Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Chạy trốn

Trịnh Sơn


(trích tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng)

(ảnh sưu tầm)
-    Người ta tự cho mình cái tài hiểu được lòng dạ người khác. Cứ ngỡ có thể lần dò tâm tính thiên hạ như lật từng trang sách. Sách vở chữ nghĩa ư? Đọc mòn cả gáy mẻ cả bìa còn chưa dám nói mình hiểu được mấy phần nữa là…
Ông đứng nghiêm, hai tay đưa thẳng ra trước, miệng lẩm bẩm từng lời. Tấm gương cao hơn đầu người chiếm gần hết nửa bức tường phòng quần áo phản chiếu ánh điện sáng choang. Bà đang cài từng chiếc khuy đính mề đay vàng đỏ kính thưa các loại lên ngực trái. Rồi ngực phải. Kín cả hai bên. Ông đứng im như tượng. Bộ lễ phục cao cấp đã được là phẳng phiu, vuông vức từng nếp ly. Có cảm giác, ruồi cũng không thể đậu nổi trên tấm áo ấy. Đời ông ghét nhất là ruồi bu kiến đậu, ghét nhì là bọn sâu bọ đục khoét xoèn xoẹt. Mấy mươi năm tại chức, ông chỉ còn lại bộ lễ phục thẳng thóm này. Không biệt thự, không xe hơi, không tài khoản ngân hàng. Mọi thứ ở đây, từ căn phòng chỉ để thay quần áo mà to hơn cái nhà tập thể ngày xưa cho đến bốn bề tủ gỗ gụ lên nước bóng mượt, cho đến bộ sa-lông chạm long ly quy phụng giá trị bằng mấy cây số quốc lộ, cho đến cả cơ ngơi nguy ngoa tọa lạc giữa khu biệt thự Đế Vương này, tất tần tật là do thằng con cả mang về.
-    Nghe đâu thằng Cả lại mới tậu du thuyền triệu đô à? Ông vẫn đứng nghiêm, hai tay giơ lên cao cho bà vuốt hai nách áo.
-    Ông báo đài mạng miếc suốt ngày thì biết chứ tôi ru rú biết gì. Du thuyền là cái gì, có ăn được không? Nạm vàng bạc kim cương chi mà đắt thế hở?
Bà bỗng thần người ra, lùi mấy bước, ngắm chồng. Tóc ông bạc phơ. Đồi mồi đang thừa thắng xông lên trên nước da hồng hào. Duy đôi mắt vẫn sáng rỡ như hồi thanh niên. Hai hàng lông mày cũng bạc.
-    Ừ. Không ăn được mới đắt. Thằng Cả làm gì chả thèm nói bố mẹ tiếng nào. Thiên hạ đồn um cả rồi mà tôi hỏi nó vẫn giấu. Ông xoay xoay người trước gương. Bà mở tủ nón lấy cái nón cối ấy. Cái nón thời tôi mới ở rú về.
Bà răm rắp làm theo. Đời bà, nhỏ nghe lời cha mẹ. Lớn nghe lời đảng. Lấy ông cũng là vâng lệnh đảng mà lấy. Lấy ông rồi thì nghe lời ông. Già, lại cúc cung con cháu. 
-    Mà này, đã nhắc ông bao nhiêu lần. Đừng gọi thằng Cả thằng Cả nữa chứ? Con mình dù gì cũng đã là cha ông thiên hạ. Lên truyền hình hằng ngày. Nhúng tay toàn việc quốc gia đại sự. Người đời phải gọi bằng cụ Cả, bằng ngài Cả. Ông gọi thằng này thằng nọ nhỡ ai nghe thì xấu hổ ra.
Nói cho có nói, bà biết ông chẳng bao giờ thay đổi được. Cha con nhà này như nước với lửa. Thể nào ông cũng lại làm ngay một bài dằng dặc bà đã gần thuộc lòng.
