Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Trịnh Sơn, những chấn thương từ biển

Nguyễn Hiệp

Chân núi Tà Cú, tôi choàng vai Trịnh Sơn (từ Vũng Tàu ra), dòng điện thương buồn chia sẻ; tôi thấu màu tím biển được pha từ những màu gì, Sơn cũng vậy, vết chấn thương không xương gân lục phủ ngũ tạng, vết chấn thương không hình hài, hình hài chỉ là cái cớ, cũng chẳng phải là cái cớ để vết thương hiện lên, Sơn không cần hiện lên. Tôi hiểu. Chúng tôi đọc thơ cho nhau nghe một cách tự nhiên, không né tránh và không vỗ đập, để nhịp tim tự do tăng nhanh, cuộn vào mình, cuộn như sóng cuộn, vỡ như sóng vỡ, nén mạnh và vụn ảo như vết thương không miệng, như trẻ thơ đau ngất, như bông hoa rã nát dưới/ trong/ với cơn mưa ngữ ngôn, nhịp điệu, như cơn gió rách rưới ẩn hiện nơi bãi cô đơn ý tứ đời mình. Trông sóng ngóng cát, trông gió ngó cát, thơ Trịnh Sơn cất/ chảy/ oặn một dòng chấn thương từ biển.
(ảnh sưu tầm)

Đẻ ra rớt rơi từ bước chân bi kịch trên biển, chuyện lịch sử dong dài, Trịnh Sơn oằn mình lớn lên, “đời đã ra khơi…”
: "Dậm chân bày bữa cội nguồn/ Nếm nêm nước mắt mời anh mời em bẻ đũa". Tôi đọc/ gặp Sơn ở cái kiểu đau đời phớt tỉnh: 

“…Có ích gì cứ ngồi đếm những giọt café thông lệ
Rơi là rơi
Đắng là đắng
Thế thôi” 
(Đứa bé trở lại –TS)

… “Đàn bà đẻ ra tôi
Tôi biết
năm 20 tuổi” 
(Đàn bà đẻ ra tôi – TS)

Và mới đây, 13/07/2011, Trịnh Sơn hạ bút: Tôi lội ngược tôi/ Vớt bóng dừa chết đuối… cho tôi “gặp” Sơn nhiều hơn, sâu hơn. Chính bản chất nguồn gốc ba đào, chính cảm giác ẩn chìm, dò dẫm tận đáy lòng của Sơn ngay từ đầu đã giúp tôi xem Sơn là một người bạn thơ thân thiết trong những ngày tránh xa sự ồn ào mệt mỏi.
Tuổi thơ Trịnh Sơn là triền miên những mảnh ghép mang về từ Biển. Và, như những dòng đối lưu - Mang về đồng thời với mang đi. Chứa đựng trong hỗn mang ký ức, nhiều mất mát gắn bó số phận mình với hải đảo tít mù. Ở vùng quê hẻo lánh Bà Rịa những năm 80. Một bên vách núi Dinh dựng. Ngút tầm mắt ra phía đông bắc - đồng hoang bãi cạn dừng chân mép biển. Cái cô đơn của con người mọc dậy, lan dậy và trùm lên người thơ Trịnh Sơn từ rất sớm.
Sơn tâm sự: “Không biết ngày đó thế hệ cha anh tôi nghĩ gì, nhưng, hằn sâu trong tôi là cảm giác đắm chìm vào chất ngất hết con sóng này đến con sóng khác. Có con sóng nhốt bào thai của mẹ tôi trong trại và sinh hạ đứa bé tôi mà cả tiếng khóc đầu đời cũng không được oa oa trong bầu trời xanh. Có con sóng nuốt rất nhiều họ hàng, làng xóm tôi vào lòng biển hung tợn… Tối và sáng, trong rồi đục – đôi khi mảng này lấn ép mảng kia, chúng tôn tạo trí nhớ và khắc tạc thành những vết sẹo của một thời ấu thơ.”
Tôi cho rằng nhứt thiết phải hiểu, phải chia sẻ những chấn thương này trong tâm lý miền sâu của Trịnh Sơn thì mới “vượt được lớp sóng bờ”, (mặc dù tôi biết Sơn rất ghét cái từ “phải” trong ý này):

“…kỳ cọ tháng ngày bằng cỏ lau cỏ may
gội tóc vàng hoe nắng cặn
khoa tay khoa tay bay về trời níu một vì sao rơi
không cần nói nữa
Con suối này chảy về kia thành sông
Và sông ấy xuôi về kìa thành biển”
(Đàn bà đẻ ra tôi - TS)

Thơ, xét cho cùng là nhân cách, là loại nhân cách cao cấp đã được thanh luyện. Những xung đột nội tâm trong thơ Sơn có nguyên nhân sâu xa từ sóng biển: bồng bềnh, ray rứt và níu kéo, rất dễ tạo thành sự lầm lạc, lệch lạc về tâm lí, nó nằm trên “miệng vực”. Tôi cứ đọc đi đọc lại rất nhiều lần, nhiều bài và cuối cùng thì cũng gặp/ cảm được sự trổ sinh khá vững và điềm đạm:

“Tam giác tâm hồn tất cả em tất cả anh tam giác
Nhọn ngực ngày căng sữa ru nhau”.

Và: 

“Trái mùa
Môi phất phơ say khướt
Ăn vào này mận này mơ
Mai kia đã buồm tênh hênh gió chờ
Qua sông
Qua sông
Sóng Thâm Tâm buốt ngọt chân vỗ nước
Trái tim lỡ làng được mất
Ngủ không yên đêm chó sủa
Mở cửa đợi chờ kẻ trộm thời gian
(Lem hồng) 

Sơn càng uống càng tỉnh, mắt mở to nhưng ánh mắt thì lại say, cũng có thể lúc ấy Sơn đang lạc đâu đó trên những con sóng nước, giọng cứ mang mang những ám ảnh sinh tạo: “Còn nhớ, những cuốn tập đầu tiên của tôi, cuốn nào cũng đầy ắp đến trang cuối là những nét nguệch ngoạc biển với sóng với thuyền với buồm. Tôi sinh ra từ Biển. Biển vẫn đến, biển vẫn về từng ngày. Ngày nào đó, trên bia sóng vĩnh cửu, xin dành một tăm sủi đánh dấu tháng ngày con dã tràng cô đơn xây hồn tôi.”
Không có gì phải hối thúc, tôi luôn tin rồi cái dòng chấn thương này sẽ chín muồi trong vô ngôn. Chúng ta cùng cố gắng đạt tới sự thâm trầm sâu sắc Trịnh Sơn nhé! Một khi được như thế những “cặn sóng” sẽ dần xa../.
N.H

Lên đầu trang