Trịnh Sơn
Halloween là một ngày hội của
Phương Tây, người ta hóa trang cho thật quái dị, cốt làm sao để không ai nhận
ra mình. Trong đêm diễn ma quỷ thánh thần ấy, người ta lại mày mò tìm dấu vết
nhau, bằng mùi mồ hôi, bằng cách nhận biết các thói quen, bằng những điệu nhảy
đặc biệt.
Cũng hay! Một năm, cũng cần một lần
bóc lớp vỏ cũ, thay bằng cái kén mới. Sáng hôm sau, lại trở về với hình hài con
người. Ồ, hôm qua tôi là ai em có biết không? Hôm qua, anh có nhận ra cái răng
nhọn hoắt trên cái miệng rộng nhồm nhoàm của gã đó không?
Đêm Halloween năm nay, tôi được
tham dự một bữa tiệc người ở Vũng Tàu. Thường nhật, người ta cởi áo cởi quần
chán, bikini chán, trần trụi chán. Có được một đêm bỗng dưng biến mất ai lại
không thích. Nhưng, tôi lại được một phen thất vọng đầy
. Hội trường ngàn ngạt
khách, có hơn 300 người là ít, nhưng tìm hoài đếm mãi cũng chỉ thấy lèo tèo vài
cái mặt nạ hết sức giản đơn. Có cô gái tóc nhuộm màu nho, che mặt bằng tấm giấy
roky cột dây thun, vẽ ngoằn nghoèo mắt hốc mũi khoằm răng nanh của Quỷ Satan.
Có lẽ lạc lõng quá, cô lại đeo ngửa cái mặt nạ lên trên trán đi tìm bạn. Đám
bạn của cô, bù khú với bia lạnh đùi gà ở một cái bàn chất ngất. Ai đó hỏi cô:
-
Sao không chơi nữa đi, con quỷ?
-
Ủa, em giống quỷ lắm hả? – Cô gái ngạc nhiên và thích
thú hỏi lại.
-
Giống. Nhìn là nhận ra ngay. Bình thường em đã là quỷ
rồi mà!
Cả bọn rổn rảng cười. Nhạc metal
đập vào tiếng con người, như một cái chày cầm cập nện ngoáy trên cối đá.
Tôi bỏ về.
Trong căn phòng 16m2
riêng mình, tôi mượn bộ son phấn trang điểm của con bé hàng xóm về, tha hồ vẽ.
Vẽ rồi bôi. Lại bôi lại vẽ. Cho đến khi mệt nhoài ngủ thiếp đi. Rất có thể sau
chóng vánh một ngày người, tôi còn lại một đêm này với hình hài chỏng chơ lạ
lẫm.
Sáng thức dậy. Đầu còn nặng phấn
son đêm qua. Đứng trước gương, tôi vốc nước rửa. Màu lem theo nước, chảy đỏ
xanh vàng lục lam chàm tím vào lavabo tuồn tuột. Tôi lại tôi.
Vừa bắt đầu tôi, hay đã tôi từ lắc
lơ xa xôi nào?
Bất chợt đọc thầm mấy câu ai đã
đọc:
Giả trang
Giả trang
Anh giả trang
Tôi giả trang
Trùng điệp giả trang
Đời đôi lúc cợt đùa
cái giống người kiêu mạn
Tôi thật với đời
Đời lại giả trang
Em hóa ngỗng hóa công
hóa thiên nga phù thủy
Lông ngỗng đau lòng
huyền sử Mỵ Châu
Quạ đổ cả chậu màu đâu
hóa thành công đẹp
Thiên nga một ngày gãy
cánh trắng phau
Mụ phù thủy chứng minh
lòng tốt
Táo tặng Bạch Tuyết
ngây thơ giấu thuốc độc không màu
Anh thổi kèn thì tôi
gõ trống
Cuộc giả trang chóng
mặt tinh cầu
Khi đời chán muốn cuộc
chơi thành thật
Tôi, anh, và …
Đã giả trang nhau
Xin lỗi. Lần đầu tiên nghe mấy câu
này, tôi không biết đây là một bài thơ, lại là tên của cả một tập thơ. Hoàng
Quý là ai Hoàng Quý ở đâu Hoàng Quý ra làm sao, tôi chưa biết. Và, có thể không
cần biết. Sự hiện diện của một con người trong tâm trí mình, là những gì anh ta
đã để lại sau mỗi bước chân đi.
