Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Về entry cuối cùng của Mẹ Nấm

Trần Vỗng Viên


"Qua 10 ngày và 9 đêm mất tự do, tôi tuyên bố mình bỏ cuộc". Một sự ra đi rất đỗi bàng hoàng, lòng người sóng động. Entry cuối cùng, Chị viết bằng tay trái hay tay phải, khi cả 2 lề trái và lề phải của con đường đất nước, người ta đã thi công đào đào lấp lấp liên tục đến chóng mặt
. Bao nhiêu con người đã trượt chân té ngã. Thiên hạ bàn dân ngó vào, chỉ biết tặc lưỡi lắc đầu. Kẻ hảo tâm, dừng xe lại, chìa bàn tay ra đỡ người bị nạn đứng dậy: - Thôi, lần sau phải cẩn thận hơn, đừng lơ đễnh nữa!
Yêu nước, làm gì có phân biệt lơ đễnh hay cẩn thận chứ? Yêu nước, là bản năng, là tín ngưỡng, là nhân cách. Bộc lộ tự nhiên. Không so đo toan tính. Không kỳ kèo ngã giá.

Bước ra đường, hỏi một đứa bé :
- Có biết Mẹ Nấm không?
- Không. Mẹ Nấm là ai?
- Một người ĐÃ yêu nước!
Bước ra đường, hỏi một cụ già :
- Có biết Mẹ Nấm không?
- Không. Mẹ Nấm là ai?
- Một người ĐÃ yêu nước!

Rất nhiều người dân chân lấm tay bùn, thật thà chất phác, mỗi ngày còng lưng với cơm áo gạo tiền, kiếm ăn từng bữa thì còn thời gian đâu mà biết Mẹ Nấm, Hoàng Sa- Trường Sa?
Lịch sử đã đem cái oai hùng thiêng của cha ông để truyền dạy cho con cháu, chông tre Ngô Quyền. Cá kình biển Đông... Vẫn còn đấy, vẫn còn...
Bước ra khỏi cuộc cờ bấn loạn (còn gớm ghê hơn là rối loạn), hẳn Mẹ Nấm đã yên thân trong một tâm thế khác? Lời trối trăn cuối cùng ấy, là kết thúc tất cả hay lại là mở đầu cho một tuồng bi-hài kịch mới mà tất cả chúng ta nhàm chán đợi chờ?

Nhắc Mẹ Nấm, lại nhớ đến bài thơ 45 năm trước của Trần Đình Lương, đăng trên Đặc san Tổng hội sinh viên Sài Gòn năm 1964 :
XIN LÊN TIẾNG VỚI TÔI
ngồi đây mà triết lýthế chấp nhận hòa bìnhngồi đây mà ngủ kỹtrước thực tế chiến chinh ?ta nói cho ta biếtsự gục mặt đê hènđang sống như đang chếtđang ngụp giữa bùn đenphương trời này khói lửa"nỗi chết ấy không rời"quay lưng không thể đượcxin lên tiếng với tôi
(Được in lại trong tập Hải Đảo, năm 2004, Nxb Văn nghệ, TP.HCM)
Trần Đình Lương tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ Diệm đòi hòa bình cho Việt Nam ở Sài Gòn. Nhúng thân vào lửa, làm sao giữ mình cho khỏi cháy? Làm sao vẹn nguyên người ngợm? Năm 1966, anh bị bắt và đày ra đảo Phú Quốc, trải nghiệm cuộc đời bằng tấm lòng chân thật của một đứa con luôn hướng về Tổ Quốc. Bài thơ "Xin lên tiếng với tôi", 45 năm, không cũ. Nỗi cô đơn hụt hẫng đeo bám lý tưởng. Ai sẽ lên tiếng? Ai còn lên tiếng? Cách mạng Việt Nam đã lên tiếng. Cụ Hồ đã lên tiếng. Đảng Lao Động Việt Nam đã lên tiếng. Con Lạc cháu Hồng đã lên tiếng. Đất nước thống nhất, Trần Đình Lương lại làm người ra đi... Anh biết, tiếng gọi của mình đã không còn là tiếng gọi nữa, mà đã trở thành tiếng vang vọng.
Mẹ Nấm có thể so sánh với Trần Đình Lương không? Nhìn tấm ảnh Chị ôm con gái sau 10 ngày 9 đêm hốt hoảng, có ai không khỏi chạnh lòng xa xót  ? Một con người, rốt cuộc còn lại gì? Ấm no, Hạnh phúc. Tự do, Dân chủ. Ước vọng ấy, truyền đời từ Bà Trưng Bà Triệu, con voi lún sâu vào vũng bùn thời cuộc chính vì sức nặng của nó. Mẹ Nấm ơi! Bé Nấm ơi! Con voi trong vườn bách thảo làm trò đùa cho khách mua vui. Con hổ của Thế Lữ cóng róng cô độc nỗi nhớ rừng. Con ngựa hồng của Phạm Duy có cái kết cục bi thương biết bao nhiêu? Voi, hổ, ngựa,... cũng chỉ là thú, là thú cho người ta cỡi thôi.
Entry cuối cùng, có máu và nước mắt. Entry cuối cùng, có bùn và sen. Entry cuối cùng, có hình chữ S co ro ôm bào thai Âu Cơ...
Nên, chúng ta nên và phải làm gì cho Mẹ Nấm? Tiễn một người về. Và, nên có một khúc ca cho Chị :
- Có biết Mẹ Nấm không?
- Không. Mẹ Nấm là ai?
- Một người ĐÃ yêu nước!
Ngày 15/09/2009
T.V.V

Lên đầu trang