Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Sống là gây hại

Hồ Anh Thái
Minh họa: Kim Duẩn
(tiểu luận)

Sống là gây hại. Nghe có vẻ một định kiến hơn là một kết luận chặt chẽ.

Giới viết văn vốn là một giới gây tốn giấy tốn mực. Đấy cũng là một định kiến chứ giới viết văn có lẽ cũng chẳng làm hao tổn giấy mực hơn cánh bàn giấy văn phòng trên thế gian này. Tài liệu hồ sơ báo cáo của văn phòng chất lên phải thành dãy Himalaya chứ không ít. Trong giới văn chương, người ta vẫn thường đùa những người viết nhiều viết khỏe là sát thủ cây cối. Thì cây rừng đang bình yên, mà người ta phải chặt phải đốn, rồi người ta vận chuyển gỗ về nghiền ra chế biến thành bột giấy, thành giấy, giấy ấy in sách của nhà văn.

Sát thủ cây cối. Thậm chí có người tức giận với những cuốn sách kém cỏi, phải thét lên: Đừng có tàn sát cây cối nữa. Stop killing the trees. Người ta dẫn ra chuyện cây cối đang bảo vệ môi trường, đang là lá phổi thiên nhiên, đang ngăn chặn những dòng nước lũ, thế mà phải chặt cây, núi đồi trọc lốc nham nhở, để phục vụ cho mấy tên làm nghề giấy mực.

Lập luận như vậy là đúng, đối với những tay thợ thủ công kém cỏi sinh ra những sản phẩm kém cỏi.
Lập luận ấy là đúng với nhiều lĩnh vực khác. Điện ảnh chẳng hạn. Sự gây hại cho môi trường có lẽ còn nguy hiểm hơn tàn sát cây. Nửa triệu đô la cho đến hơn một triệu đô la đưa vào tay một đạo diễn đất Việt, làm ra một bộ phim dở không ai xem nổi, không ai mua vé, rồi phải cất vào kho, qua ít năm nó phai màu, nó mờ nhòa, rồi thải. Không đốt rừng chặt cây mà đốt tiền dân, những ông nông dân bà công nhân bác thương nhân nai lưng ra đóng thuế cho những kẻ bất tài làm phim. Những thước phim nhựa rồi hỏng, rồi có bị hủy bị đốt thế nào thì nghe nói chất độc thuốc in tráng và nhựa phim hàng nghìn năm sau vẫn không phân hủy thành cát bụi được.

Ngay với chuyện sách thôi, bây giờ lại có sách điện tử, tiện lợi hơn sách in. Trong một cuốn sách điện tử vừa mỏng vừa nhẹ, có thể một lúc nạp vào mấy chục cuốn sách đồ sộ, rất tiện mang đi đường. Nhiều người bảo sách điện tử còn có lợi thế bảo vệ môi trường, không làm tổn hại cây cối như sách in trên giấy. Người ta quên rằng những đồ điện tử cũng giống như cái máy tính, nó cũng liên quan đến những nguyên vật liệu độc hại cho môi trường như đất hiếm, khi trở thành rác, các chất liệu của nó cũng làm tổn hại cho môi trường hàng trăm năm.

Cùng thời Phật giáo ra đời, ở ấn Độ còn có một tôn giáo là đạo Jain, cũng có thuyết ahimsa, tức là không sát sinh, không bạo lực, không làm tổn hại đến mọi sinh vật. Hơn hai nghìn năm trăm năm rồi, bây giờ trong đạo Jain vẫn còn một giáo phái tuân thủ nghiêm ngặt chủ thuyết này. Ở vùng sâu vùng xa, ta vẫn có thể gặp những giáo sĩ đạo Jain đi đâu cũng mang theo một cái chổi cán dài. Họ dùng chổi quét trên mặt đường trước khi bước tới, để bảo đảm rằng không giẫm chết côn trùng sâu bọ trên đường. Họ không lọc nước uống vì sợ làm chết các vi sinh trong nước mà mắt thường không thấy.

Đọc đến đây chắc có người đã cười. Không lọc nước vì sợ gây hại cho vi sinh, nhưng uống một cốc nước là đã tàn sát hàng triệu vi khuẩn vi sinh trong ấy. Lại còn quét đường nữa. Quét sao cho sạch trần gian. Ai dám bảo là bàn chân của giáo sĩ giẫm lên đoạn đường vừa quét không gây tổn hại cho một sinh vật nào.

Chỉ còn cách là không đi ra đường và không uống nước nữa mà thôi.

Và cũng chỉ còn cách không ăn không uống nữa thì mới không gây hại cho môi trường.

Bánh mì và cơm gạo ta ăn, thịt cá ta ăn, rau quả ta ăn, ta đâu nghĩ thu hoạch lúa gạo rau quả là đang làm tổn hại cho đất. Đất bị thâm canh quảng canh, bị khai thác bòn rút cho đến kiệt quệ cho đến bạc màu. Lúc ấy người ta phải đổ phân hóa học xuống, phải thau chua rửa mặn cho đất bằng chất hóa học, để cho đất có thể tiếp tục sinh sôi hoa màu. Đất ấy đang bị mấy tỷ con người lạm dụng đày đọa, mà phải im như đất, không ai giúp cho đất thét lên kêu cứu được.

Chưa hết, con người vẫn tiếp tục đổ xuống đất xuống nước hàng triệu triệu tấn hóa chất từ các nhà máy xí nghiệp. Từng cá thể người vẫn hàng ngày giặt giũ, bằng cách ấy đổ chất xà phòng xuống mà làm hỏng đất làm hỏng nguồn nước. Chẳng phải ngẫu nhiên mà khách sạn ở nhiều nước, trong phòng tắm có những dòng chữ khuyến nghị: nếu khăn tắm khăn mặt còn sạch thì nên dùng tiếp cho nhiều ngày, bằng cách ấy sẽ không phải giặt giũ nhiều, sẽ tránh được việc đổ xà phòng xuống làm hỏng nguồn đất nguồn nước của chúng ta.

Và như gỗ kia, cũng chẳng phải chỉ để làm giấy, mà còn làm đồ gỗ bàn ghế tủ giường đủ mọi kiểu dáng. Chặt cây về có khi chỉ để làm củi mà đốt. Ngay như gia súc hay động vật trong rừng kia, đang yên lành thì bị xả thịt lột da. Những chiếc áo da túi da, những tấm áo choàng lông thú xênh xang giữa phố phường. Thỉnh thoảng lại bắt gặp trên đường phố âu - Mỹ một quý bà mặc áo lông thú đi trước. Vài ba chục người thuộc tổ chức bảo vệ động vật đi sau, vừa lằng nhằng bám theo quý bà kia, vừa hô khẩu hiệu bảo vệ động vật và đả đảo quý bà.

Còn sống còn cống hiến, như một lời tuyên truyền theo chủ nghĩa lạc quan, tức là còn sống còn có ích.

Nhưng còn sống cũng còn gây hại.

Kẻ thù căm uất trước sự tồn tại của ta. Kẻ ghen ghét đố kỵ nhức nhối vì ta. Người thân khốn khổ vất vả vì ta. Bạn bè sao cũng có lúc khó chịu vì ta.

Sống là gây hại. Cũng cần phải biết thế để mà hiểu rằng không thể nào chấm dứt sự tổn hại mà ta gây ra, nhưng có thể tự điều chỉnh và hạn chế sự tổn hại.
H.A.T
Nguồn: Hồ Anh Thái

Lên đầu trang