-    Xứ này vẫn còn chỗ để xấu hổ ư? Mở báo ra là cướp giết hiếp. Con đánh cha. Trò gạ tình thầy lấy điểm. Anh chị em ruột thịt vác dao tranh giành đất đai. Dân oan vật vạ chờ công lý. Cứ vào đồn công an là treo cổ tự tử… Đất nước này vẫn còn biết xấu hổ à? Chùa chiền miếu mạo như rạp cải lương. Tự xưng cường quốc thơ. Lũ trẻ bỏ học nhuộm đầu xanh đầu đỏ chực chờ hửi ghế thần tượng. Nhan nhản giáo sư tiến sĩ học giả tự hào mấy chục năm đã làm được cái ốc vít cho người ta…
Sáng nào, ông cũng chỉn chu trang phục như thời còn công tác, ra ngồi ở bộ bàn ghế đá hoa cương đen bóng trước sân nhà, dưới tán cây lộc vừng cổ thụ bứng nguyên gốc từ Tây Bắc về. Cái lap-top chứa cả thế giới trong ấy. Ấm chè vằn kế bên. Tìm được tin gì hay hay, ông lại gọi toáng lên giục bà chạy ra ngồi nghe ông đọc. Có hôm, bà thấy ông òa khóa nức nở như con nít mất kẹo trước máy tính.
-    Bà xem này. Nhìn cho kỹ cái bộ mặt thằng con mình dứt ruột đẻ ra này. Nhục. Nhục quá.
-    Đẻ con ra thì ông phải rõ nó hơn ai hết chứ? Chả nhẽ phải nghe người ta nói mới biết con mình thế nào.
Thì ra, một bài báo lề trái. Chẳng biết tự bao giờ, người ta đã mặc nhiên công nhận bất thành văn có báo lề trái báo lề phải. Nhiều đợt lề trái bị chặn, ông già cổ lai hy chẳng mấy rành công nghệ ngồi rị mọ mãi tìm cách vượt tường lửa. Bà chẳng hiểu tường lửa là tường gì, của ai dựng nên? Có giống rào kẽm gai chăng kín nhà tù đế quốc năm xưa nhốt ông bà và bao nhiêu đồng chí? Bên trong lúc nhúc những chiến sĩ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Người quyết tử thì đã cỏ xanh dưới mấy tấc đất rồi. Cái gì đang quyết sinh? Sao lại còn xây tường dựng rào giam hãm nhau giữa thời bình này? Thằng Cả có lần khuyên bố. Khuyên mà như tát nước vào mặt:
-    Bố đọc mấy thứ xuyên tạc ấy làm gì! Đã không ích gì lại nhỡ tiêm nhiễm thì khổ con khổ cháu. Rảnh thì tham gia mấy hội hè thơ phú cho vui. Thích hội nào cứ bảo, con sẽ lệnh ngay cho họ kết nạp bố, trao giải thưởng cho bố.
Ông đỏ mặt tía tai. Máu rần rần lên mặt. Ngày xưa, đối diện kẻ thù tàn nhẫn, cận kề cái chết trong gang tấc ông cũng chưa đến nỗi run rẩy thế. Lắp bắp.
-    Mày dạy khôn thiên hạ chưa đủ ư, còn muốn dạy khôn bố mày? Từng tuổi này mà bố mày chưa biết phân biệt phải trái à? Khiến mày sợ bố mày còn bị tiêm nhiễm à? Không lên mạng, làm sao biết thằng con mình xấu xa bỉ ổi, bị thiên hạ lôi cả dòng họ tổ tiên ra nguyền rủa? Làm sao biết cả đời mình đổ bao nhiêu máu xương để đổi lấy một đống vinh quang nhơ nhớp? Làm sao biết…
Ngày xưa với người này là vàng son, với kẻ khác là bóng chàm. Tâng bốc hay vùi dập quá khứ đều là cách xiết cổ nó. Thằng Cả cướp lời. Mặt mũi tái xanh.
-    Đấy, đấy, không tiêm nhiễm mạng mẽo là gì. Phải cấm tiệt.
Bà chẳng thể bênh ai. Tay vịn chồng mắt nhìn con. Đứa cháu nội đang đại học xen vào.
