Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Sự hoàn hảo luôn đơn giản

Robert & Elizabeth Chandler
*Lý tưởng luôn luôn đơn giản!

Grossman bên đống đổ nát của đền thờ Hy Lạp gần thủ đô Yerevan , năm 1961

Armenia nằm kín trong lục địa phía nam dãy Kavkaz (Tây Á), là một trong những quốc gia lâu đời nhất thế giới, được cho rằng đây chính là vườn Địa đàng trong Kinh thánh và là nơi Noah cùng con cháu đã dừng lại định cư lần đầu tiên. Nước này có nền văn hóa kỳ vĩ và lịch sử đau thương vì chiến tranh triền miên, đặc biệt là nạn diệt chủng 1915 – 1918 trong Chiến tranh thế giới I và cuộc Đại thanh trừng của Liên Xô dưới/sau thời Stalin. Nhà văn, kịch tác gia, nhà báo Nga Vasily Grossman (1905 – 1964) xuất thân là kỹ sư hóa chất tại vùng mỏ than sông Đông. Năm 1934, ông được văn hào Maksim Gorky trực tiếp đọc bản thảo và khen ngợi. Thế chiến II, ông làm phóng viên chiến trường. Kiệt tác “Cuộc đời và số phận” của ông là bản anh hùng ca hoàng tráng mang tính thời đại, được so sánh như một “Chiến tranh và hòa bình” của thế kỷ XX, nhưng bị cấm phát hành
. Khi ấy, Grossman đã đến ở Armenia hai tháng cuối năm 1961.
Armenia là một quốc gia đồi núi, và ngành nghệ thuật người Armenia xuất sắc nhất là kiến trúc. Chẳng nơi nào minh chứng điều này rõ hơn so với tu viện Geghard, nơi mà hai trong số ba nhà thờ kề nhau được moi ra từ sườn núi (theo nghĩa đen). Chỉ trong một mùa xuân. Nước xối thành một hồ lớn ở khúc quanh, sau đó chảy xuống dòng kênh cạn chảy qua trung tâm nhà thờ. Đá, tất nhiên là ở khắp mọi nơi – thô và mịn, phẳng lì và lởm chởm đa dạng. 
Tôi đến Armenia vì đang dịch “Một tập nháp của Armenia” (An Armenian Sketchbook) của Grossman. Ông cũng ấn tượng với các nhà thờ thời trung cổ. Và cũng như tôi, ông đến Armenia để hoàn thành nhiệm vụ biên tập một bản dịch quá vụng về cuốn tiểu thuyết dài “Những đứa trẻ ở Nhà Lớn” (The Children of the Large House) viết về cuộc chiến tranh thế giới thứ hai của nhà văn uy tín người Armenia là Hrachya Kochar. Đó là lý do chính thức, còn lý do thực thì phức tạp hơn.
Vào tháng hai năm đó, cơ quan an ninh Nga KGB đã tịch thu bản thảo cuốn tiểu thuyết dài viết về chiến tranh “Cuộc đời và số phận” (Life and Fate) của Grossman. Trong tác phẩm này, ông đã phá vỡ nhiều điều cấm kỵ. Ông đúc kết bản so sánh trực tiếp giữa các trại tập trung của Liên Xô và của Đức Quốc xã, lập luận rằng Stalin và Hitler đã học hỏi nhau, phản ánh qua các hình ảnh về chế độ cầm quyền của họ. Thậm chí, Grossman đã viết rằng Stalin “giành lấy thanh kiếm tàn sát người Do Thái từ bàn tay của Hitler”. Phần lớn những luận điểm này vẫn còn gây tranh cãi cho đến ngày nay, ngay cả ở phương Tây. Chẳng công dân Liên Xô nào nghĩ rằng có một nhà văn đơn thương độc mã dám viết những điều như vậy vào năm 1961. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cuốn tiểu thuyết bị “giam cầm” vì Grossman luôn giữ vững lập trường.
Grossman đã giao hai bản sao cho bạn bè, nhưng ông không chắc chúng được an toàn. Hôn nhân của ông tan nát. Ông đau đớn vì ung thư, mặc dù chưa chẩn đoán chứng bệnh. Những lá thư của ông cho thấy ông gặp khó khăn về tài chính. Đó là những lý do khiến ông muốn chối bỏ đời thường của mình.
