Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Những ngày cuối cùng ở Việt Nam

Tri Sơ

Những ngày cuối cùng ở Việt Nam là phim tài liệu Mỹ, do Rory Kennedy viết kịch bản và đạo diễn, ra mắt tại liên hoan phim Sundance 2014, được đề cử phim tài liệu xuất sắc nhất ở Oscar 2015. Tháng 4.1975, hàng ngàn người Việt Nam trung thành phục vụ đường lối của Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa rơi vào nguy hiểm, bộ phim là biên niên sử về nỗ lực giải thoát họ và gia đình khỏi Việt Nam.



Đáng nhớ nhất trong phim Bí mật hé lộ (The Unknow Known) của Errol Morris là cảnh quay mang tính biểu tượng miêu tả quân nhân Mỹ đẩy nhiều trực thăng xuống biển trong cuộc di tản khỏi Sài Gòn năm 1975. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld nhún vai “bạn sẽ làm gì trong trường hợp ấy”, có vẻ còn chứa đựng rất nhiều ngạo mạn, tự lừa dối và ngụy biện.

Nhưng với Những ngày cuối cùng ở Việt Nam (Last Days in Vietnam), nhà làm phim Rory Kennedy đi sâu vào thực tế phía sau hình ảnh, biến nó từ biểu tượng thất bại thành bức chân dung về sự dũng cảm, lòng nhân đạo và niềm tự hào. Hàng ngàn quân Mỹ và miền Nam Việt Nam hò hét nhằm thoát khỏi cuộc tấn công của Việt Cộng, những ngày và những giờ cuối cùng ở Sài Gòn có thể đầy đau đớn và thậm chí là bị phản bội. Trong tài liệu khách quan, cảm động sâu sắc về giai đoạn ấy, Kennedy làm sáng tỏ con người và tính nhân văn, trả lời các tình huống đã bị lãng quên hoặc che giấu trong lịch sử đến nay.

Kể chuyện trong phim là người Mỹ hoặc Việt Nam có mặt trong giai đoạn cuối của cuộc chiến Việt Nam. Một số nhân vật nổi tiếng như bộ trưởng ngoại giao và cố vấn an ninh quốc gia Henry A. Kissinger, và sỹ quan hải quân Richard L. Armitage, nhân viên bộ Ngoại giao thời George W. Bush. Armitage kể chuyện tự nhiên, trầm ấm, hài hước và sống động. Sử dụng các cảnh quay lưu trữ và cuộc phỏng vấn về sau, Kennedy thành công trong việc đẩy người xem trở lại thời gian sau Hiệp định hòa bình Paris năm 1973, khi còn khoảng 5.000 đến 7.000 cố vấn quân sự và nhà ngoại giao Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Tổng thống Richard M. Nixon từ chức, liệu Mỹ có nên trợ giúp đồng minh miền Nam Việt Nam nếu Cộng sản miền Bắc tấn công còn đang bàn cãi. Hiệp định Paris tạm thời duy trì giới tuyến miền Bắc và miền Nam. Ngay sau khi Mỹ rút quân, Cộng Sản Bắc Việt thúc đẩy công cuộc thống nhất đất nước bằng vũ lực, nhanh chóng chiếm giữ Đà Nẵng và nhiều thành phố miền Nam, áp sát Sài Gòn vào tháng 4.1975. Rory Kennedy cố làm sáng tỏ việc kế hoạch sơ tán bị hoãn lại đến phút cuối cùng.
Quốc hội Mỹ và đa số nhân dân Mỹ đã chán ngán chiến tranh, phản đối luận điệu tăng viện trợ để giải cứu Việt Nam Cộng Hòa. Một bộ phận người Mỹ, dẫn đầu là đại sứ Mỹ tại Việt Nam Graham Martin, được mô tả trong phim là người nhã nhặn, cảm thấy trách nhiệm danh dự là không được từ bỏ vị trí hoặc làm cho dân miền Nam Việt Nam hoảng loạn. Martin kiên quyết chống lại cuộc sơ tán khi bộ đội áp sát Sài Gòn. Bất chấp lời khuyên và an toàn bản thân, ông từ chối kế hoạch rút lui vì cố chấp hoang tưởng rằng Việt Nam Cộng Hòa sẽ chống cự được. Phụ tá quân sự của ông buộc phải tiến hành chiến lược “ca mổ kín” (black op), bí mật đưa được nhiều đồng minh miền Nam Việt Nam và gia đình họ ra khỏi đất nước bằng tàu, máy bay và bất kỳ phương tiện di tản cần thiết. Nhân vật trung tâm Graham Martin đã qua đời năm 1990, không thể trả lời trực tiếp trong Những ngày cuối cùng ở Việt Nam, nhưng tháng ngày ấy vẫn hiện lên từ tài liệu lưu trữ và hồi ức người còn sống hấp dẫn một cách mơ hồ. 
Đẩy trực thăng xuống biển để có chỗ chứa thêm nhiều người
Qua bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của Kennedy, Những ngày cuối cùng ở Việt Nam đóng vai trò như một bộ phim thời chiến ly kỳ, với đội quân anh hùng tạo nên kỳ tích từ hành động mưu trí và gan dạ. Đoạn phim gây sốc nhất diễn ra trên Kirk, một trong những tàu chiến Mỹ chờ đón dân tỵ nạn đáp trực thăng từ Sài Gòn. Kennedy thể hiện rõ ràng hành động đẩy trực thăng khỏi boong tàu không phải cử chỉ từ bỏ mà để nhường chỗ cho nhiều người hơn. Cốt lõi Những ngày cuối cùng ở Việt Nam nói về đạo đức: dũng cảm đương đầu với những câu hỏi như “ai được ra đi và ai bị bỏ lại” mà đại tá về hưu Stuart Herrington đặt ra. Trong bối cảnh một cuộc chiến được quan sát qua tấm kính màu đầy hoài nghi và phẫn nộ, Kennedy tìm ra những anh hùng sẵn sàng đặt câu hỏi hóc búa và trả lời mập mờ.
Những ngày cuối cùng ở Việt Nam không phải câu chuyện kết thúc có hậu. Lê thê sự tàn bạo, đàn áp của một bộ phận thắng cuộc và cuộc khủng hoảng tỵ nạn. Đã bốn mươi năm, mối quan hệ Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa, phim sẽ hay hơn nếu khán giả được nghe tiếng nói của lực lượng miền Bắc Việt Nam: Tại sao họ vẫn cố xâm chiếm miền nam Việt Nam khi Mỹ đã rút lui? Coi thường Hiệp định Paris? Sự thiếu sót này không làm giảm bớt giá trị tác phẩm Rory Kennedy đã hoàn thành: công bằng và bác ái, tái tạo lại một tập phim lộn xộn trong lịch sử. Rory Elizabeth Katherine Kennedy là con gái út của thượng nghị sỹ Mỹ Robert Francis “Bobby” Kennedy.

TS.
(tổng hợp)

Lên đầu trang