-    Không cấm nổi đâu bố ạ. Bọn cùng lứa con cũng phải mày mò tìm báo lề trái mà đọc, chứ báo lề phải chán ngắt, y hệt sách giáo khoa. Lề trái phanh phui tài sản nhà mình đều chính xác cả. Không đọc, làm sao con biết bố còn có bồ nhí là người mẫu chỉ bằng tuổi con. Làm sao biết bố tậu nhà lầu xe khủng cho mụ chân dài ấy…
-    A, a. Cả mày cũng thế à. Tháng sau, không cò kè đi ở gì nữa, cuốn gói qua Mỹ du học luôn nhé. Phản. Phản cả rồi.
-    Sao không cho nó sang Tàu, sang Cuba, Triều Tiên đồng chí mà cứ phải Mỹ đế quốc? Không phải mày mở miệng là thù địch với bọn tư bản giẫy chết à?
Ông khây khẩy. Thằng Cả đuối lý, nhưng không chịu thua. Con ông chưa bao giờ thua. Có khi, cái sự thắng thua của con ông không tính bằng lý lẽ, sự thật. Lồng lộng một thứ sức mạnh khác, của tiền tài, quyền lực, danh vọng chảy trong huyết quản nó.
-    Thằng Mỹ không dạy con cái phải nhất nhất nhìn mặt bố mẹ mà sống như ta, không phép tắc đến nổi ỉa cũng bắt buộc đầu tà ra trước đầu nhọn ra sau. Còn Tàu, Cu với Triều à? Sang đó, thà vào tù cải tạo cho nhanh.
Ông cháu với con. Thiên hạ bảo hai đánh một không chột cũng què. Đằng này, thương tích đến nhũn nhão tâm trí sau mỗi trận khẩu chiến là ông nội và đứa cháu. Thằng Cả mặt mày cứ nhơn nhơn. Đuổi vợ con ra xe hối hả về. 
Bà thườn thượt thở dài nhìn theo chiếc siêu xe có tài xế kiêm hộ vệ lướt ra khỏi cổng. Đấy, lần nào cũng vậy. Cãi vã có bao giờ ngã ngũ đâu. Thằng Cả về thăm chưa nóng đít, chưa kịp ăn bữa cơm với bố mẹ đã vội vàng đi.
-    Ngồi ăn với thằng con ngang ngược, ngu đần mà luôn tỏ ra nguy hiểm thế tôi nuốt làm sao trôi.
-    Ngày xưa, ông có ngang không? Có ai can được ông không? Tin thứ gì là bám víu vào thứ ấy như đĩa, có trầy vi tróc vẩy cũng mặc, đến chết mới thôi.
-    Tôi bám theo lý tưởng. Còn thằng hư hỏng ấy bám váy cái gì?
-    Bố có lý tưởng bố. Con có lý tưởng con. Cớ gì ông bắt nó giống ông? Với ông nó là đứa tham lam đổ đốn, nhưng thiên hạ xem nó như mặt trời mặt trăng. Chẳng phải ngày xưa nó mới rớt đại học, chính ông nhét nó vào cùng cơ quan rồi đôn đốc nó lên à? Phải chi cho nó rèn luyện học hành đàng hoàng thì đâu đến nỗi…
-    Tôi sai. Tôi sai rồi.
Ông đấm ngực. Xỏ giày, bước ra sân. Bà tựa cửa nhìn theo. Đời bà, hết nhìn theo chồng lại nhìn theo con. Ngoài cánh cổng to đùng hai xe hơi chui lọt ấy, thiên hạ có đủ chỗ cho lý tưởng của bố và lý tưởng của con? Hơn bảy mươi tuổi. Chiến tranh hòa bình sang hèn địch ta bà đã ngỡ đời mình chẳng thiếu gì. Chẳng phải bận tâm âu lo chi nữa, cứ thảnh thơi tận hưởng tuổi già an nhàn cùng chồng con cháu chắt, thi thoảng gặm nhấm ký ức như người ta đổi món ăn quen cho lạ miệng. Hóa ra, tâm trí bà chưa được nghỉ ngơi. Cứ phải mỏi mắt dõi theo từng bước xa dần xa của con lẫn hụt hơi mòn sức của chồng. Ông hơi chậm chạp hơn xưa, dĩ nhiên, nhưng là cái chậm rãi của kẻ hoài nghi, lạc hướng sau rất lâu hăng say chạy nhảy lao về phía trước. Mỗi ngày, không trừ thứ bảy chủ nhật, bà chăm bẵm ông từng ve áo. Cài cho ông từng ngôi sao, từng tấm huân huy chương lên ngực. Màu áo vẫn thế, vẫn thiêng liêng hồn sông vía núi như mấy mươi năm trước, nhưng người mặc áo đã có phần rúm ró. Ngày nào bà cũng là, tự tay bà là từng nếp xếp ly bộ quân phục cho thẳng thóm.
