Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Thông điệp của Jean Cocteau

Chân dung Jean Cocteau của danh họa Pablo Picasso

Jean Maurice Eugène Clément Cocteau sinh ngày 5.7.1889 tại Maisons-Laffitte gần Paris. Cha là luật sư và họa sỹ nghiệp dư tự tử khi Cocteau mới 9 tuổi. 15 tuổi, cậu bé Cocteau bỏ nhà ra đi, sớm nổi tiếng trong giới nghệ sỹ Bohème, có biệt danh Hoàng tử lông bông (Le Prince frivole) theo tên tác phẩm xuất bản năm 22 tuổi. Tên tuổi Cocteau gắn liền với những tác phẩm văn chương và điện ảnh tiền phong như Les Enfants Terribles, Le sang d’un poète, Les Parents Terribles, La belle et la bête, Orphée (có mặt Pablo Picasso, Francoise Sagan, Brigitte Bardot). Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ Edith Wharton viết về Jean Cocteau: Thi sỹ có mỗi dòng thơ lớn là một bình minh, mỗi hoàng hôn tạo nên một thành phố thiên đàng
Sinh thời, Cocteau hiếm tham dự tang lễ, kể cả của người bạn mật thiết là “thiên tài nổi loạn” Raymond Radiguet yểu mệnh (1903-1923). Chết không đáng sợ, sống mới đáng sợ. “Thực ra người ta chẳng biết gì cả”.
Ba ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng, “đứa con hoang đàng của nước Pháp” Raymond Radiguet nói với Jean Cocteau: “Anh nghe đây, tôi có một chuyện khủng khiếp cho anh biết. Trong ba ngày nữa, những chiến binh của Thượng đế sẽ bắn chết tôi”. Còn Cocteau, trước khi qua đời, kịp gởi lại nhiều thế hệ sau thông điệp quý báu cuối cùng. 
Jean Cocteau là nghệ sỹ đa tài và có mối quan hệ sâu rộng, phức tạp bậc nhất: nhà thơ, tiểu thuyết gia, đạo diễn, nhà thiết kế, họa sỹ, viện sỹ Viện hàn lâm Pháp, chủ tịch danh dự Liên hoan phim Cannes, chủ tịch Hội nhạc jazz,… Tri âm tri kỷ của ông có nhiều tên tuổi lẫy lừng như danh họa Pablo Picasso, nhà làm phim Kenneth Anger, nhà soạn nhạc Erik Satie, minh tinh Marlene Dietrich, nữ danh ca Edith Piaf, tài tử Jean Marais, Marcel Proust Đi tìm thời gian đã mất, Nobel Văn chương 1947 André Gide, và một số nhân vật đình đám khác. Nhưng Cocteau không màng danh tiếng và tán tụng. Trong phim ngắn Cocteau nói với thế hệ 2000 (Cocteau Addresses the Year 2000), nghệ sỹ vỹ đại thế kỷ XX xem bao nhiêu giải thưởng dành cho ông chẳng nghĩa lý gì, mà là “sự hành hạ khủng khiếp”. Điều Cocteau quan tâm nhất là thơ; với ông, thơ ca là “nền tảng mọi nghệ thuật”, là “tôn giáo không có hy vọng”.
Cocteau bắt đầu sự nghiệp với thơ, xuất bản tập đầu tiên Đèn của Aladdin (La Lampe d'Aladin) năm 19 tuổi. Năm 1963, ở tuổi 73, Cocteau đã có một sự nghiệp nghệ thuật phong phú, thành danh trong mọi thể loại ông chạm vào. Muốn để lại điều cuối cùng cho hậu thế, Cocteau quay bộ phim trên, một thông điệp cho thế giới năm 2000, dự định nó như một hộp vật phẩm tiêu biểu cho thời đại ông chỉ được mở đúng năm 2000 (thực ra, nó được phát hiện và xem sớm vài năm). Nhà viết tiểu sử James S. Williams mô tả tài liệu này là “món quà cuối cùng của Cocteau cho nhân loại yêu thương”. Ông nhắc lại một số chủ đề và nguyên tắc nghệ thuật lâu đời: cái chết là một hình thức của sự sống; thơ ca vượt thời gian và hơn hẳn toán học; mỗi con người có cả thế giới còn lại tồn tại trong người ấy; lỗi lầm là biểu hiện thực sự của một cá nhân;... Lối diễn đạt của Cocteau gợi mở đồng thời kiên quyết.
Tự nhận “lỗi thời” “lo lắng hão huyền”, Cocteau ngồi trước tác phẩm nghệ thuật của ông, trích dẫn dụ ngôn Thánh Augustine về các sự kiện thế hệ mình, và phát biểu, chủ yếu với giới trẻ trong tương lai. Sử dụng và lạm dụng kỹ thuật công nghệ là nội dung trung tâm bài nói chuyện của Cocteau: "Tôi hy vọng các bạn không trở thành robot, hãy trở thành người hơn. Cocteau đánh giá thế hệ mình “đang học làm robot”.
Cocteau quan tâm đến sự thống trị của hệ Esperanto (ngôn ngữ do nhà ngữ văn Ba Lan Ludwik Lejzer Zamenhof phát minh năm 1887, trên cơ sở tổng hợp ngôn ngữ châu Âu, nhằm tạo ra ngôn ngữ chung) trong kiến trúc “vẫn còn sai lầm lớn trong thời đại chúng ta”. “Xây cùng một kiểu nhà khắp nơi mà không chú trọng khác biệt khí hậu, môi trường hoặc cảnh quan”. Đây là tuyên bố theo nghĩa đen hoặc ẩn dụ về xây dựng xã hội, hoặc cả hai, Cocteau chỉ ra tình trạng một kiểu nhà lặp đi lặp lại đơn điệu là “nhà tù nhốt bạn hoặc doanh trại kiềm hãm bạn”. Cocteau trình bày hoàn cảnh hiện đại là “mâu thuẫn lắc lư” giữa con người và máy móc. Tuy nhiên, ông rất ấn tượng với sự tiến bộ của khoa học, lĩnh vực mà “con người làm điều phi thường”.

