Trần Minh Lương
Nhớ nhà
Nhớ nhà con về phía núi
Thấy ai vác rìu ngược dốc
Như cha năm nào tìm đốn nỗi buồn
Nhớ nhà con về bên sông
Ngại ngần đứng trước những người đàn bà cõng muối
Nhớ nhà con về giữa phố
Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng
Bầy kiến mớ ngủ trên trang sách đời sờn gáy
Nhớ nhà con đi một mình
Hai bàn chân quên hỏi
Cánh diều ấu thơ mắc dây vào đầu gối
Không tên
Không tôi
Không tuổi
Nhớ nhà con không về nhà
Cứ ngửa mông chờ cây roi ngày xưa quất bầm kỷ niệm
TS.
Lâu nay tôi cứ luôn ám ảnh rằng, những cây bút trẻ làm thơ chẳng cần cấu tứ, chẳng cần tiết chế. Họ cứ văng mạng ra hết thảy những điều họ muốn nói, chẳng cần phải giữ kẽ. Như vậy cũng thích. Vì dường như lớp trẻ đã quá chán ngán với sự giả tạo, sự dối trá, sự lươn lẹo của câu chữ và nhất là sự nhạt, nhảm đầy rẫy trong những câu thơ xưa cũ chăng? Họ có lý đấy chứ! Nhưng, dù là người rất thích đọc thơ trẻ, tôi lại ngán cho các xu hướng cực đoan. Họ dường như hiện đại đến mức chẳng cần đến người đọc nữa. Điều ấy cũng chẳng sai, vì đã qua rồi cái thời văn chương, thơ phú phải hướng đến đại chúng, phải hướng đến một mục đích nào đó. Họ viết như chỉ để ve vuốt, thỏa mãn chính bản thân. Cũng chẳng có gì đáng trách, vì thơ là sản phẩm tinh thần đặc thù của cá nhân, không phải của đám đông. Chết cái là, cứ hướng nội mãi, loanh quanh một hồi, rồi sa vào rối rắm, tắc tị, rồi thế nào cũng lại dẫm lên vết bùn “nhàm, nhạt, nhảm” truyền thống, dù cố gắng vẫy vùng chọn cho mình con đường đi khác…
Trịnh Sơn cũng là một nhà thơ trẻ, khá nổi tiếng trong vài năm gần đây. Anh hiện đại, dĩ nhiên rồi. Nhưng, tôi khá bất ngờ với bài thơ Nhớ nhà của anh in trong báo Văn nghệ. Vì cái vẻ đẹp cổ điển đến kinh ngạc trong cấu tứ, cảm xúc ở Nhớ nhà và vì cái cổ điển của Trịnh Sơn lại rất hiện đại. Thật lạ là, những khổ thơ ba câu của Trịnh Sơn không hề gây cho tôi cảm giác thiêu thiếu, mà chúng chỉ gợi ra những liên tưởng miên man. Nó cứ bắt tôi phải đọc đi, đọc lại mãi. Mỗi lần đọc, lại như phát hiện ra một điều gì đó, thật mới lạ, dù có khi chúng mâu thuẫn, đối nghịch nhau, phủ định nhau …
Từ cổ chí kim, người ta vẫn hay nói về nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Nhớ nhà châm điếu thuốc – Khói buồn dâng lên mây … Hay như: Quê hương khuất bóng hoàng hôn – Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai … Đại khái, đa phần là sương, là khói lãng đãng, dễ mê, dễ dụ con người ta. Về sau này, các nhà thơ đã cố gắng thoát khỏi những cái mang tính ước lệ để đi vào những gì thực chất, gan ruột hơn. Và, Trịnh Sơn cũng vậy. Thì nhớ nhà cũng rất cụ thể, thông thường như bao người khác thôi: cũng là nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ phố phường, quê hương xứ sở và nhớ đến bản thân với những kỷ niệm ấu thơ. Nhưng cái hay, cái đạt ở những câu thơ của Trịnh Sơn là cái nhớ nào cũng được cô lại, dồn nén lại, để hướng đến một sự gợi mở. Một sự gợi mở dữ dội, bạo liệt, như muốn giật toang cánh cửa phòng cất giữ, giam hãm những ký ức buồn, vui, những khuất khúc … Đấy là thủ pháp kinh điển của những người làm thơ có nghề. Nhiều người biết và vận dụng, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Còn Trịnh Sơn ở bài thơ này thì quả là cao tay.