Ông hài lòng đón nhận sự chăm sóc của vợ. Bà hơn cả vợ, bà còn là đồng chí, đồng nghiệp, đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Có lần ông đứng ngắm bà là quần áo, ngắm rất lâu, trầm ngâm:
-    Ngẫm đi nghĩ lại, tôi thấy quần là áo lượt chẳng hợp với kẻ ngây thơ như mình, bà nhỉ?
Bà phá lên cười.
-    Ông mà ngây thơ à? Thế thì cả thiên hạ này còn trong bụng tôi.
Bà buộc miệng, nhưng ông không buộc tai. Mắt ông gằm xuống. Trán ông dô lên. Dáng vẻ này, bà làu làu đã mấy mươi năm. Với một vị chỉ huy chiến trận  lão luyện như ông, mỗi khi bức xúc, xấu hổ hoặc tức giận lắm, cứ muốn giấu khuôn mặt đi, nhưng lại không quên giương bộ não lên như vũ khí chuẩn bị ra chiêu đối địch.
Chuẩn bị ra chiêu không nghĩa là chắc chắn ra chiêu. Con người ta đánh đấm giết chóc hoài cũng tới lúc biết mệt. Cảm giác bất lực đẻ ra hy vọng, đẻ ra tha thứ, đẻ ra nhịn nhường. Dù lắm khi là hy vọng, tha thứ, nhịn nhường made in giả vờ. Ông lên mạng nhiều, blog, facebook, twistter đủ cả, lâu lâu chen vào mấy từ ngữ thời thượng như của bọn cháu nội, gọi là ngôn ngữ tin-tin. Kể ra, căn biệt thự sân vườn mênh mông thế, chỉ có hai vợ chồng già lủi thủi với nhau, còn cô bếp, anh làm vườn và cậu tài xế giữ phận kẻ hầu người hạ nề nếp, không tin-tin ngây ngây dại dại có mà điên sớm. Ông có hậm hực mấy, đấm ngực bỏ đi chưa đầy buổi là về. Về rồi lại chè vằn lap-top lên mạng vừa đọc vừa cười tủm tỉm hoặc nhăn mày nhíu trán đến hết ngày. Đã lâu, bà không thấy ông đọc sách. Nhà có hẳn một thư viện tủ đứng tủ treo toàn bằng gỗ quý đựng sách bìa cứng mạ vàng. Thi thoảng, bà vào phòng sách nhưng không phải để đọc, mà để xem bấy nhiêu chữ nghĩa ấy có còn đó không. Có đầy thêm hay mối mọt nuốt bớt? Bà tặc lưỡi bước ra, nhắc cô bếp quét bụi.
-    Hàng núi lẽ phải của một thời đấy mày ạ.
-    Thời nào hở bà? Có phải cái thời cô chưa có chồng, đường gần tôi cứ đi vòng cho xa không ạ?
-    Con này cũng thơ thẩn Nguyễn Bính Nguyễn Biếc ghê nhỉ? Hôm nào xin ông Cả giới thiệu mày vào hội nhà thơ nhá?
-    Ôi dào. Bà giết con đi thì hơn. Ông Cả đã hứa mai mốt cho con vào làm đánh máy ở cơ quan gì lớn lắm.
-    Thôi. Làm đi. Buôn chuyện như mày thì đánh cái văn bản dài tới Liên Xô à? Bà giả vờ nghiêm.
