Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Thu hồi ĐẠI GIA

Trịnh Sơn

ĐẠI GIA bắt đầu với một cô gái điếm. Điếm cao cấp. Làm điếm, phải đẹp, phải hừng hực lửa tình ngon ngọt, phải khôn khéo chiều chuộng. Nhất là, phải tìm kiếm một sự điếm tinh vi hơn để phòng khi hữu sự mà đổi đời, mà thay thế sự điếm thân xác tạm bợ. Nhất là, cánh cửa quyền lực vật chất đang mở ra từ chốn phòng the nhục cảm. Nhà văn nhóm lên một bi kịch nửa vời để độc giả tự suy đoán về một sự kiện loạn luân: cô gái chuẩn bị làm điếm với chính cha đẻ của mình! Nốt ruồi son dưới huyệt đan điền như một dấu vết điểm xuyến lòng nhân văn, đạo đức và là lối thoát hiểm may mắn tức thời. Nhưng ở đời, đâu phải ai cũng có thể vẽ cho nhân vật của mình một nốt ruồi son như nhà văn? Đặc biệt, khi điếm đã trở thành một công nghệ giải trí siêu lợi nhuận, để người ta mua bán, đổi chác, áp-phe man rợ và đểu cáng. Đính kèm với điếm là camera, tống tiền, tống tình, chạy chọt, cò mồi, điều hướng kinh tế, chuyển giao quyền lực, …

Như tên gọi ĐẠI GIA, bộ tiểu thuyết 2 cuốn hơn ngàn trang của nhà văn Thiên Sơn xoay quanh những nhân vật thuộc hàng đại gia theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đó là các chính khách đầu sỏ, quan chức oai hùm miệng sói, siêu sao kinh tế, ông trùm tiền bạc,… Mở ra trước mắt người đọc một thế giới đầy hào nhoáng, mỹ miều mà đồng tiền bôi trơn tất cả mọi thứ, từ lỗ trôn gái điếm cho tới cửa miệng quan quyền. Đan cài và cấu xé, xã hội nhân vật liên hệ nhau như các điểm mấu chốt trong cấu hình của viên kim cương đen, bằng mưu mô nham hiểm và quyền lực đen để củng cố địa vị bản thân, phát triển bè cánh và hạ bệ đối thủ. Bức tranh kinh tế ảm đạm được thả nổi tự do trong màn kịch (ảo thuật) tinh vi của các bậc chuyên gia đang cầm chịch, lèo lái đất nước. Những dự án chất ngất nhan nhản thời nay: cướp đất của dân, phá mộ cổ, bóp cổ dư luận, bưng bít thông tin,… Họ muốn đạt được dục vọng bằng bất cứ giá nào. Luân thường đạo lý, nhân văn và đạo đức là những khái niệm xa xỉ, hầu như bị chôn vùi hoặc đã hoàn toàn biến đổi thành một hệ giá trị khác. Hơn ai hết, họ nắm quyền bính và hiểu rõ tình hình chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước: “…Về đối ngoại, ai làm lãnh đạo lúc này cũng phải tính đến cân bằng quan hệ với các nước lớn, tiến tới khai thác các quan hệ với những nước nhỏ nhưng quan trọng, tạo thế nhân hòa khi hội nhập. Đối nội hiện nay là vấn đề phân hóa lớn. Người thì muốn tăng tốc phát triển kinh tế, áp dụng các mô hình quản trị phương Tây vào các đại doanh nghiệp, thả lỏng nền kinh tế, để các doanh nghiệp tự do trong việc hoạch định các chiến lược kinh tế của nó. Người khác lại lo như thế thì doanh nghiệp lũng đoạn, kinh tế chuyển dần sang tay cá nhân và các tư bản nước ngoài nên tăng cường quản lý, làm cho nhà nước dính chặt vào nền kinh tế, với cái cách đó, sẽ dẫn đến bổ nhiệm những thằng ngu về quản lý kinh tế theo mệnh lệnh hành chính. Cả hai hướng đó đều có rất nhiều người theo, nhưng lối tiếp cận đó sẽ chỉ dẫn đến thất bại…”. Cái nhìn "thấu suốt" ấy, đáng lẽ để tìm ra liều thuốc cứu chữa cơ thể nền kinh tế đang ung thư giai đoạn cuối, chí ít là ngăn chặn vết lở loét đang đến hồi hoại tử - nhưng không, với họ, đây chính là cơ hội để thống trị. Phương thuốc của họ cho đồng loại và cho chính mình là thuốc giảm đau, là ma túy ru ngủ, là thuốc độc pha đường. Bài toán kinh tế Việt Nam trong bài toán lớn toàn cầu, không đẻ ra những đáp số khiến người ta giật mình mà như con gà đẻ trứng vàng. Vàng cho cha, vàng cho con, vàng cho sếp lớn, vàng cho sếp nhỏ, vàng cho quan, vàng cho tướng. Vàng vàng vàng vàng… Các đại gia vẫn bảnh bao áo quần sực nức hương vị quyền lực và tiền bạc, tha hồ rao bán tất cả những gì có người mua: đất đai, mỏ quặng, sông biển, quyền chức,… Độc giả khó mà không nghĩ đến một thứ vàng khác mà ông bà tổ tiên hay gọi đùa: vàng trong người vàng ra!

