Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Dắt bóng người bước gầy cơn hoa mỹ

Trịnh Sơn


Sau nhiều năm lặng lẽ đọc, say sưa ngắm nhìn và tỉ mỉ làm phép so sánh, tôi tìm được một điểm chung duy duy nhất trên gương mặt văn chương của hai ông: Nhà văn VŨ BẰNG và Thi sĩ NGUYỄN QUANG THIỀU, là rực rỡ nỗi hoài nghi không ngừng tự xâm chiếm vào trong bản thân họ và kích thích một trường lực cân bằng động – hướng mũi tên tâm cảm của mình nhắm thẳng hồng tâm thế giới bên ngoài. Hoài nghi là một trạng thái hay chỉ giản đơn tích tắc một gam màu sắc trên chân dung của một tượng hình ý chí ? Nỗi hoài nghi có cân đo đong đếm được theo một hệ quy chiếu nhất định nào đó ? Ở 2 con-người-sáng-tạo này, dù sống cách nhau mấy chục năm ở 2 thời kỳ lịch sử hoàn toàn khác nhau, trong 2 khối không gian mà sự hít thở trái ngược nhau, nhưng đã lấp lánh một giao thoa của tích hợp xung-cảm gần như trọn vẹn. Dưới lăng kính của một người đọc, tôi trình bày họ theo cách của tôi. Hoài nghi của VŨ BẰNG tuần hoàn đường sin với biên độ là tứ chiếng sự sống, còn, Hoài nghi của NGUYỄN QUANG THIỀU đơn côi cánh én vút lên vụt xuống trên con sóng chữ. Nếu ánh mắt mở ra từ Bốn mươi năm nói láo khắc khoải đến ngoa ngoắt nghiệp “hót váng lên chơi” thì ánh mắt dán lên Sự mất ngủ của lửa vành vạnh cơn đen trắng cục mịch buốt đêm người. Nếu vầng trán của Ngôi nhà 17 tuổi mềm dịu nét bồi đắp phù sa mới thì chúng ta lại dễ nhận ra nhiều vết cứa sâu hoắm suy tư trên vầng trán Những kẻ gieo gió
. Nếu gò má nhà thơ làng Chùa oằn cong nằng nặng dấu chân chim nghiêng nhánh Cây ánh sáng thì Nhà văn lắm chuyện học trường Albert Sarraut tốt nghiệp Tú Tài Pháp hốc hác đôi gò má như cơi trầu ngày vắng thuốc sau Cai. Nếu sóng mũi Vũ tiên sinh siêng năng phập phồng theo từng khoảnh khắc ký ức để ngửi lấy Thương nhớ mười hai thì nhà thơ họ Nguyễn thẳng tưng im lặng mặc cho Nhịp điệu châu thổ mới tung tăng trượt sóng mũi mình. Nếu vành tai ông Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam run run theo róc rách Những người đàn bà gánh nước sông thì người chiến sĩ quân báo “trở về từ cõi đam mê” khẽ nhếch đôi vành tai lên cho Tội ác và hối hận tự vang dội thành vọng âm giữa bốn vách đá dân tộc… Chân dung của mình trong con mắt độc giả, mỗi người cầm bút có tự ý thức và định đoạt được hay không ? Tôi nghĩ rằng: Có. Quan niệm “nhìn mặt bắt hình dong” thỉnh thoảng tìm được đất sống trong địa-hạt-của-chữ, nhưng trong địa-hạt-của-nghĩ thì “hình dong” (hay là bản sắc của một nhà văn) mới là thứ diệp lục duy nhất nuôi/thụ hưởng thân trạng, tên tuổi, sự nghiệp của cây sáng tạo.
Vườn sáng tạo không có hàng rào kẽm gai bao bọc bốn phía. Vườn sáng tạo vô hướng xác định làm bất lực mọi loại la bàn và phương nào cũng là phương-cũ đồng thời phương-mới. Vườn sáng tạo bày la liệt vô vàn chiếc đồng hồ đông tây kim cổ nhưng mọi cây kim giờ kim phút kim giây đều bại liệt trước vĩnh hằng cái đẹp. Mái che là bầu trời. Người và Người.