Xin lỗi. Mấy câu trên cũng nôm na
lớ mớ tôi thuộc. Không chắc đã y như nguyên tác. Cho đến khi cầm tập thơ GIẢ
TRANG trên tay, được ngồi nghe chính Hoàng Quý đọc GIẢ TRANG, tôi mới thảng
thốt cười mếu với chính mình. Thì ra, còn một người gọi là THI SĨ ở rất gần
tôi. Và, đang bước vào đời tôi. Hoàn toàn sexy, lem luốc hai buồng phổi quen
hơi khói thuốc lá Thăng Long, mắt nhiu nhíu sáng giữa nắng ngày biển. Chân dung
Hoàng Quý, vài người đã vẽ. Không, tôi không muốn vẽ ông, có thể muốn cũng
không thể vẽ ông được. Hung hữu thành trúc! Tự nhiên Hoàng Quý đã in xuống tôi
tưng tức ngọn sáo thầm vọng của một gã Trương Chi xé lẻ đám người:
Thắp thiêng tưởng
chừng thiêng quý
Gặp thiêng, thiêng
rỗng như trời
Mùa thiêng ô trọc chợ
Lạy người, máu đắng
người ơi!
Đứa bé tên Hoàng Quý mấy mươi năm
trước, có ngây thơ như Hoàng Quý tóc bạc trán nhẵn bây giờ không? Ngây thơ đến
nỗi, nghe lời mỉa mai xúc phạm của người ta, cũng tưởng là tiếng nhạc nghiêm
túc. Dỏng hai tai, chiêm nghiệm từng li từng tí. Sau đó, nâng niu thả đống cặn
bã vào một sọt rác mênh mang nào đó.
Những sọt rác nhỏ ở từng hộ gia
đình, gom thành thùng rác lớn mỗi con phố, chất chồng nên bãi rác thênh thang
cả thành phố.
Bên cạnh bãi rác, chúng ta thường
thấy những em bé tay cầm que kẹp, đi lùng sục nhặt nhạnh ve chai kiếm bạc lẻ.
Tôi dám chắc, không ai có thể rành rẽ đám ruồi nhặng vo ve quấn quýt hơn những
em bé này. Cuộc cần khổ bần hàn nuôi thêm một con mắt trắng dã trên mu bàn tay
các em. Hai mắt thường trên mũi dưới trán, có thể vất năm lần bảy lượt trên đám
mây loang lỗ xăm mù kia. Con mắt trên mu bàn tay cúi đầu xuống rác. Nhặt rác.
Nhặt đời. Không bao giờ lẫn lầm rác và người.
Đứa bé tên Hoàng Quý mấy mươi năm
trước, tất nhiên, không phải nhặt rác kiếm cơm qua ngày. Một hãng buôn Sinh Tài
lớn nhất nhì Đông Dương ở Hà Nội, đủ sức nuôi cả tướng cả sĩ trong hầm nhà
mình. Nhưng, số phận (2 chữ số phận mơ hồ mông lung quá, nhưng thật thà rằng,
không còn từ nào gần nghĩa hơn từ này) bắt người ta nhặt rác là phải nhặt rác.
Bắt người ta cỡi sóng là phải cỡi sóng. Bắt người ta vùi chiến địa là phải vùi
chiến địa. Không sớm thì muộn.