-    Liên Xô rã từ đời nào rồi, bà quên ạ? Con quét nhá. Mà cái thằng Nga nghe thiên hạ bảo cũng ngáp dài rã ruột rồi bà ơi. Xăng dầu rớt giá. Lão Pu-tin thế mà máu, đòi đẻ như Lạc Long Quân nước ta nữa chứ.
-    Lắm chuyện!
Bà nạt. Mấy chuyện Nga nghiếc bà chẳng lạ, ngày nào ông cũng ra rả dăm bảy lần.  Cô bếp cười phơn phởn dạ dạ vâng vâng, qua loa ba bảy hăm mốt nhát chổi rồi chuồn xuống bếp. Với cô, bếp núc mới là thiên đường. Sách quý thật, cô nghe thiên hạ bảo vậy. Nhưng quý thế nào thì cô không rõ, và càng không tin, vì quý thì chẳng ai bỏ bê quanh năm suốt tháng vậy. Lâu lâu, cô lén lôi một cuốn dày cộm về nhà. Con em họ cô bán xôi đỗ dạo bờ hồ. Gớm, nó còn chê loại giấy dày bóng loáng khó gói xôi. Thứ nếp dẻo dinh dính chuộng mặt giấy mỏng mịn hoặc thô ráp hơn.
Không dưng nhắc tới Pu-tin tận nước Nga xa xôi, cô bếp bừng bừng má. Ông Cả mới thật là ông chủ của cô. Trả lương cho cô, ban phát ân huệ cho cô. Hơn mười năm trước, cô là tạp vụ cơ quan, ông Cả là thủ trưởng. Một buổi trưa nóng bức, cô lau chùi bàn ông Cả, chạm phải con chuột thế là màn hình vi tính bật lên. Cô không dám tin vào mắt mình, trên màn ảnh, một người đàn ông đang quần thảo mấy cô gái. Trần truồng, man rợ. Con đực hùng hục giã chí mạng lũ cái. Cô ngồi phịch xuống cái ghế nệm êm của thủ trưởng, hai tay bấu chặt tay vịn, mồ hôi vã ra. Người đàn ông vai chính trong đoạn phim tởm lợm kia chính là vị thủ trưởng đạo mạo quyền uy. Càng tởm lợm, càng giống súc vật lại càng đánh thức thèm muốn, càng khiến người ta thích thú. Cô tìm nút vô-lum vặn to to dần cho tới khi âm thanh hưng hức rên rỉ quỷ ám thúc mát mẻ vào từng sớ thịt, thúc ẩm ướt tận chốn sâu thẳm nhất của người đàn bà ba mươi chưa chồng. Trưa, cơ quan nghỉ hết. Có lẽ ông Cả quên tắt máy trước khi về.
Không. Ông Cả chưa về. Ông đang xem lại chiến tích dở chừng thì vào nhà vệ sinh. Đang nhắm nghiền mắt tận hưởng khoái lạc cô độc trên la-va-bô như dũng sĩ quất ngựa giữa chốn ba quân thì bỗng dưng âm thanh he hé to lên. Ông đã tắt tiếng rồi mà. Khe khẽ mở cửa, ông thấy cô Hoa tạp vụ đang ưỡn ngực trước màn hình máy tính của ông, nhấp nhổm ngoáy mông trên cái ghế thủ trưởng đen bóng bọc da cá sấu Amazon của ông. Hai tay cô giấu hết vào tiếng rên rỉ của ông và bọn chân dài trong phim.
Kể ra, cô Hoa tạp vụ cũng chẳng đến nỗi nào. Nhất là lúc này. Ông không phải nín nhịn vì có cuộc họp cực kỳ quan trọng chiều nay mà quất ngựa một mình trên la-va-bô nữa. Ông nhón chân như con hổ rình mồi, cho tới khi hơi thở nóng bừng của ông phả vào gáy toát mồ hôi của cô Hoa tạp vụ giữa căn phòng có máy điều hòa mát rượi.
Cô Hoa tạp vụ giật nảy mình. Máu trong người tưởng chừng đang rưng rức bốc hơi bỗng dưng đông cứng lại. Toàn thân cứng đơ.
