Trịnh Sơn
Bạn khoan hỏi tôi, vì sao không phải là Lá thư thứ tám mà lại là Lá thư chủ nhật nhé. Đất nước chúng ta những ngày này ồn ã trong vắng lặng. Một nỗi sợ hãi bao trùm lên mọi sinh hoạt bình thường nhất của con người. Kẻ sai trái lầm lỗi thì sợ hãi bị trừng phạt đã đành, đằng này, người đứng về phía chân lý, lẽ phải cũng không ngừng khiếp sợ.
Bạn khoan hỏi tôi, vì sao không phải là Lá thư thứ tám mà lại là Lá thư chủ nhật nhé. Đất nước chúng ta những ngày này ồn ã trong vắng lặng. Một nỗi sợ hãi bao trùm lên mọi sinh hoạt bình thường nhất của con người. Kẻ sai trái lầm lỗi thì sợ hãi bị trừng phạt đã đành, đằng này, người đứng về phía chân lý, lẽ phải cũng không ngừng khiếp sợ.
Nỗi sợ ấy, bạn có thể bắt gặp trên khuôn mặt của từng con người ta, khuôn mặt của mỗi đám đông, khuôn mặt của các con đường dẫn tới đại diện Trung Hoa ở Việt Nam và khuôn mặt của những bước chân đang nuốt lấy nó. Đặc biệt, hiển hiện rõ nét nhất trên khuôn mặt của các ngày Chủ nhật tháng Sáu vừa qua.
Nỗi sợ ấy, bắt đầu từ đâu?
Nhiều người sẽ lại nói với tôi về lịch sử con rồng cháu tiên đớn đau oai hùng, về cái giá của tự do và hòa bình, về những nghĩa trang dày đặc trên khắp lãnh thổ hình chữ S này, như người lính nào từng bày tỏ:
“Em hãy mang đến cho anh một con chim không biết hót
anh sẽ nuôi nó lớn bằng những hạt thóc tự do
để anh mang theo
và tập cho nó bắt đầu hót những bài ca mới dắt dìu sự tàn phế
đôi cánh chim phải mọc lông dài
những sợi lông làm ấm lại nhiều phương trời đã ẩm ướt
những sợi lông ca ngợi sự sống còn
ôi một ngày về thật buồn
em đến thăm anh
và đỡ cho anh nỗi căm hờn đã vỗ cứng trên vai”
(khi giải ngũ về - Hồ Minh Dũng)
Khúc bi ai này còn sống đến bây giờ, và sống mạnh mẽ trở lại trước nguy cơ chiến tranh gõ cửa căn nhà chúng ta đang ở một lần nữa, vì sao? Bởi, Thi sĩ đã không ôm súng, lên cò và nhắm thẳng vào trang giấy trắng mà bắn lấy điểm ảo. Thi sĩ chỉ gắng hết sức làm tròn bổn phận của một con người: Nhổ đi những sợi lông vô nghĩa mọc sai chỗ trên hình nộm con chim Lạc. Đau xót xóa tan sợ hãi. Mất mát giục giã niềm căm phẫn tự tâm.
![]() |
(Tranh của Dima Dmitriev) |
Nhiều đêm ngủ với giấc mê của thời đại này, tôi cứ nghe văng vẳng trăm ngàn giọt con người rụng xuống trên ngực mình. Rổn rảng nhạt thếch. Không mặn mòi như muối biển Đông. Không nóng tròn như nước mắt nàng Tô Thị. Không nhọn cứa như giáo mác gươm đao tổ tiên lăm le suốt 1000 năm nô lệ giặc Tàu nữa. Kho phế phẩm chật chội làm mồi cho mối mọt thời gian, làm vật hy sinh cho sự sụp đổ tất yếu của một công trình kiến trúc xây trên tiếng gió xé ngọn Bạch dương xa xôi hoang tưởng. Sắt thép kim loại bị oxy-hóa, có giống như tâm hồn chúng ta bị chết-hóa một cách âm thầm và lạnh lẽo? Bỏ quên Bản năng, một số kẻ tưởng rằng thế mới là văn minh, thế mới là tiến bộ, thế mới là lợi ích cao nhất cho một giai đoạn phát triển của Giống nòi. Thưa rằng, “lợi thì có lợi nhưng răng không còn”! Vì tiệm cận với vô hạn là một vô hạn khác, như tiệm cận với mặt trời không thể là một mảnh địa cầu tươi xanh được. Adolf Hitler đi tìm sự sống độc nhất cho mình trong vỉa mỏ hủy diệt, cuối cùng chỉ nhận được một sự tự diệt tàn khốc – dĩ nhiên, một cái chết cô độc sau khi tàn bạo đào rất nhiều hố chôn tập thể.