Nhà văn Vũ Bằng
NGUYỄN QUANG THIỀU: - Ông làm gì “một mình trong đêm tối” ?
VŨ BẰNG: - Đừng hỏi. Cứ để cho “đứa trẻ đái ướt sũng tóc tôi rồi bỏ đi / vẽ vào bóng tối một vệt trắng nguệch ngoạc”.
NGUYỄN QUANG THIỀU: - Chẳng ai tin ông dám trở lại trong hình hài một đứa trẻ nữa bao giờ. Đôi cánh thiên thần, biết đâu không là một phát minh vĩ đại từng có từ nguyên thủy. Văn chương, biết đâu không là bùa chú của ả phù thủy cỡi chổi “tìm một từ vựng / có khả năng làm trống rỗng tất cả”
VŨ BẰNG: - Hóa ra, tôi đã từng là một người già ư ? Sau từng trải biết bao con đường mà ba lô sau lưng ngày càng nặng trĩu sai lầm và kinh nghiệm ? Cai – không dễ dàng gì. Người ta tìm hiểu và lý giải về sự cân-bằng rồi tham lam cho rằng mình đã khám phá luôn sự mất-cân-bằng, có thật 2 hình thức vững chãi hoặc té ngã này có bản chất trái ngược nhau: cân-bằng là không mất-cân-bằng và mất-cân-bằng là không cân-bằng ?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Ký họa: Ba Tỉnh