Cái ghế chầm chậm xoay lại. Chưa bao giờ cô Hoa tạp vụ thấy mình nặng nề đến thế. Trước mặt cô là ông Cả lừng lững như tượng. Cô không dám ngẩng cằm lên nhìn mặt sếp. Sau lưng cô, sếp vẫn đang hùng hục như con bẹc-giê chồm lên mông mấy em chân dài quằn quại rên xiết trong màn hình. Trước mặt cô, khóa quần sếp mở toang.
Mông cô Hoa tạp vụ len lén trượt từng mi-li-mét khỏi mặt ghế. Có những cái len lén trở thành tư thế quỳ rất đẹp, không cần đạo diễn. Ông Cả ngửng mặt, nhắm mắt. Đáng nhẽ trưa nay ông được nghỉ ngơi, tạm nghỉ ngơi với màn độc diễn trước gương trong nhà vệ sinh nhưng chẳng được. Thiên hạ không muốn ông lấy lại sức. Thiên hạ bắt ông phải mở phong bì. Phong bì của cô Hoa tạp vụ giờ phút này cũng đầy ắp có khác gì quà cáp sực nức nước hoa của bọn cấp dưới lại quả dâng biếu. Có khi còn hơn.    
Thì, cái miệng nào chả giống cái mồm nào. Cũng lưỡi, cũng răng, cũng môi, cũng lợi. Thế mà mụ Cả vợ ông lại nằng nặc tỏ vẻ thanh cao, chưa bao giờ cho ông cái diễm phúc được xâm chiếm vòm họng của mụ. Ông đã xâm chiếm tất tần tật mọi thứ ông muốn, chỉ trừ cái miệng làm như thanh sạch lắm ấy. Thơm tho à? Sạch sẽ à? Cái gì ăn vào được miệng chẳng thơm chẳng sạch, chỉ có cái từ miệng thải ra mới hôi thối dơ bẩn.
-          Cắn chặt răng vào, mạnh vào, đấy, đấy, không đau, không đau chút nào…
Cô Hoa đã hết ngại, nhưng vẫn còn sợ. Ông Cả túm tóc cô kéo giật lên, cô cũng không dám la.
-          Khoan đã nào. Thế, úp vào bàn như thế. Không, không được xoay mặt chỗ khác, phải nhìn thẳng vào ảnh. Đấy…
Cô Hoa chưa kịp ngạc nhiên tại sao ông Cả lại bắt cô phải ưỡn mông cúi gập người lên bàn, mắt phải chằm chằm nhìn vào tấm ảnh bà Cả cười mỉm thanh lịch thì một mũi đinh đóng thẳng vào hậu môn. Ối giời ơi. Ối cụ ơi. Lỗ đít là cửa ra chứ có phải cửa vào mà ông Cả phầm phập lao vào? Chỗ cô cần sướng thì ông Cả không ngó ngàng tới. Cái đau ban đầu dịu dần. Bà Cả thanh tú, dịu dàng đang nhìn cô. Mấy lần gặp bà Cả đến cơ quan chồng, cô đều đứng chết trân. Gớm, sao có người sang trọng, quý phái đến thế? Chẳng bù cho cô lúc nào cũng đầu tắt mặt tối vục mặt xuống bồn cầu, sàn nhà, sọt rác. Nhưng, sao bà Cả lúc nào cũng buồn rười rượi? Mắt bao giờ cũng như chực khóc. Hun hút.
Chừng mười lăm phút. Ông Cả gieo vào ruột già cô Hoa tạp vụ thứ quý giá của đàn ông, tưới vào tai cô những câu chửi rủa, chì chiết mà lúc ấy cô chẳng hiểu nổi. Tiên sư nhà mày, con đĩ đội lốt ni cô. Ngoan hiền này. Phép tắc này. Đạo đức này… Mỗi tiếng này như búa nện ấy, về sau cô hoa tạp vụ mới biết không phải dành cho cô, mà cho bà Cả vẫn đang nhoẻn môi cười buồn buồn trong tấm ảnh trên bàn.