Bạn thân mến, bạn cũng hãy khoan hỏi tôi, Chủ nhật thì có liên quan quái gì đến Hậu hiện đại mà chúng ta nói về nó bấy lâu nay?
Sáng thế ký – Cựu ước có ghi lại: “Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.”. Với tất cả tín đồ Thiên chúa, Chủ nhật (đã phải qua tranh cãi và phân giáo nhiều lần) là ngày nghỉ ngơi, kiêng việc xác để tham gia lễ lạc ở nhà thờ. Sự ảnh hưởng toàn diện và hợp lý của tôn giáo này lên thế giới, cho chúng ta một ngày Chủ nhật tách biệt với 6 ngày trong tuần. Là ngày nghỉ cuối tuần. Là thời điểm chuyển giao qua tuần mới. Là thói quen ngủ nướng lặp lại với bọn học trò nhỏ… Gần đây, tôi lại được biết thêm một loại Chủ nhật khác nữa, ấy là:
“Chủ nhật bây giờ là ngày của đám đông
Thường dân yêu nước
Thường dân bắt chước
Thường dân rình rập hoa mười giờ cởi tròng áp bức
Và,
Nhà tù trước mặt
Anh không hẹn em đi ciné nữa
Mình rủ nhau xuống đường
Xem tuồng dân tộc
Vai bạo chúa đã có kẻ giành
Trung thần bịt mặt viết sớ loanh quanh
Râu Từ Hải lắt lay treo ngọn đèn cao áp
Ích Tắc thì nhiều, quýt cam Việt Nam thì ít
Chúng ta vẽ lên mặt nhau một nhúm màu hoang tưởng
Nào, Yết kiêu
Nào, Sát thát
Lạc Hồng lạc dòng rẽ giống
Phe phẩy cung đình quạt Trung Quốc khua thiêng
Anh không mời em cốc café nào nữa
Mình chia nhau vốc mặn chát cuối cùng
Chủ nhật bây giờ là ngày của tự do cắt dán
Sao năm cánh mấy màu
Chữ S khòm lưng chữ S đớn đau
Sinh viên không muốn tới giảng đường nghe ve sầu rã giọng
Thời đại mình còn buồn hơn tiếng ve
Cụ già bỏ quên tuổi già bên bàn cờ
Chốt
Chỉ có chết
Anh không run mỗi lần hôn em nữa
Dắt nhau tìm chỗ ngủ sau khi xuống đường
Trả trả vay vay hạt giống căm hờn”
(Chủ nhật bây giờ là ngày của đám đông – Thu Trầm)
Chắc rằng, bạn chẳng thể nào đoán được Thu Trầm có phải một người Công giáo hay không? Nhưng tôi dám quả quyết, tác giả này 100% là người Việt Nam đàng hoàng. Ở một số nơi, người ta gọi “đàng hoàng” là “tử tế”. Từ sau ngày thống nhất đất nước tới nay, trong sự tương phản quyết liệt giữa nòi giống và chủ nghĩa, trong sự cả tin đã nứt nẻ những vết thương dài:
“Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn
Sau cái bắt tay xòe một lưỡi dao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần!...”
(Tản mạn thời tôi sống – Nguyễn Trọng Tạo)
Thì chỉ cần một nhát lửa ném vào đám đông, ngay trong bản thân những cái được gọi là “đàng hoàng” hoặc “tử tế” cũng tự nhiên xuất hiện nhiều lổ loang đổ vỡ. Nhất nguyên, Nhị nguyên chết yểu trong khi Đa nguyên mới chập chững tập đi đã lạc vào hố sâu của chủ nghĩa quyền lực. Bạn có bao giờ nghĩ đến cách Nguyễn Ánh trả thù khi trở lại nắm lấy giang san chưa? Ông ta xứng đáng với ngai vàng. Ngai vàng có thể nào không đặt trên những nấm mồ?
