Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Lá thư thứ bảy

Trịnh Sơn

Câu chuyện về 3 vị thần của Trang Tử:
Hỗn Độn là vị thần cai quản trung tâm vũ trụ, có 2 bạn thân là Thúc – thần của biển Nam và Hốt – thần của biển Bắc. Một hôm, Thúc và Hốt đến thăm Hỗn Độn, được Hỗn Độn tiếp đãi vô cùng nồng hậu. Hai vị thần biển Nam và biển Bắc bàn nhau cách trả ơn chủ nhà. Sau nhiều bàn cãi, họ đi đến kết luận: Ai cũng phải có 7 lỗ để nhìn, nghe, ăn và thở trong khi Hỗn Độn không có lỗ nào. Phải giúp Hỗn Độn có 7 cái lỗ quan trọng ấy. Sau một tuần, khi Thúc và Hốt khoét xong 7 cái lỗ, Hỗn Độn lăn ra chết.
Cái chết của Hỗn Độn có làm cho bạn suy tư không? Cuối tuần, chúng ta bắt đầu khoét nhau như thế.
Một bộ não như thế nào được coi là hoàn hảo? Trang Tử đã phẩu thuật não bộ thế giới từ sơ khai. Thúc và Hốt có khác gì hai bán cầu trái và phải? Khoa học bồi lở trí tưởng tượng qua nhiều thời kỳ, gán cho não trái chức năng ý thức tri thức, não phải nhiệm vụ ý thức tâm thức – mà quên mất điều kỳ diệu của một tổng thể đan cài và giằng xé: 1 bộ não có não trường gấp nhiều lần so với hai ảnh hưởng của 2 chi não gộp lại. Cấp số nhân ấy, tùy thuộc vào ý thức phân hủy và tổng hợp đồng thời 2 loại ý thức tri thức và ý thức tâm thức.
Hỗn Độn có cách tồn tại của Hỗn Độn, nhưng không luôn biết cách duy trì sự tồn tại của mình. 7 cái lỗ tưởng như rất tự nhiên, rất sẵn có. Bỗng một ngày chúng biến thành 7 chức danh biết gào thét: Chúng tôi là Sáng Tạo!
Biến Sáng tạo thành một thuật ngữ mồm mép. Gắn liền với mồm mép chỉ có 2 thứ: Nước bọt và những cái lỗ tai. Khoảng cách dài/ngắn giữa 2 cột mốc này được vinh danh ầm ĩ: Sản phẩm Sáng tạo.
Thưa bạn, Sáng tạo không hề tạo ra bất kỳ một sản phẩm nào. Trừ chính nó. Trong một bài viết nào đó, tôi kể với bạn về những gã họa sĩ đã/ đã không bao giờ đi vào huyền thoại của nền Hội họa Á đông: “Họa thì có ngàn kiểu họa, mỗi phương cách vẽ vời lại đẻ ra ngàn họa phẩm tương tác. Cộng hưởng giữa bàn tay và tấm voan là cộng hưởng kiểu gì? “Hung hữu thành trúc” như Tô Đông Pha phê bình: “Cố vẽ trúc, trước hết phải thành trúc trong bụng…”? Hay, vẩy mực thành mây phun nước thành sương mù khi tỉnh cho đến lúc say thì vò mũ trong tay làm bút lông nghuệch ngoạc thô bạo như Trần Dung? Hay, nhúng cả đầu vào mực rồi lăn tùy ý trên mặt lụa như Vương Bát Mặc? Hay, trây trát và vò nát giấy vẽ như Ying Yu-chen? Hay, khỏa thân ngồi xổm làm tượng như Xà Bần của nhóm Khoan Cắt Bê Tông?...” Chúng ta còn nhắc đến tên họ, phải đâu vì những họa phẩm họ làm ra? Giá trị của những cái tên xấu/đẹp này được kéo dài qua chuỗi hành vi lặp lại trên miệng đời. Hết thảy các chuỗi này đều giống nhau và hiệu ứng tiếng vọng của chúng đạt được là rất lớn: Tách biệt những cái tên ra khỏi những tác phẩm có thực, đồng thời, tung hứng những cái tên ấy bằng lực của hàng ngàn cánh tay ảo tưởng. Các công trình phê bình – tổng kết là bằng chứng cụ thể nhất giúp chúng ta nhận ra Cộng-hưởng Mộng-mơ mà nhóm này/khác cố tình đặt ra theo tiêu chí riêng tư của họ.
Sáng tạo là chính nó. Nhưng, các tiêu chí riêng tư dẫn dụ nhiều thế hệ vào những gian hàng khổng lồ màu sắc. Ở đó, ê chề sản phẩm đúc khuôn. 7 nốt nhạc và vô vàn bài ca. 7 gam màu và vô vàn bức tranh. Bảng chữ cái (24 hoặc ít/nhiều hơn) và vô vàn cuốn sách. Trật tự của chúng được luân phiên thay đổi với chiêu bài sang trọng: Cái Mới!
Cái Cũ nằm ở đâu?
Trở thành linh hồn của Cái Mới. Hay, nằm bẹp dí dưới sống lưng Cái Mới? Cả 2 phương thức đều chỉ ra một tình trạng tồn tại của Cái Cũ: Không bao giờ mất. Hình thức của chúng không sống theo Einstein, mà nảy nở như nấm sau mưa trên những thân cây mục rỗng của Darwin bỏ lại. Trong cái đầu của chúng ta hôm nay.
Cái đầu của chúng ta hôm nay sẽ tồn tại như thế nào trong cái đầu của tiếp nối những thế hệ sau? Ý thức tri thức và Ý thức tâm thức chẳng thể nào có thể tự quyết định việc này một cách riêng rẽ. Đó là Cơ hội để Hỗn Độn phục sinh và trả giá.
Với tử số là hằng số 1 và mẫu số là chính bạn, tỷ lệ giữa phục sinh và trả giá dao động không cần bất cứ một trường lực nào. Mỗi con người có quyền trở thành tác giả bằng cách khép mình vào vị trí bên dưới cuộc sống, để được chia trong hàm số không bao giờ mang lại một kết quả nào là đúng. Chúng ta gần/xa nhau tùy theo khả năng chấp nhận/giải phóng bản thân khỏi những đơn điệu của vui buồn thường nhật hoặc nỗi đợi chờ vô biên giữa 2 bức tường cao và dài gấp vạn lần so với Vạn lý trường thành: Tri thức và Tâm Thức. Thường thì, Cái chết được photocopy và dán lên mỗi chúng ta chứ không được in ấn chính thống ở NXB Hội nhà văn hoặc tự do như kiểu NXB Giấy Vụn của Bùi Chát, nhưng với mỗi thể xác trong cơn hấp hối (trừ một số ít các trường hợp bất đắc kỳ tử), Cái chết là Sáng tạo cuối cùng dù chưa hề chứng kiến Sáng tạo đầu tiên nào.
Đừng nghe đến chết chóc mà bạn run lên như thế. Là, tôi đang nói đến Chữ. Khi Lê Đạt chụp được cái bóng của chữ, ấy là lúc ông ta từ bỏ cái bóng của mình và làm nô lệ trung thành cho mỹ nhân diễm lệ khỏa thân trên mặt giấy. Chữ không bao giờ phục sinh vì Chữ chưa bao giờ chết. Nhưng, thi ca đã có những lúc khụy chân bó gối: “Một anh bạn khá thân thường chạy tài liệu cho tôi dịch kiếm sống, một hôm có vẻ thông cảm rủ rỉ với tôi: “Ông đúng là một thằng rồ, còn ai chịu in sách cho ông nữa mà cách tân với cách tung. Nghỉ cho nó khỏe. Rồi tôi sẽ cố chạy thêm tài liệu cho ông dịch!” Trước sự tốt bụng của bạn, tôi còn biết trả lời thế nào. Chỉ còn cách giấu biệt không cho ai biết những dự định thơ của mình như giấu một bệnh “đáng xấu hổ” ở chỗ kín của cơ thể. Hay tôi là một thằng rồ thật! Có lẽ do làm việc căng quá, tôi lâm bệnh. Chóng mặt. Đi lảo đảo. Nằm xuống nhiều lúc thấy đầu mình tụt xuống một hố sâu thẳm. Và ác mộng. Nhiều đêm sợ quá tôi phải ngồi dậy tựa lưng vào tường thức cho đến sáng.” (Đường chữ - Lê Đạt). Một bậc tài hoa đứng trước vòng quay vời vợi đau khổ, chỉ cười khẩy gọi đó là Đường, có đủ chứng thực được cho thân phận những cái bóng đang bắt đầu chập chững bước vào một cái rọ? Không gì khó hơn việc Cầm-tù-một-cái-bóng! Sao bạn không thử chịu khó đánh vần một bài dễ nhất:

Át cơ

Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ
Nhà số lẻ
phố trò chơi bỏ dở
Mộng anh hường
tim môi em bói đỏ
Giàn trầu già
khua
những át cơ rơi…
(Át cơ – Lê Đạt)

Tôi dùng chữ “chịu khó”, vì tôi đã rất khốn khổ để vặt hết lông con gà của ông già Lê Đạt nuôi nấng. Hết lông già đến lông tơ. Trụi lông cổ tới lông cánh. Cái lưỡi của nó cũng đầy lông. Nhặt nhạnh từng cái để nhận ra từng cái mới đang lú đầu lên thay thế. Chúng che giấu gì? Chỉ có những cái bóng. Bóng chiến tranh, bóng luân hồi, bóng thời gian, bóng nòi giống, bóng lãnh tụ… Tất tần tật là Bóng made in Việt Nam. Kể cả cái rọ mà Lê Đạt nhốt bóng chữ cũng có bóng. Đó là gia tài khổng lồ khủng khiếp nhất mà anh chàng Thạch Sùng không thể có ngay thời khắc biên giới giữa Người và Bò sát – Sau khi con bài tẩy bắt buộc phải lật lên, trừ khi người chơi muốn bỏ cuộc.
Tôi không cho rằng Lê Đạt có sở hữu một cái bóng của Sáng tạo chữ nghĩa. Thay vào chỗ ấy, là cái bóng của Tự do mà Trần Dần không ôm được xuống mồ:

Tôi khóc những
chân trời
không
người bay
Lại khóc những người bay
không có
chân trời
Nếu xuống mồ, nó sẽ lãng mạn kiểu Pháp: Mọc lên những Cây liễu hoặc vài cụm Bách hợp.
Với những cái bóng made in Việt Nam, Lãng mạn là rác. Cần bỏ đúng chỗ và đợi chờ tái sử dụng. Người ta chế biến nó thành những con búp bê tóc đen da vàng có đủ 7 cái lỗ và nhiều hơn thế nữa.


Sàigòn, cuối tháng Tư 2011
TS.

Lên đầu trang