Ông Cả ngồi phịch lên ghế thủ trưởng. Cô Hoa tạp vụ vội vàng kéo quần, vuốt tóc. Vẫn còn sớm, chưa ai đến cơ quan. Lão bảo vệ chắc đã đi kiếm cơm bụi ngoài phố chưa về. Cô tạp vụ chẳng biết phải làm gì nữa, ngồi bệt trên sàn. Xem phim truyền hình, cô thuộc lòng cái cảnh gái trinh khóc rấm rứt sau khi mất cái ngàn vàng. Ngần tuổi này, cái ngàn vàng của cô còn nguyên chưa ai buồn lấy. Chả nhẽ cô nước mắt ngắn nước mắt dài vì mấy lợn cợn vàng ông Cả vừa lấy? Cô len lén nhìn sếp rồi cụp mặt xuống ngay. Sau cơn vỡ trận, ông Cả trở lại nét nghiêm nghị thường trực. Mặt thản nhiên như không.
-          Này. Cô biết phải làm sao rồi chứ? Ông luôn gọi cấp dưới là này.
-          Vâng. Nhà cháu biết rồi ạ.
Cô Hoa lí nhí. Cô cũng chẳng biết ông Cả muốn cô biết gì và cô đang biết gì. Cứ trả lời đại như thế. Ông Cả tắt máy tính, chỉn chu bước khỏi cửa, không quên dặn cô tạp vụ tắt điều hòa. Căn phòng trở lại như cũ. Cô Hoa nhét tay xuống mông. Rát buốt. Nhúm thịt non cộm lên. Lỗ đít cô đã khác, cuộc đời cô chắc cũng sẽ khác.
Dăm buổi trưa thế nữa, cô Hoa tạp vụ được ông Cả đưa về nhà bố mẹ ông làm bếp. Lương cao gấp mấy, lại nhàn nhã, ăn sung mặc sướng hơn nhiều. Lâu lâu ông Cả gọi đến nhà ông, cớ là giúp dọn dẹp khi bà Cả đi vắng. Mỗi lần về, cô Hoa sướng run vì cái ví đầy lên. Nên mỗi lần đi, cô đều cẩn thận tắm rửa sạch sẽ, kỳ cọ đến mòn nhẵn xương cụt. Ông trời chẳng cho cô tài cán, nhan sắc bõ bèn gì với thiên hạ, may mà còn ban cho cô cái phao câu làm cần câu cơm.

Ông đi như đứa trẻ. Bộ quân phục dung dăng dung dẻ. Mỗi lần cảm thấy cơ ngơi hào nhoáng đồ sộ sau lưng như một vết thương, ông lại đi, mà chẳng biết đi đâu. Chẳng thể giấu nổi mình. Thiên hạ lướt qua ông như những vị quan tòa. Thiên hạ ai cũng có búa có roi trong túi áo, cứ như chỉ mình ông với đống sao trên ngực là tội phạm.
Đi chán, ông ngồi.
Ngồi chán, lại đi.
Đầu đường xó chợ quen mặt ông. Hễ gặp là họ tỏ vẻ kính cẩn, cúi đầu một chào cụ hai cũng chào cụ, càng khiến ông chán ghét hơn. Thà họ cứ xỉ vào mặt ông mà chửi có khi ông còn thấy dễ chịu hơn.
-          Á, cướp… cướp…
Tiếng hét thất thanh ngay trước mắt. Ông dụi mắt. Một chiếc xe phân khối lớn chở hai thằng choai choai đầu xanh đầu đỏ vù đi, bỏ lại mùi khói nặc và một cô gái ngã sõng soài trên đường.
-          Cướp. Chúng cướp giỏ xách của tôi rồi. Giời ơi là giời. Mất hết rồi. Giấy tờ, tiền…
Nạn nhân bù lu bù loa. Người trên phố tụ lại. Họ xì xầm bàn tán. Họ ồn ào chỉ trỏ. Ai đó định đõ cô gái dậy thì có người cản:
-          Ngu thế. Đứng xa xa mà nhìn chứ dây vào mang họa à? Muốn ách giữa đàng lại mang vào cổ à? Trộm cướp, đã có chính quyền. Không phải việc của mình. 
