc trong sách vở Đông Tây kim cổ, ở những triết gia, chính trị gia tầm cỡ thế giới từ người được tôn thờ như thánh như Gandhi, Martin Luther King, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho đến những lãnh tụ sáng chói một thời như Marx, Lenin, Mao đã có nhiều nơi đốt ảnh, giật sập tượng đài,… Mỗi tầng lớp, mỗi thời đại có cách hiểu chính trị khác nhau. Chẳng hạn, giới cầm quyền nghĩ chính trị là thớt thì dân đen tin chính trị là búa. Trước cách mạng hiểu chính trị là thuốc đắng dã tật thì sau cách mạng lại khăng khăng chính trị là mật ngọt chết ruồi. Người già dạy rằng chính trị là rắn độc nham hiểm thì người trẻ cho rằng chính trị là cờ trong tay kẻ mạnh… Nghĩa là, chính trị biến thành con voi khổng lồ dưới bàn tay năm ngón chỉ giỏi thủ dâm của mấy lão thầy bói mù.
Giám đốc Tranzit gallery ở Cộng hòa Czech (một nửa của Tiệp Khắc cũ) phát biểu trên tờ Thời báo New York, đại ý: “ông đã ở đại học Charles (Prague) suốt cuộc Cách mạng Nhung. Các giáo sư lịch sử chỉ biết giảng về chủ nghĩa Marx - thứ chủ nghĩa độc tài, vô cảm và phi thực tế. Họ bị đuổi việc cả. Nhưng đến nay, người trẻ Czech muốn tìm hiểu chủ nghĩa Marx thì chẳng còn mấy ai biết mà dạy”. Tại sao người Czech đã chật vật đấu tranh để thoát khỏi chủ nghĩa Marx, nay lại muốn tìm hiểu nó? Hoặc nhà văn nổi tiếng Na Uy sống lưu vong ở Thụy Điển Karl Ove Knausgaard trong loạt tiểu thuyết tự truyện bán chạy được dịch ra 26 thứ tiếng Cuộc đấu tranh của tôi (My Struggle – trùng tên tác phẩm của trùm fascist Adolf Hitler), dành hẳn 400 trang tập 6 nói về “những điểm tốt” của Hitler và chủ nghĩa fascist. Người Czech muốn quay lại với chủ nghĩa Marx ư? Knausgaard muốn bước tiếp và khơi dậy tính Hitler ư? Họ rắp tâm làm chính trị ư?
Lẽ nào là vậy. Nhà văn Na Uy không uống chung dòng nước độc tài tàn ác của Hitler, cũng không muốn tan lẫn vào đám đông chỉ biết hò hét kêu gào như một bầy cừu đói. Ông dũng cảm nhìn nhận từng sự vật, hiện tượng đúng bản chất của nó bằng con mắt của một người sáng tạo nghệ thuật. Ông rơi nước mắt cùng đồng bào trước sự kiện kẻ khủng bố cực đoan Anders Breivik thảm sát 77 người Na Uy năm 2011, nhưng ông không ném đá kẻ giết người, mà ông phân tích, lý giải, thậm chí biện hộ cho tên tội phạm dã man. Lên án Breivik không khó, hiểu được Breivik mới khó. Trước hết, ông làm nghệ thuật, thứ nghệ thuật soi chiếu ngóc ngách tâm hồn con người, để qua đó con người thấu hiểu nhau hơn, kết nối nhân loại chân thật và tử tế hơn. Người Czech sau nhiều năm “sợ” chính trị, nay muốn nhìn lại quá khứ, xem xét quá khứ và sử dụng quá khứ như một tấm gương cho hiện tại và tương lai. Né tránh chủ nghĩa Marx, cố tình lãng quên chủ nghĩa Marx, biết đâu có ngày chính họ hoặc con cháu họ dẫm lại vết xe đổ tiêu tốn hơn 40 năm trời ơi đất hỡi ấy. Chủ nghĩa Marx cũng như Kofola – thứ nước ngọt có gas thời Cộng sản, gần đây người Czech tái sản xuất để chiêm nghiệm và tưởng niệm quá khứ. Việc này, giống như người Việt Nam tái dựng các cửa hàng kiểu bao cấp tem phiếu. 