Về phần mình, chính quyền Xô Viết có lý do để đẩy Grossman ra ngoài lề. Bằng cách cho ông chỉnh sửa cuốn tiểu thuyết Armenia, có lẽ họ đã cố gắng để mua đứt ông, ít nhất là về tài chính, bù lại ông không được xuất bản tác phẩm “Cuộc đời và số phận”, và do đó giảm nguy cơ ông tiếp xúc với báo chí nước ngoài hoặc gửi bản thảo ra hải ngoại. Ba năm trước đó, nhà cầm quyền đã nhầm lẫn tai hại khi để cho Boris Pasternak xuất bản “Bác sĩ Zhivago” ở Ý. Để buộc Pasternak từ chối giải Nobel Văn học, họ cố sức quảng bá rầm rộ “Bác sĩ Zhivago” đứng đầu danh sách bán chạy nhất trên Thời báo NewYork suốt sáu tháng. Các nhà chức trách rõ ràng đã rút được kinh nghiệm từ vụ này. Biện pháp hạn chế họ áp dụng với Grossman, trên thực tế, đã thành công đến nổi bản tiếng Nga “Cuộc đời và số phận” chưa bao giờ xuất hiện, thậm chí ở phương Tây, cho đến tận năm 1980. Và mặc dù bản dịch tiếng Anh của tôi được xuất bản vào năm 1985, phải mất thêm 20 năm nữa Grossman mới được công nhận trong thế giới Anh ngữ. Nếu không xảy ra một vụ bê bối chính trị quốc tế, thật đáng buồn là sẽ khó có thể có một nhà văn Liên Xô được coi trọng ở phương Tây. Pasternak và Solzhenitsyn đều nổi tiếng; hai nhà văn vĩ đại hơn là Andrey Platonov và Varlam Shalamov vẫn còn ít được biết đến cho đến ngày nay.
Do đó, Grossman chấp nhận một khoản hoa hồng và đến sống hai tháng ở Armenia, làm việc với nhà văn Kochar bản xứ và bản dịch đặt hàng. Một phần thời gian Grossman ở thủ đô Yerevan, và phần còn lại ở trong một ngôi làng miền núi, tại “Nhà sáng tác của Hội Nhà văn Armenia”. Đối với công việc biên tập bản dịch “Những đứa trẻ ở Nhà Lớn”, Kochar ngưỡng mộ Grossman và theo nguyên tắc phải hoan nghênh sự can thiệp của Grossman, tuy nhiên thực sự lại cảm thấy khó chịu. Riêng Grossman dường như xem thường Kochar, trong thư gởi cho một người bạn, Grossman viết rằng ông đã đưa Kochar “lên thêm một vài nấc thang tiến hóa của văn chương”.
“Một tập nháp của Armenia” là tác phẩm riêng tư nhất của Grossman. Mặc dù nhiều chủ đề được khéo léo đan xen với nhau, cuốn hồi ký mang tính tự nhiên, như thể Grossman chỉ đơn giản là trò chuyện với người đọc về ấn tượng của ông đối với cảnh quan, những người ông gặp gỡ và thậm chí về các vấn đề thể chất của mình. Chương nói về chuyến đến Yerevan chứng thực khả năng viết của ông thoạt như rất tự nhiên nhưng liên tục gây ngạc nhiên. Đầu tiên, ông mô tả tính ngạo mạn của mình bị tổn thương khi nhận ra không có ai đến đón ở ga xe lửa. Sau đó, bằng giọng điệu khoan thai tăng dần, ông viết về người lần đầu tiên đến một thành phố mới, như một vị thánh, tự nghĩ ra một thế giới mới như thế nào. Những miêu tả của ông sinh động, nhưng càng lúc mọi việc càng thái quá, gần như không kiểm soát nổi. Cuối cùng, ông tìm kiếm một góc yên tĩnh để đi tiểu… Grossman không được khỏe, và các thành phố của Liên Xô thì quá nghèo nàn cả trong tiệm cà phê lẫn nhà vệ sinh công cộng. Chương này kết thúc khi nhà văn lên xe điện đến vùng ngoại ô Yerevan, rốt cuộc đã tìm được sự khuây khỏa. “Đó là nơi hạnh phúc thanh thản – cừu, bò, người hoặc khỉ bình đẳng với nhau. Có nhất thiết phải đi đến núi Ararat tôi mới trải nghiệm được?”.