Ông rẽ đám đông đi vào. Người ta đang cơn tò mò, chẳng ai muốn nhường chỗ nhìn ngó cho ai. Có lẽ, họ nhường lối cho ông vào chỉ vì bộ quân phục sáng ngời của ông.
-          Đấy, có nhà nước rồi đấy. Ta đi thôi. Cướp giật nhan nhản suốt ngày, chẳng còn biết phép tắc gì nữa.
-          Mà sao có mặt nhanh thế nhỉ? Mọi khi gọi đường dây nóng, chờ đợi bở hơi tai vẫn chưa thấy.
-          Chắc chả phải. Trông lão già này cứ như tâm thần ấy.
Đám đông tản đi. Ông nhè nhẹ nhặt kính, nhặt mũ rồi xoa xoa vai cô gái. Một bên mặt cô cà xuống đường, máu tóe ra. Nhưng vết thương thịt da không làm cô đau đớn bằng việc mất sạch mấy triệu bạc cả đêm qua cô cắn răng hì hục “đổ mồ hôi háng” mới có. Mẹ bệnh nặng, cô bỏ bán xôi bờ hồ vào viện chăm. Hết tiền. Bệnh viện sắp đuổi. May mà có bà chị họ mách nhỏ:
-          Có dám hy sinh vì mẹ không? Tôi bày cách cho.
Bà chị họ không cho vay tiền, nhưng dư dả màu để vẽ chân dung Thúy Kiều cho cô em túng thiếu. Cô nhắm mắt gật đầu.
-          Nhưng, em trót dại cho thằng bồ cũ cái ngàn vàng từ khi mới lớn. Làm gì còn cái gì để…
-          Ngu thế. Thời nay, ai còn mê mẩn cái ngàn vàng nữa, cổ lổ sĩ lắm rồi.
Người ta nhắm mắt đưa chân. Còn cô nhắm mắt đưa đốt xương cụt cuối cùng. Chó cắn áo rách, đồng tiền chưa bén hơi cô thì kẻ cướp đã lấy mất. Nghĩ đến mẹ già đang co ro đau đớn trong viện, nghĩ đến tương lai mịt mờ phía trước, không dưng hạ bộ cô lại nhói lên. Khiếp, cái gậy của lão khách sộp ấy không phải vừa.
-          Thôi nào, vào quán nước ngồi nghỉ tí rồi tính tiếp.
Ông an ủi. Cô nhìn chằm chằm ông già mặc bộ quân phục đầy sao. Hao hao một gương mặt nào đó cô đã gặp.
-          Cháu mất hết rồi, cụ ơi.
-          Thì, ai chẳng có lúc mất. Bình tĩnh nào.
Đang gượng người dậy theo cái dìu yếu ớt của ông già, đầu óc cô chợt sáng hẳn ra. Quay ngoắt 360 độ.
-          A, em vẫn còn… Anh mua giúp em nhé. Đảm bảo mới dùng một lần. Thích lắm.
Ông run rẩy, buông tay, thối lui.
-          Đạo đức giả. Thế thì bà cho mày thành cướp luôn.
Cô gái tóc tai rũ rượi bỗng dưng hét toáng như cái loa phường. Hai tay túm tóc ông.
-          Cướp, cướp, bớ người ta…
Thiên hạ lại một phen tụm lại như cái vòng tròn quanh cô gái. Họ cứ ngồi trên xe, chống chân, hết nhìn cô gái lại nhìn theo bóng người vùng chạy khập khiễng xa dần. Khói bụi mù mịt. Phố xá ồn ào. Nhưng thiên hạ vẫn có thể nghe kẻ đang hớt hãi trốn chạy trốn đám đông. Vừa chạy vừa hét:
-          Cướp. Cướp. Cướp…
Đám đông tặc lưỡi. Loạn cả rồi. Chẳng biết ai là cướp nữa. Thôi, giải tán nào.

TS.  






Lên đầu trang