Bây giờ thì tôi dám quả quyết với bạn thêm một điều này nữa: Hình thức trước sau gì cũng phải rửa khuôn mặt phấn son để lộ diện và trở về với tình trạng nội dung thật thà nhất của nó – là SỰ THẬT:
“Nhân dân tôi!
Nhân dân cô đơn
Nhân dân khiêm cung
Kham nhẫn và dịu dàng
Người là nước mà luôn thiếu khát”
Đã từng:
“Khi nhân dân tôi đắp lũy Sông Cầu
Vua xuống lũy như dân
Khi nhân dân tôi họp Hội Diên Hồng
Vua ngồi giữa nhân dân”
Để:
“Rồi vàng son lại cao thấp vàng son
Vuốt cọp vuốt rồng nào chả nhọn
Thương, sĩ náu kinh kỳ cửa hẹp
Phượng, nghê thiêng đội nến sân chầu
Nhân dân nổi nênh theo dòng như bọt
Nắm gạo trong bồ giật mình vì chuột”
(Nhân dân – Hoàng Quý)
Mọi phương pháp luận đều để đi đến một cái đích cuối cùng. Một cái đích chung. Chỉ trừ những cái đích giả tạo rơi rớt lại trong dòng chảy dọc đường, ở những ngã ba ngã tư của đèn xanh đèn đỏ với biển cấm – còn lại, là sự dấn thân vĩnh viễn cho SỰ THẬT – đồng nghĩa với cái chết sinh học mà đã làm người ai cũng ít nhất một lần phải chạm chân đến. Tôi muốn truy tìm cái chết thực sự – bắt nguồn trong từng mầm sống đang hiện hữu trong thời đại biến động ảo não này, bạn có thể chỉ cho tôi không?
Tôi chẳng thể thuộc một bài thơ đoạn văn nào của mấy nhà nghệ sĩ đao phủ cỡ Tố Hữu. Cũng chẳng được dạy lời lẽ nào về giai đoạn lấy người làm bia quyết tử giữ Hoàng Sa năm 74 rồi mất bia mất người trong chiến tranh biên giới năm 79. Trong khi, chúng ta đang rất cần cho bản thân mình và thế hệ mình những bài ca, những tiếng nói đại diện thật sự khi hòa vào dòng nguội lạnh của dân tộc đớn đau – phải tìm ở đâu, trong những ngày sắp tới:
“tôi có thể nói gì về những ngày sắp tới
những ngày sống còn lại
kéo lê trên những mây mù kia ven rặng núi xám
và mưa dùng dằng không ngơi nghỉ
các linh hồn cũng mốc trong ngăn kéo lãng quên
những số phận vẫn im lìm khóa chặt
tôi có thể nghĩ gì về những ngày sắp tới
dường như không phải là của tôi
con tàu cũ già đã quăng đi chiếc neo
ám trí như hốc đá
như thân thể của gió
vẫn leo cao để chờ xuống vực sâu
những hố hầm chong họng súng dài
nhớ gì nữa về mầu da, tiếng nói, lương tâm
nghĩ gì nữa về tình anh em…”
(Về những ngày sắp tới – Nguyễn Phan Thịnh)
Mấy khúc trích trên đây, bạn đừng tốn công tìm hiểu xem chúng được viết ra trong những thời điểm nào, bởi những con người theo chủ nghĩa nào. Bạn cũng không nên tốn công phân biệt tác phẩm, tác giả nào cũ/mới hơn. Chắc hẳn, sự tập đếm và phân biệt này nếu có xảy ra, dễ hơn nhiều so với việc bạn thử một lần ngồi nhìn lại các loại lông tóc của mình. Một sợi nào đó đã rụng rơi? Một sợi nào đó vừa ra đời?
Đó là câu trả lời cuối cùng của tôi cho câu hỏi HẬU HIỆN ĐẠI LÀ CÁI QUÁI GÌ. Phần việc còn lại, nếu có, là của bạn – trong những ngày Chủ nhật đang chuẩn bị qua đời.
Sàigòn, 06/2011
TS.