Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Trịnh Sơn, Người Sớm Tìm Được Cách-Nói-Khác Cho Thơ Mình

Du Tử Lê

Yếu tính của thi ca theo tôi, trước, sau vẫn là cách-nói. Rõ hơn, cách-nói- khác về mọi rung động, cảm nhận, suy nghĩ… Khởi tự căn bản này, vẫn theo tôi, nó giúp người đọc phân biệt được phong cách thơ của nhà thơ này, với nhà thơ khác. Nó như một thứ ID, một loại thẻ-nhận-dạng-thi-sĩ. 
Từ điểm nhấn vừa kể, tôi nghĩ, Trịnh Sơn đã tìm được cho cõi giới thi ca mình, những cách-nói-mới.
Thí dụ một trong những bài thơ tôi được đọc gần đây của Trịnh Sơn
, bài: “Đêm Vắng Gì Như Vắng Một Đêm” - - Ngay từ cách chọn nhan đề cho bài thơ của mình, họ Trịnh đã cho thấy cách-nói-mới kia. 
Trịnh Sơn không chỉ gây ấn tượng cho người đọc bằng tựa bài thơ mà, ngay khổ thơ thứ nhất của bài 3 khổ của mình, họ Trịnh đã buông giây cung, bắn về chân trời, những mũi tên “cách-nói-khác”. Như:

“…Làm thân cây gánh gồng mùa
“Gánh gồng những đám mây chỉ biết bay qua mà quên trở lại
“Gánh gồng nhánh tầm gửi đã cướp mất nỗi cô đơn của tôi
“Và những chiếc lá bỏ đi khi chưa nhận nụ cười
“Diệp lục ơi
“Sự sống chảy trong người hay người gieo sự sống?...”

Nếu phân đoạn lại 6 câu thơ trên, chúng ta sẽ có chí ít cũng hai cánh cửa mở ra hai cách nói mới. 
Cách nói mới thứ nhất là Thân cây gánh gồng mùa, gánh gồng mây bạc tình, gánh gồng cả những nhánh tầm gửi một thứ khách không mời… 
Và, tiếp tới cách nói thứ hai: “những chiếc lá bỏ đi chưa nhận nụ cười / Diệp lục ơi…” 
Trịnh Sơn không dừng ở đấy. Khổ thơ mở đầu của “Đêm Vắng Gì Như vắng Một Đêm” chỉ là khúc dạo đầu. Đoạn Intro. Hoặc nó mới chỉ như tiếng chim báo bão - - Lưu ý (dẫn dụ) người đọc (hay chính họ Trịnh) hân hoan bước vào tâm bão cách nói khác, với câu chữ như “Nỡ nào đuổi năm cũ vào phong bao lì xì”:

“Chiếc son ngoan hơn công chúa ngủ trong rừng
“Mọng môi ký ức
“Rưng rức giao thừa
“Nỡ nào đuổi năm cũ vào phong bao lì xì
“Phố đêm ấy vắng gì như vắng một đêm
“Chảy qua anh đi em
“Tràn qua anh đi em
“Tất cả niềm tin và hy vọng
“Hoa thơm cùng trái đắng
“Nghe tết trở mình mừng thôi nôi tình sầu
“Đào hờn ngoài kia mai giận trong này” 

Bên cạnh những cách nói mới kể trên, tôi nghĩ, chúng ta cũng đừng quên, thơ Trịnh Sơn còn ắp đầy tính lạc quan rất… “trai tráng”. Một tâm thái khá hiếm trong cảnh tình thi ca hôm nay, của chúng ta. 
Với một nhà thơ đã tìm thấy cho mình, những cách-nói-khác, như Trịnh Sơn, tôi nghĩ, có dễ không nên nói thêm một điều gì, về cõi-giới thi ca đĩnh đạc, với diện mạo đậm nét này.
D.T.L
Nguồn: Du Tử Lê

Lên đầu trang