Grossman không chỉ bận tâm với nạn diệt chủng mà còn với những nỗ lực của chính quyền Xô Viết muốn che dấu ký ức về nó. Khi nhà thơ Osip Mandelstam đến thăm Armenia vào năm 1930, chỉ 15 năm sau khi xảy ra tội ác diệt chủng, ông đã nhận thức được những điểm tương đồng giữa người Do Thái và người Armenia – hai dân tộc cùng có nền thương mại tinh hoa, lịch sử bi thảm và lòng tôn kính Thánh kinh. Mandelstam gọi Armenia là “một cuốn sách của những cơ thể vang vọng… một văn bản ám ảnh, một cơ thể quý báu, gây đau đớn như âm nhạc, như ngôn từ”. Trong một tu viện, vào những thời điểm nguy hiểm, những bình lớn đựng dầu, rượu và đồ dự trữ khác phải để lại ở chỗ mà kẻ địch có thể dễ dàng tìm thấy. Hy vọng của các thầy tu là kẻ cướp sẽ thỏa mãn với thức ăn và rượu vang mà không phát hiện báu vật thực sự của tu viện là các cuốn sách đã được giấu trong những góc cao và xa. Người Armenia rất xuất sắc trong nghệ thuật tạo ra các bản thảo bằng đèn hoa. Rõ ràng là Mandelstam đã cảm thấy thoải mái hơn với bản sắc của người Do Thái của mình sau những tháng ở Armenia. Cuốn hồi ký của Grossman kết thúc bằng ghi chép ở một đám cưới làng quê mà một số nông dân đã nói về sự đồng cảm giữa người Do Thái và người Armenia, về tình thân ái của họ trong đau khổ. Grossman gây xúc động, nhưng những cảm xúc mạnh mẽ của ông tồn tại cùng với tính khách quan lạ thường. Trong các chương trước, ông đã chỉ trích không chỉ chủ nghĩa Sôvanh Nga mà còn phê phán tham vọng của một số trí thức Armenia – những người mà thơ ca, kiến trúc, khoa học và lịch sử của họ “chỉ đạt tới mức minh họa cho sự ưu việt của dân tộc Armenia”. Grossman không tập trung trực tiếp vào nạn diệt chủng Armenia, nhưng nền tảng nhận thức về thảm họa này thấm nhuần toàn bộ cuốn hồi ký.
Kiệt tác của Grossman là tác phẩm cuối cùng của ông: cuốn truyện vừa “Tất cả đều trôi đi” (Everything Flows) và những câu chuyện ông viết trong ba năm từ khi “Cuộc đời và số phận” bị tịch thu cho đến khi ông qua đời vào năm 1964. Có thể việc trải qua nhiều giờ xem xét các nhà thờ Armenia vào cuối năm 1961 đã giúp ông có một tầm nhìn rõ ràng hơn về mục đích nghệ thuật của mình. Ông viết rất thuyết phục về những đặc trưng tiêu biểu trong các tòa nhà: “Sự hoàn hảo luôn đơn giản, và luôn tự nhiên. Hoàn hảo là thấu hiểu sâu sắc và thể hiện đầy đủ nhất những gì cần thiết. Hoàn hảo là con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu, minh chứng đơn giản nhất và biểu hiện rõ ràng nhất. Sự hoàn hảo luôn dân chủ, luôn mang tính đại chúng… Nhà thờ trông quá đơn giản và tự nhiên đến nỗi bạn nghĩ rằng một đứa trẻ có thể sắp đặt nó như xếp các khối đá bazan đồ chơi. Tôi, một kẻ ngoại đạo, nhìn nhà thờ này và nghĩ rằng, “Dù cho Chúa có tồn tại. Chắc chắn ngôi nhà của Chúa không thể đứng hoang phế suốt mười lăm thế kỷ?”
Không kém ấn tượng là một câu của Grossman trong tài liệu cuộc gặp Vazgen I, người đứng đầu Giáo Hội Armenia: “Tôi muốn những cuốn sách được giống như các nhà thờ này, thực hiện đơn giản nhưng ý nghĩa, và tôi muốn Chúa hiện hữu trong mỗi cuốn sách như trong một nhà thờ”.

Tri Sơ lược dịch

(theo Robert & Elizabeth Chandler, đã dịch "Một tập nháp của Armenia" sang Anh ngữ – Thời báo Tài chính)

Lên đầu trang