Trước nay, nhiều người thờ ơ hoặc tỏ ra thờ ơ với tình hình đất nước. Hoàng Sa – Trường Sa đã có đảng và nhà nước lo. Dự luật xyz đã có quốc hội soạn. Đất đai chỗ này chỗ nọ bị cưỡng chế là chính sách nhà nước, không phải đất tôi nên không liên can gì đến tôi… Tâm lý vô cảm, thậm chí sự hèn nhát, sợ hãi được bọc bằng lớp áo có vẻ khách quan “tôi không làm chính trị”, “tôi chỉ lo làm ăn, không liên can chính trị”, “tôi là nhà chuyên môn, không theo chính trị”,… Thái độ này có giúp ích cho đảng, cho nhà nước, cho nhân dân, cho chính họ hay không? Đất nước sẽ tiến bộ, sẽ văn minh hơn chăng nếu dân tình chỉ cắm cúi làm lụng và đóng thuế? Thấy giá xăng tăng thì tặc lưỡi “ôi dào” rồi mở hầu bao. Nghe luật mới ra cứ như ngắm sao trên trời… Đến lúc nào đó, sao trên trời biết đâu chẳng rơi đúng vào nhà cửa dòng họ và con cháu họ? Hầu bao đầy mấy rồi cũng cạn. Khi đó bám víu vào cái gì? 80-90% người Czech từng tự nguyện xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, đến khi vỡ mộng, một số họ vô cùng ác cảm khi nhắc tới quá khứ. Tỏ thái độ khi đã quá muộn thì ích gì?
Việt Nam, câu slogan được thế giới nhắc nhiều nhất, dù cách này hay cách khác là “nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Vladimir Lenin khẳng định: “Chính trị bắt đầu nơi có đám đông, không phải hàng ngàn, mà là hàng triệu, đó là nơi mà chính trị nghiêm túc bắt đầu”.Vậy thì, hẳn đảng và chính quyền rất mong muốn người dân tham gia chính trị, thể hiện tiếng nói chính trị của họ chứ? Quan trọng là thể hiện như thế nào? Vì tương lai dân tộc hay chỉ nhằm mưu mô lợi ích cá nhân? Cứ lo sợ bị vùi dập nếu bất đồng chính kiến thì nước này chẳng bao giờ còn chính kiến. Cứ thế, không chừng kẻ vùi dập rồi sẽ chết vì buồn, vì không còn có ai để vùi dập. 
Mới đây, qua 2 sự vụ đám tang ông Nguyễn Bá Thanh và việc đốn hạ đồng loạt 6.700 cây xanh ở Hà nội, có thể thấy ý thức tập làm chủ của người dân phần nào trỗi dậy. Ca ngợi, thương tiếc ông Thanh nghĩa là tỏ thái độ với giới lãnh đạo, cầm quyền. Người tốt, người mang lại sung sướng (vật chất hoặc tinh thần) cho chúng tôi thì chúng tôi kính trọng, ủng hộ; và dĩ nhiên, là ngược lại. (Cũng không loại trừ tâm lý mèo mả gà đồng: đời buồn quá, rủ rê nhau lập bầy đàn đi tìm cảm giác lạ. Tôn sùng, trong thời thế này, sau ngót thế kỷ tôn sùng ép uổng, đã thành cảm giác lạ). Bạn tôi, từ những cây bút bấy lâu giấu kín mình trong đống rơm đều đã lên tiếng trên trang cá nhân phản đối việc chính quyền vô tội vạ cho chặt hàng loạt cây thủ đô. Họ đã thôi bạc nhược rồi ư? Họ không ngại dính dáng chính trị nữa ư? Nhà cầm quyền hẳn không nên mừng vội vì cho rằng dân đã biết quan tâm chính trị, chăm chút quốc gia. Dân nhất thời sửng cồ lên, một phần là vì tài sản của chính họ bị