Đứa bé tên Hoàng Quý mấy mươi năm
trước, đã từng khom lưng nhặt những giấc mơ vụng về của cả thế hệ mình:
Một buổi sáng
Lại rồi buổi sáng
Ta chau chuốt nhau như
một bọn lạc loài
Đem ghẻ lạnh đan vào
miền ngái ngủ
Con chích chòe hót
váng lên chơi
Hót
váng lên chơi! Sợi âm mỏng đan bằng đời người lính Hoàng Quý từng luồn qua
lỗ kim lịch sử để mót vá những mảng miếng đồng loại cắt rạch:
Ca từ tươi vui ví tuổi
hoa em bằng mỹ từ: Buổi sáng
Buổi sáng theo gánh
xôi soi nhìn nuốt nước bọt
Buổi sáng mười một
mười hai lồng ngồng chưa biết đọc
Mẹ nhặt rác
Cha cuốc mướn
Chiều ba mươi tết mua
quần áo sida cho Buổi sáng còn phải tần ngần
Buổi Sáng đánh giầy
mặt mày đen nhẻm
Câu chửi thề thành vốn
chữ đầu tiên
Buổi sáng xách đồ thuê
và ma cô dẫn gái
Quỵt tiền và bợp tai
Bỏ làng theo phố
Rửa bát quán ăn, quét
dọn nhà người
Buổi sáng sốt xuất
huyết mẹ cha thất sắc
Chưa phong bì, các mẹ
hiền chưa truyền dịch cho em
Bệnh viện Nhân Dân đâu
phải lán chợ
Vốn quý nhất: Con
người!
Khẩu hiệu sáng choang
Xin ngã mũ để tang những
báo cáo, diễn văn đầy rẫy: Thắng lợi huy hoàng, Rất nhiều thành tựu, Tiến bộ
vượt bậc…
Khi cầm tay Buổi Sáng
lọ lem!
Cuộc âm thầm chữ nghĩa diễn ra từng
khắc từng nhịp Hoàng Quý. Chẻ năm chẻ bảy sợi tóc người ra, để tìm người. Tất
nhiên, những thứ không phải người luôn hiện diện nhiều hơn. Có lần Hoàng Quý
buồn buồn chất vấn hình hài mình:
Chiếc áo
Chiếc áo trinh trắng
Trẻ trai tôi chọn đầu
đời
Mặc áo
Mặc luôn tin cậy
Niềm tin thánh thần
tôi
Giữ áo như đòng ấp bẹ
Đến khê tàn nhánh rơm
tươi
Những ngỡ rồi hương
lắng lại
Và xanh như lá trong
trời
Chiếc áo
Trời ơi chiếc áo
Sợi nhàu nhĩ
Sợi phai phôi
Đan dày vân hoa hư
huyễn
Dọc ngang choàng bủa
vây tôi
Ai biết một ngày kia
sẽ
Trời lên đỏ tím vàng
xanh
Chiếc áo
Chiếc áo thần thánh
Lấm loang
Và dị hình
Tôi từng được biết: Chiếc áo thần
thánh ấy, cuối 1973, sau Hiệp định Pari, đã thõng súng trả lại chính trị viên
đại đội:
-
Tôi yêu đất nước. Tôi có thể chết cho đất nước. Nhưng,
tôi nhất định không bắn vào người Việt nữa!
Chiếc áo bị dán lên những câu chữ
ghê gớm của một thời tủi nhục. Kẻ đào ngũ còn chỗ để bám víu sự ham muốn sống
còn, còn chiếc áo Hoàng Quý treo vào đâu giữa cuộc phẳng lì trơn nhẵn niềm tin
ảo dụ này?
Có lần, người ta dỗ dụ đứa bé Hoàng
Quý : Ông theo chúng tôi đi, chúng tôi sẽ
xóa sạch những vết bầm đỏ trong lý lịch ấy cho ông!
Không! Vết bầm đỏ Hoàng Quý mang,
không phải là vết mưng mủ của ổ vi trùng chực hại người cầu vinh, mà là vết suy
tàn của lý tưởng bị đóng đinh định vị. Ông thanh thả chấp nhận. Ngước mặt cười.
Sang sảng chính nhân đi giữa đất trời.
Có hai câu chuyện đã từng tọt tìm
vào túi áo Hoàng Quý.