Nếu chỉ có đại gia thì ĐẠI GIA hẳn mất đi tính cân bằng hay còn gọi là đối trọng cần thiết để duy trì một xã hội, dù là xã hội rác rưởi. Mắt xích và gắn bó theo nhiều cách khác nhau, những nhân vật khốn cùng được sản sinh ra nhiều gấp nhiều lần, thực gấp nhiều lần. Là cô bé bị ép làm điếm với trò các trò tra tấn dã man như bị trói để kiến cắn cửa mình. Là gã hát rong gồ ghề thương tích có lý lịch bóng bẩy, cơm thừa canh cặn, bản năng sống và bản năng dục tình như ai. Là lão khọm già độc ác theo kiểu khác, sống bằng nghề chăn dắt ăn mày. Là ả điếm già phấn son tàn tạ mười phương không còn lối mà về… Họ là nạn nhân của chính họ, trong tuồng bi kịch không thể kết thúc ngoại trừ cái chết. Họ là kết quả và cũng là nguyên nhân, như loài vi khuẩn yếu ớt sống bám (vô tình hoặc cố ý) trên vết ghẻ lở do lũ đại gia tạo ra. Họ cũng chính là đại gia – những đại gia thay thế chỉ cần gặp cơ hội.

Tất cả nhân vật của ĐẠI GIA, chắc chắn người đọc có thể dễ dàng liên hệ với những khuôn mặt có thật trong đời sống hiện nay. Họ nhan nhản trên tivi, báo chí, phim ảnh,… Họ lởn vởn, bí mật hoặc công khai cướp bóc đời sống của chúng ta mà chúng ta chỉ biết câm nín, buông tay và xuôi theo trong một hệ thống lề luật và đạo đức bất ổn. Lỗi hệ thống! Nhà văn Thiên Sơn không đề nghị một cách giải quyết nào. Có lẽ, anh chưa hoặc không đủ mạnh mẽ để kê toa cho xã hội anh chứng kiến. Khi một nhà văn không thể cứu chữa con bệnh trước mặt, thì anh còn có thể làm gì hơn ngoài chức năng thiêng liêng nhất là chỉ ra căn bệnh đang lây nhiễm hàng loạt, nguy cơ trở thành dịch để cảnh báo và thương xót?

ĐẠI GIA trầy trật qua nhiều cánh cửa xuất bản, để khi vừa in ấn xong, chưa kịp phát hành thì nhận được lệnh thu hồi của nhà chức trách. Như một thảm họa bịt miệng báo chí mà Thiên sơn đã mô tả trong tác phẩm này. Tôi chợt nghĩ, một khi đại gia vào kho thì cô điếm xinh đẹp quyến rũ kia về đâu nhỉ?

TS.

Lên đầu trang