Cocteau và Picasso thân thiết (Vallauris, France, 1956)
Với Cocteau, “thiên tài đích thực” là nhà thơ. Ông muốn chúng ta hiểu rằng thiên tài thơ ca “không phải là thứ bệnh truyền nhiễm và đáng xấu hổ phải tiêm phòng”. Ông đặc biệt quan tâm việc truyền đạt về thời đại mình và hy vọng cho thế hệ sau. Cocteau ghi đoạn phim này trước tháng 8.1963. Ngày 11.10.1963, Cocteau bị sốc, đau tim và qua đời khi hay tin người bạn thân là nữ ca sỹ Édith Piaf đột ngột mất do đau tim cùng ngày. Jean Cocteau ra đi để lại gia tài nghệ thuật vỹ đại, kết thúc cuộc đời hoạt động sáng tạo không ngừng nghỉ dường như luôn tìm cách trả lời câu thách thức của người bạn là nhà hoạt động sân khấu ballet người Nga Diaghilev: Hãy làm tôi ngạc nhiên! 
Bộ phim cuối cùng, thông tin liên lạc cuối cùng với lớp người chưa sinh ra phù hợp với một trong những chủ đề lớn của sự nghiệp Cocteau: “cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, và sự cách biệt ngược ngạo trỗi dậy vì mối căng thẳng đó”. Trong thông điệp cho thời đại sau, ông dự đoán nhiều tình huống khó xử ở thế kỷ XXI giữa công nghệ và nhân văn, lịch sử và huyền thoại. Thật thú vị khi tưởng tượng người thời nay có thể mô tả thế hệ mình cho thế hệ sau ra sao, và như Cocteau, nói lên niềm hy vọng dành cho hậu sinh. 
Nghệ sỹ lừng lẫy của nước Pháp yên nghỉ dưới sàn nhà nguyện Saint-Blaise des Simples ở Milly-la-Forêt. Bia mộ Jean Cocteau khắc hàng chữ Je reste avec vous nghĩa là: Tôi ở lại với các bạn. Vâng, nghệ sỹ đại tài mong muốn ở lại với con người chứ không phải với robot. 


Tri Sơ tổng hợp

Lên đầu trang