Thật vậy!
Hãy đọc và ngẫm nghĩ xem Trịnh Sơn nói gì trong nỗi nhớ người cha:
Nhớ nhà con về phía núi
Thấy ai vác rìu ngược dốc
Như cha năm nào tìm đốn nỗi buồn
“Nhớ nhà con về phía núi ” thì đúng là cổ điển thật. Nó mang âm hưởng, hồn vía của những ca dao, dân ca. Cái dáng “vác rìu ngược dốc” dù thật ấn tượng, nhưng cũng dễ khiến cho ta lầm tưởng Trịnh Sơn ám chỉ đến một nỗi cơ cực, kiểu như: Gánh cực mà đổ lên non – Cong lưng mà chạy, cực còn chạy theo … Nhưng hóa ra không phải. Cái hình ảnh “tìm đốn nỗi buồn” đưa đến cho ta một thông điệp về thân phận con người, về thời cuộc, về những ẩn ức thế sự. Tôi không muốn đi sâu vào chuyện này, không phải vì sợ rằng mình sẽ sa vào lối bình thơ theo kiểu tán nhảm thường thấy. Tôi chỉ muốn mọi người hãy hiểu cái nhớ này của Trịnh Sơn theo cách cảm của chính mình … Tôi chỉ đoán chắc một điều rằng, đây không phải là hình ảnh của một người nông dân, một người tiều phu, dù mang cái dáng “vác rìu ngược dốc”. Người tiều phu có mang rìu đi “tìm đốn nỗi buồn” không, hay muôn đời sống cùng với nó như nông dân miền Tây sống chung với lũ? Ai đọc truyện chàng tiều phu vĩ đại nhất là Thạch Sanh khi xưa, có thấy chàng “tìm đốn nỗi buồn” không, hay chỉ than thở “Đàn kêu tích tịch tình tang – Ai đem công chúa dưới hang cho mày …” và đợi chờ giải thoát?
Rồi Trịnh Sơn nhớ mẹ:
Nhớ nhà con về bên sông
Ngại ngần đứng trước những người đàn bà cõng muối
Mồ hôi mẹ rơi mặn từ thuở ấy
Đúng rồi, nhớ mẹ thì về bên sông để cảm nhận hết vị mặn mồ hôi của đời mẹ cơ cực. Y như truyền thống cảm xúc từ bao đời của dân ta: “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Thật logic và hợp lý như kiểu giải một bài toán. Nhưng chính cái tâm thế “Ngại ngần đứng trước những người đàn bà cõng muối” của người thơ làm cho khổ thơ không còn sự cứng nhắc, nhàm chán của khuôn phép nữa. Cái Ngại ngần này nói lên được biết bao nhiêu cảm xúc và nhận thức.
Và, Trịnh Sơn nhớ kỷ niệm ấu thơ:
Nhớ nhà con đi một mình
Hai bàn chân quên hỏi
Cánh diều ấu thơ mắc dây vào đầu gối
Nhớ chính mình với “Cánh diều ấu thơ mắc dây vào đầu gối” thì làm gì mà cần phải hỏi nhỉ. Có lẽ quên hỏi cũng chỉ là một cách nói, nhưng không hỏi thì hợp lý hơn chăng? Cũng chẳng quan trọng gì, vì khổ thơ này đã hoàn thành nhiệm vụ gieo vào lòng người đọc một ấn tượng đẹp, một cảm xúc đẹp rồi. Còn mong gì hơn nữa.
Trong bài thơ này, tôi cứ băn khoăn với ba câu thơ: Nhớ nhà con về giữa phố - Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng - Bầy kiến mớ ngủ trên trang sách đời sờn gáy … Có chút gì đấy hơi sáo, cái bầy kiến mớ ngủ trên trang sách đời sờn gáy … ấy. Có lúc tôi nghĩ nó như là một hạt sượng trong nồi cơm gạo mới lúc mùa màng. Cũng giống như một thực tế hiển nhiên rằng, không thể có một chân lý tuyệt đối, không thể có một cái đẹp hoàn mỹ, không tỳ vết. Đến tượng thần Vệ Nữ thành Milo còn chẳng dung nổi cánh tay của mình nữa là. Nhưng cũng có thể đây là chủ ý nghệ thuật của người làm thơ chăng? Còn gì hơn là cách dùng một hình ảnh sáo, cũ để diễn tả tâm trạng lạc lõng giữa mọi sự hời hợt, và nhàm chán, cũ kỹ, không lối thoát?