Trại viết Đà Lạt. Năm 19xx. Một
buổi tối, cậu trẻ nào đó xộc vào phòng của Hoàng Quý:
-
Anh Quý ơi! Sướng nhé. Hai nhà văn ồn ào nhất trên văn
đàn hiện nay cho gọi anh sang hầu chuyện kìa. Sướng nhé!
-
Không. Anh báo lại giúp rằng: Tôi không ưa gì mấy trò
giả trang như thế!
Cậu trẻ ngạc nhiên:
- Bao
nhiêu người muốn được gặp gỡ hai nhà văn nhớn này, thế mà anh được mời thì lại
từ chối à?
- Những
trò giả trang luôn luôn được cập nhật, theo ngày tháng, theo từng giai đoạn
thăng trầm của đất nước. Tôi nhàm chán lắm rồi, anh ạ. Tại sao người ta không
thể sống thật với nhau chứ? Kẻ áo thụng vái qua người quần dài lạy lại không
mỏi đầu mỏi gối hay sao?
Đã có tiếng vạc sành rơi trên nền
gạch. Thứ sành của kẻ luôn nhận mình là nghệ nhân gốm. Gạch kia, lại nung nắng
gió bão lũ đoạn trường.
- Họ cứ luôn gào thét, hô hào, chửi bới
chính thể. Xin lỗi anh, đó không phải là tư cách của kẻ sĩ. Tại sao anh hưởng
bổng lộc của người ta, ở trong nhà người ta, dưới bóng nắng người ta, lại không
có thái độ xây dựng thích hợp với người ta? Anh nói anh yêu đất nước, thương
nhân dân, tại sao người ta mới đung đưa chạm mép đất nhà anh thì anh đã hét
toáng trời đất?
Cậu trẻ ấy là bạn tôi, bây giờ cũng
đã là một người có ít nhiều tên tuổi. Tôi tự hỏi, không biết đêm hôm ấy, cậu ta
đã vẽ khuôn mặt mình bằng kiểu mặt nạ nào để thay chỗ Hoàng Quý trên một chiếc
giường giả trang đã đến hồi chuẩn bị thay màn đổi chiếu.
Câu chuyện thứ hai. Năm 73. Trại
giam Tuyên Quang. Buổi sáng lao động giữa rừng. Cuộc đối thoại giữa người quản
giáo Hoàng Quý và một tù binh mang hàm đại tá Ngụy Sài Gòn.
-
Cán bộ cho tôi hỏi: Tại sao những người lính Việt Cộng
lại có thể gan dạ trong chiến đấu đến thế, lại nghiêm khắc bao dung với bọn
giặc lái như thế?
-
Anh đã muốn nói chuyện. Chúng ta sẽ nói chuyện. Vậy
theo anh nghĩ là tại sao?
-
Vì bộ đội được giáo dục, huấn luyện tốt hơn chúng tôi?
-
Không. Các anh ở đô thị, còn được học hành trường lớp
đàng hoàng. Còn chúng tôi chỉ có một số rất ít có trình độ. Giáo dục không phải
là lý do.
-
Vậy thì tại sao?
-
Các anh chiến đấu vì cái gì?
-
Vì bị bắt lính, vì không có nghề nghiệp để sống, vì ham
quân danh địa vị.
-
Chúng tôi chiến đấu vì cái gì?
-
Giải phóng miền nam, thống nhất Việt Nam .
-
Đúng. Chúng tôi yêu nước. Chúng tôi có lý tưởng. Tôi đã
từng chứng kiến anh em, bà con, bạn bè mình ngã gục dưới bom rải thảm của các
anh. Lúc đó, có ai mà không muốn hễ gặp giặc đâu là băm vằm ra, chứ làm gì có
cái kiểu đối đãi đàng hoàng tử tế thế này. Đàn bà con gái có chồng con tử trận,
chưa ráo nước mắt khóc chồng, tại sao thấy các anh lao động học tập ở đây lại
còn đem cho củ khoai với nước uống. Đáng lẽ họ phải kề câu liêm lưỡi hái vào cổ
các anh mà cắt bén đi chứ. Tại sao vậy?