Cuộc hạnh ngộ giữa một thư viện với một thư viện đã diễn ra như thế, túc tắc ngữ ngôn nhiễu giọt trên mái chữ, đôi khi nhỏ xuống mặt người, lăn hồn nhiên qua trăm ngàn si mê ảo mộng lẫn đoạn trường nết na đức hạnh. Trong lần gặp gỡ gần đây nhất, bữa đó tôi đã nhuốm men say còn thi sĩ họ Nguyễn có lẽ không quen uống rượu nên mới nhấp vài ngụm cũng kịp ngà ngà.
TÔI: - Ông đóng đinh tên mình vào THƠ hay THƠ chọn tâm hồn ông làm nơi gởi gắm mát lành ? Trải qua hàng ngàn trang sách của ông, tôi ngạc nhiên vì vũ điệu của những con chữ chân trần không cần váy hoa áo màu. Chữ, là xác-tư-tưởng hay là điệu-nhảy-của-tư-tưởng ?
NGUYỄN QUANG THIỀU: - Thể loại là điệu-nhảy, Chữ là âm-nhạc. Còn cách nào khác để chúng ta đứng trên sàn-diễn, nếu không tự mình nhảy múa theo cách thức của mình ?
TÔI: - Đan-tê cũng thế ? Đông Ki-sốt cũng thế ?
NGUYỄN QUANG THIỀU: - Những tác gia lớn thường nhảy rất vụng về. Khi ấy, tác phẩm và nhân vật nhảy thay cho họ. Cuộc lưu diễn miệt mài mở ra bắt đầu từ nội tâm người sáng tạo cho tới trang sách, vào tâm hồn người tiếp nhận và bất cứ cõi mông-lung-mênh-mông nào đủ sức dung chứa toàn bộ diễn viên cùng khán giả đến dấu-chấm cuối cùng.
TÔI: - Ông, dường như luôn không kết thúc với dấu-chấm-hỏi thường trực ?
NGUYỄN QUANG THIỀU: - Nhưng tôi không thể mãi mãi mộng du, không thể mãi mãi chạy trốn nỗi sợ hãi
Cũng bữa đó, tôi sung sướng nhận từ người thi sĩ làng Chùa nhịp thủy chung của phù sa Châu thổ. Ông tặng sách cho một gã nhà quê mến mộ mình một cách rất trang trọng và điểm chút hồng hào mắc cỡ. Môi cười hiền lành. Ít nói và nói ít. Thanh âm từ con họa mi và thanh âm từ bụi gai, bạn thường chọn cho thính giác giới hạn của mình gam rổn rảng hay trầm đắm nào ?
“Sống đôi lúc trong hình thức tuyệt vọng một bộ hài cốt…
Bởi thế ngước mắt lên và khóc và hát và đi…
Và lướt qua đám người đang chụp hai bông hoa kín vào hai hốc mắt…”
Ông, chưa bao giờ nói rằng mình đã học-sống. Niềm tin vào sự sống ngát ngời hơn bất cứ nỗ lực bám víu nào của một phần tử bị loại khỏi một tập hợp rỗng. Cái bóng của niềm tin là hoài nghi ư ? Tôi cố ý trêu chọc và khiêu khích ông, bằng hỗn độn lý luận ký sinh (chứ không phải cộng/hiện sinh) trên ngồn ngộn cuộc sống này, càng quay quắt hoài nghi và cố công tìm kiếm điểm dừng của hy vọng thì nguồn sống đích thực của cả 2 chúng tôi đều đã rẽ theo dòng tự nhiên của nó (hoặc không phải của nó nhưng nó không làm sao từ chối được), chân lý nảy nở bất thình lình theo kiểu con gà con vàng ươm bóc mình khỏi vỏ trứng:
“mục đích của sáng tạo là thiên tư của chính mình
sáng tạo không tìm kiếm cảm giác, cũng không tìm kiếm thành công
thật xấu hổ khi không có một ý nghĩa nào
mà lại luôn được nhắc đến trên đôi môi mọi người
cần phải để có những chỗ trắng trong cuộc đời
nhưng không phải trên trang giấy
viết ra cả ngoài lề
những chương sách của một cuộc sống thật đầy”
(Boris Pasternak – trích theo ACE của Lê Hải)
NGUYỄN QUANG THIỀU tự nguyện chọn bổn-phận-thi-sĩ giữa vạn đại lựa chọn u uẩn khác. Cái mốc ông neo đậu trái tim mình và huơ tay xua đuổi tật nguyền bốn phương tám hướng đời ném trả, là nỗi hoài nghi chưa bao giờ thoát xác khỏi triền miên sắc màu áo-sống phấn-son cùng mặt-nạ.
“Chiều nay con ngồi ho bên cửa
Bao sợi mưa đứt hết cuối trời
Con chờ đợi nỗi niềm già như cát
Lặng lẽ suốt đời cởi áo thả vào sông”
Áo thả vào sông hóa thành mảnh ấm êm gom góp giấc lục bình lưu lạc. Cuộc đời mình, ai đã muốn mang kiếp lục bình lưu lạc để dõi niềm hy vọng theo dòng và ngồi đếm quạnh hiu tuyệt vọng ghé ngang ca cẩm gạ gẫm tâm hồn mình ? Thời gian như “con chó liếm mãi, liếm mãi, liếm mãi, liếm mãi, liếm mãi…”, cái lưỡi của nó dành cho hoang đàng xúc cảm chưa đặt tên trên khuông số của ủy-mị-cảm-giác cộng hưởng mê-ly-trí-não, thẳng tuột kéo dài thân thể bạn và cái bóng bạn (đồng thời) lê mòn bức tường vuông vắn tính-luật thẳng góc tính-người, cái lưỡi chứ không phải con chó trở thành chủ thể của mọi động tác đã có trong cuộc truy nã cội nguồn tính-lộng-của-chữ, bỏ qua thương tật của bản năng và nguyên thủy, vượt thoát gian nan khổ ải thành quách điên rồ dựng lên bằng nắm-nhau và nắm-đất hoan lạc, chúng ta tỉnh giấc trên lụa là nệm gấm tức-thì-vật-chất hoặc vĩnh viễn ngáy khò cùng triền miên cuồng-điên-mát-lạnh tiếng gà dội vách sáng.
Niềm tin lộng lẫy bao nhiêu thì Hoài nghi cũng rỡ ràng bấy nhiêu. Hai cơ-thể-cảm này khó thể phân định giới tính/tuổi tác cứ quấn lấy nhau nhưng chẳng thể hòa tan vào nhau, làm nên cuộc hôn phối ý-tính bất đắc dĩ “Em nằm nghiêng trong đêm/ Như con thuyền cô đơn nép mình bên bến cát/ Tôi cởi áo mình ra căng một cánh buồm” trên tấm drap trắng biện chứng chờ đợi cơn nhàu nát xúc-cảm-sáng-tạo. Những đứa con đang gom dần sự sống của cha mẹ vật vã tận hiến. Chúng lấy đi nhưng không làm cho mất đi, mà thong thả làm đầy như “Thời gian cứ lặng lẽ chảy vào chiếc bình gốm cổ khổng lồ… Và đến khi tôi không còn gì để đếm”
Cả VŨ BẰNG lẫn NGUYỄN QUANG THIỀU ắt hẳn không thể ngờ chân dung mình trên tấm voan người sau không im ắng một hình hài phẳng phiu cố hữu mà luôn được/bị sáng tạo lại nhiều lần sau nữa. Sáng tạo cho đến lúc giao hoan giữa Niềm tin và Hoài nghi mở cực kỳ biên độ và tốc độ. Khi ấy, Cô đơn là món quà thiêng trên ngọn tay chúng ta kiêu hãnh ban phát và đón nhận từ chính tâm hồn mình.


Bàrịa, 03/11/2011
TS.

Lên đầu trang