Đoạn kết của Trịnh Sơn khiến cho tôi nhớ lại những câu thơ một thời đã từng ăn vào máu thịt thế hệ mình trong bài thơ Quê Hương nổi tiếng của nhà thơ Giang Nam:
Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn, roi …
Có lẽ Trịnh Sơn chịu ảnh hưởng của chúng chăng? Nếu quả đúng vậy thì cũng rất đáng mừng cho nhà thơ trẻ vì biết kế thừa, phát triển những tinh hoa của cha anh. Ngày xưa Trần Đăng Khoa cũng chẳng đã thừa hưởng cái tứ “Biển và Em” của Chế Lan Viên trong “Rét đầu mùa nhớ người phía bể” để viết nên “Thơ tình người lính biển” tuyệt vời lãng mạn đó thôi. Còn Trịnh Sơn thì sao:
Không tên
Không tôi
Không tuổi
Nhớ nhà con khôngvề nhà
Cứ ngửa mông chờ cây roi ngày xưa quất bầm kỷ niệm
Với ba cái không đầu tiên được ngắt nhịp một cách dứt khoát và mạnh mẽ, tôi ngờ rằng tác giả muốn thể hiện một sự khẳng định chắc nịch nào đó của mình. Không tên- Không tôi - Không tuổi … Không đối tượng cụ thể, không định kiến chủ quan, không cột mốc thời gian … Vậy thì nó là sự phổ quát chung cho mọi người,mọi thời đại chăng? Cái “quất bầm kỷ niệm” của Trịnh Sơn cũng đầy cảm tính như thơ Giang Nam. Nhưng, cái đòn roi của Giang Nam đã được thi vị hóa lên rất nhiều, còn ở Trịnh Sơn nó thật hơn. Cái chữ bầm này gây cho tôi cảm giác nhục thể đến giật mình thon thót mỗi lần đọc đến nó. Còn “Nhớ nhà con không về nhà - Cứ ngửa mông chờ cây roi ngày xưa …” thì mang lại cảm xúc về một vẻ đẹp sáng tạo rất lý tính. Nó mang dấu ấn cá nhân rất mạnh mà tôi nghĩ có lẽ nên gọi nó là“thương hiệu Trịnh Sơn” vậy ? Vì, “Nhớ nhà con không về nhà …” thì thật lạ lùng, nó như muốn đi ngược lại cái lôgic cảm xúc, tâm lý truyền thống. Tại sao nhớ nhà lại không về nhà? Có phải mọi sự đã gắn chặt, đã hằn sâu, đã mang sẵn trong tim, trong óc rồi chăng? Chàng thi sĩ này muốn nói đến sự dấn thân hòa nhập với cuộc đời chăng? Có lẽ đã nhận được rất nhiều những nhát roi cay đắng của cuộc đời, vì vậy mà chàng không chút chạnh lòng ngửa mông chờ cây roi ngày xưa quất bầm kỷ niệm … như là một sự chia sẻ? Và tôi nghĩ, với những cảm nhận về cha mẹ, quê hương và bản thân như vậy, rõ ràng Trịnh Sơn đã đủ trưởng thành để nhận thức đầy đủ cái ngọt ngào, thi vị để “ngửa mông chờ cây roi ngày xưa quất bầm kỷ niệm”.
Vẻ đẹp tự thân của những con chữ dồn nén trong Nhớ nhà cũng đủ làm cho nó trở thành bài thơ hay rồi. Nhưng bài thơ nói về nỗi nhớ nhà, nhớ về những kỷ niệm của một thời, cũng chỉ là cái cớ để nghiêm khắc nhìn nhận lại bản thân, định vị lại chỗ đứng của mình, để từ đó chiêm nghiệm và thấm hiểu con người và cuộc đời hơn. Một người trẻ mà biết ngoái lại, ngắm nhìn và suy ngẫm thì thật tuyệt vời. Hắn ta chắc chắn sẽ còn tiến rất xa.
Vũng Tàu, tháng 8 năm 2013
T.M.L
Nguồn: Văn Nghệ
(*) Trần Minh Lương chính là nhà thơ Lê Xuân Hòa, tác giả tập Những đồng xu mừng tuổi