Viên đại tá quân lực Việt Nam Cộng
hòa lạnh ngắt. Tiếng lá phơn phớt gió, trong khoảnh khắc này lại mồn một tượng
âm tượng hình.
-
Chúng tôi là con người. Các anh cũng là con người.
Chúng ta đều là con người. Trước họng súng, không bóp cò thì chết. Nhưng, sau
tất cả đen trắng sáng tối của chiến tranh, chúng ta đều là người Việt Nam .
Nói một thứ tiếng. Viết một kiểu chữ. Thôi, về thôi. Trưa rồi.
Chiếc áo lính xanh sờn dắt bò đi
trước. Màu áo phạm cầm cây roi lùa theo sau.
Viên đại tá có tìm chiếc áo cũ quý
ấy mấy lần khi về nước những năm mở cửa. Không gặp. Thời gian xếp tất cả chúng
ta vào ba lô.
Đó cũng là mấy nếp nhăn trên chiếc
áo Hoàng Quý. Thời gian làm cho mọi thứ phai phôi, cũng chính thời gian làm
sáng lên những thứ cần được sáng. Một con người gắn bó với dân tộc mình với
nhân dân mình, không phải bằng cách chạy đua cùng mũi tên của Thánh Gióng bắn ra,
không phải bằng cách đẻ thi với Mẹ Âu Cơ một bọc trăm trứng. Ngòi bút của một
văn sĩ không thể thay cho sức sáng tạo của anh ta được, nhưng, con người anh ta
lại chính là một dấu chân bước cùng hoặc đi ngược với dòng chảy thời đại mình.
Tôi nhẩm nhớ lại: Tất cả những lần
gặp Hoàng Quý, ông đều mặc một bộ quần áo lính. Thẳng tuồn tuột một niềm tin.
Cho dù niềm tin ấy bị bóp lại thắt lại bầm dập mấy lần như đòn bánh tét ra
Giêng.
Đó cũng mới chỉ là rác trên bãi
bằng lịch sử. Còn những thứ rác mang tên hoa mỹ hơn nhiều.
Dịch giả Hoàng Thu Uyên viết lời mở
đầu cho tập THƯ GỬI NGƯỜI THI SĨ TRẺ TUỔI của Rainer Maria Rilke có những câu
rất hay: “Mỗi một người trẻ tuổi của Việt
Nam
đều là một thi sĩ… Sống và sống một cách thơ mộng trên thế giới sâu kín này,
phải chăng đó là tiếng ca của con chim không tên, đồng vọng lên một sớm mai
hồng đang nằm phong kín trong đêm tối sinh ly?...” Hoàng Quý đối diện với
văn chương như thế nào, khi tập thơ đầu tiên ông cho ra đời lúc tuổi đã ngoài
năm mươi? Tôi đã từng bắt gặp ông trong một trại viết ở Vũng Tàu:
-
Thưa các anh trong ban chấp hành Hội (Văn học Nghệ
thuật tỉnh), các anh tổ chức trại viết ký, nhưng liệu các anh có dám đăng tải
những tác phẩm ký nặng ký, phản ánh chân thực và nhân hậu đối với thời sự đất
nước hay không? Những tác phẩm viết về đường lối đổi mới của Đảng, viết về biển
đảo, viết về bô-xít Tây Nguyên, viết về chuyện ngư dân bị Tàu ăn hiếp… Các anh
có can đảm và bảo đảm sự thật thà của một bộ phận biên tập trung thực không?
Trại viết tan, nhường phần cho tiệc
nhậu kế tiếp. Hoàng Quý không uống rượu. Bên cạnh tôi, mấy cái huých tay nhau :
-
Gớm, lão Hoàng Quý chỉ uống nước lạnh mà nói khiếp thế.
Không biết lão uống rượu thì nói dữ tới mức nào?
Lầm rồi các nhà văn ngấm men ơi!
Logic ấy không áp đặt cho Hoàng Quý được. Nếu thấy không cần nói ông sẽ không
nói. Và, nếu thấy người nghe không đáng nghe, ông cũng không nói. Tôi để ý, hôm
ấy Hoàng Quý chỉ nói chuyện với 2 người của đám đông be bét, một là nhà văn Hồ
Ngạc Ngữ. Và 2 vấn đề Hoàng Quý đặt ra là:
1) Tại
sao văn học địa phương không phát triển được?