động chạm. Nhiều khả năng, họ sẽ lại im ắng, cúi gằm như một đám đông im lặng khi quyền lợi tạm thời yên ổn. Họ sẽ dửng dưng như không nếu ở bên sông Hồng mà nghe sông Đồng Nai bị lấp, thản nhiên ngắm Vịnh Hạ Long khi núi rừng Hải Vân bị lấn chiếm, hô hố xem Công Lý tấu hài vui hơn chuyện tòa án quốc tế La Hague tuyên đường lưỡi bò vô giá trị … Hóa ra, họ chẳng ích lợi gì cho sự chấn chỉnh, sửa sang của đảng, của nhà cầm quyền. Căn bệnh ù lỳ trở thành đặc tính. Đây là điều lợi bất cập hại, họ sẵn sàng bào chữa cho sự đông lạnh của họ bằng lý do “vô can chính trị”, “chính trị là đặc quyền của đảng lãnh đạo”. Sắp tới, có lẽ nhà nước cần tạo vài cái cớ để tổng động viên toàn dân tham gia hoạt động chính trị, hoặc ít nhất là cổ vũ chính trị, làm khán giả chính trị chứ không quay lưng với chính trị nữa.
Tôi viết văn amateur. Khi viết, chẳng bao giờ tôi cố ý gắn tác phẩm của mình với bất kỳ tuyên ngôn, giọng điệu chính trị nào. Chẳng phải tôi không quan tâm chính trị, mà thẳng thắn là vì tôi dốt chính trị, không có khả năng hoạt động chính trị. Thế nhưng, có một dạo tôi được nhắc nhở và giáo dục chỉ vì vài bài viết có phần ngớ ngẩn – tôi vốn phóng túng ngữ pháp, chính tả, tu từ - ngây ngô kiểu bài viết này. Tôi làm chính trị ư? Không. Tôi chỉ muốn quan sát xã hội. Tôi chỉ mô tả và thêm thắt cho đủ vần đủ chữ, tự tìm hiểu mình và tìm hiểu người xung quanh mình qua từng bối cảnh. Thế nhưng, viết ra những câu khác người trong thời buổi người ta dắt díu nhau lẫn vào đám đông thì dễ bị quy chụp chính trị, dễ bị cho là lầm đường lạc lối. Nhà cầm quyền, lực lượng an ninh chưa kịp nhìn ra tôi là bất đồng chính kiến, thì một đám đông độc giả, nhất là người biên tập, đồng nghiệp đã kết án tôi một cách bất thành văn. Họ - những người thờ ơ chính trị hoặc nghĩ chính trị là độc quyền của đảng – đã “gieo tiếng ác” cho đảng, góp phần làm hỏng công cuộc “huy động sức mạnh toàn dân giúp nước” đảng đã vạch ra từ tiền cách mạng tháng Tám, trong đó sức mạnh ý thức, sức mạnh chính trị là nòng cốt. Ông chú tôi vẫn mở miệng là “No politics”, nhưng “nhàn cư vi bất thiện”, đám teen-teen gọi là “rảnh rỗi sinh nông nổi”, cứ lên facebook là status, comment toàn chuyện nhớn. Sáng eo Ngọc Trinh, trưa cổ họng Lệ Rơi, chạng vạng 16 chữ vàng. Còn nhà thơ già, sau vài chuyến tung tăng ngoại quốc, làm thơ “thép” hẳn lên. Sang Tàu về làm thơ bênh vực Phan Kim Liên. Sang Mỹ về, làm thơ ca ngợi George Washington.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chính trị. Đảng làm chính trị. Bao nhiêu vỹ nhân làm chính trị. Thì làm sao chính trị là một từ bẩn thỉu được? Tôi chẳng hiểu mấy về chính trị, nhưng vẫn tin rằng: Chính trị không phải một từ bẩn thỉu. Còn bạn, bạn nghĩ sao? 

Nghệ An, 5/2015
TS.

Lên đầu trang