2) Tại
sao làm cái gì Hội văn học nghệ thuật cũng phải dòm ngó dè chừng mấy anh tuyên
giáo?
Tôi phì cười. Nhà thơ Lê Huy Mậu,
chủ tịch hội nhà, có cách trả lời không độ cồn:
-
Nó thế, nó phải thế!
Hôm đó, tôi say. Tay
lái không vững, nhưng Hoàng Quý nhất định đi với tôi chứ không chịu ngồi sau
lưng bất cứ một ai khác. Cái cô độc của người thi sĩ là cái cô độc trong trẻo
nhất.
Những ngày giáp tết, Hoàng Quý bận
bịu liên miên. Nhưng hễ chạm đến thơ, dường như mồ hôi của Hoàng Quý chỉ chực
gặp thơ để chảy xuống.
-
Tại sao đến gần cuối đời ông mới làm thơ?
-
Vì, đến gần cuối đời, tôi mới đủ can đảm viết những gì
mình nghĩ.
Tôi giật mình đếm lại. Có phải
chăng, chỉ vì 2 chữ can đảm này – mà thời gian gần đây, bắt đầu xuất hiện những
cái gọi là “ai điếu cho một giai đoạn văn
nghệ minh họa”, với “làm đám tang cho
thơ”, hoặc “thức tỉnh”? Phủ định
luôn luôn khó hơn khẳng định, vì quá trình ngược dốc này cần cả sự gan góc lẫn
giả dối. Tôi chối rằng, tôi vừa bước qua lối này không cố tình, vậy thì còn
cách nào khôn ngoan hơn là đổ hết ngu ngốc và ích kỷ của bàn chân mình cho vệt
mòn đã thành đường ấy?
Rồi ngọt mạch, 400 câu trích trường
ca Đối
thoại trắng Hoàng Quý đọc luôn. Khói thuốc tôi phả ra giữa khí lạnh nhẹ
những ngày Chạp Vũng Tàu, không theo kịp hơi thơ hơi người bay qua tầng người
tầng thơ.
Cuộc
đối thoại mong manh
Cuộc
đối thoại với đóa hoa dường như khô xác
Từng
nở tưng bừng anh
Thì ra, làm thơ (văn chương), không
thể không can đảm. Nhưng nhất định, cái can đảm của một người thi sĩ và cái can
đảm của một người lính đánh bom tự sát không thể giống nhau được. Có chăng, một
nét gì đó rất tương hòa, là trước cái chết, cả người thi sĩ lẫn người lính đánh
bom tự sát đều cười. Họ thấy Thiên Đàng của riêng mình trong bất tận vô minh
trước mặt. Cái chết, thành ra cái sống:
Lấy cả trời xanh gương lược cho mình
Em – Cội rễ của Thu Vàng thì ta quên hết!
Quên được như Hoàng Quý, không phải
chuyện đùa. Khoảng trắng giữa những mảng màu tô, luôn là gam tư tưởng bền bĩ
tồn tại lâu hơn cả.
Tôi!
Đứa con chắp nối của người
Nở
từ thời trăm trứng
Da
vàng
Mắt
hạnh
Đen
tóc
Và
đỏ trầu
Lá
chuối hơ mềm như kén tằm bọc ủ
Quen
sống vì người
Và,
đắm đuối vì nhau!
Mộng mị trần gian kéo Bùi Giáng ra
lằn ranh của tu khất. Tự nhiên đến tàn khốc. Bật mình lên không cần điểm tựa.
Thật giả cuộc đời lại níu áo biết bao con người vào vòng xoáy mê man tằn tiện.
Không bao giờ kết thúc, là chân trời trước mặt!
Chân trời lẳng lơ chân người!
Tôi biết. Vẫn còn một Hoàng Quý – không – thèm – giả – trang!
Bàrịa, ngày 20/12/2009
TS.