Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Viết là cách giũ bỏ xấu hổ

Tri Sơ

Tiểu thuyết tự truyện Cuộc đấu tranh của tôi của nhà văn Karl Ove Knausgaard là hiện tượng văn chương Na Uy và thế giới. 


Một mình Karl Ove Knausgaard đứng chờ ở sân ga xe lửa ngoài trời Ystad phía nam Thụy Điển chiều tháng hai nắng chói chang. Ông thuộc dạng người không lẫn vào đám đông: cao ráo, điển trai, bộ râu kiểu cách và mái tóc rậm bạc gợn sóng, nhưng dáng vẻ thờ ơ và khinh bạc, không giống dạng người sẵn sàng tiết lộ bí mật, ham muốn và lo lắng thầm kín bản thân.
Nhưng, ông đã làm thế trong tiểu thuyết tự truyện sáu tập dày 3.600 trang có cái tên gây kích động Cuc đu tranh ca tôi (My Struggle, trùng với tên cuốn sách của trùm phát-xít Adolf Hitler viết từ năm 1924
), tên tiếng Na Uy là Min Kamp. Tác phẩm là hiện tượng chưa từng có ở Na Uy, xuất bản từ năm 2009 đến năm 2011, bán được nửa triệu bản ở quốc gia 5 triệu dân này. Sau đó, được dịch sang 22 ngôn ngữ. Dựa vào quy mô phát hành, sự khen ngợi rộng rãi và tác động văn hóa sâu sắc, tác phẩm của Knausgaard rất xứng đáng là sự kiện văn học vĩ đại của thế kỷ XXI cho đến nay.
Mang tiếng là tiểu thuyết, loạt sách này lại là hồi ký thản nhiên từ thời thơ ấu đến khi có sự tiếp nhận gây tranh cãi của tác phẩm. Nỗ lực như vậy không độc đáo mấy. Nhà sách đầy rẫy hồi ký, và tiểu thuyết văn học không hiếm thể loại này. Chân dung người cha lạnh lùng, độc đoán, say xỉn, chết sớm trong khốn khổ của Knausgaard có thể gây chướng tai gai mắt độc giả Na Uy, nhưng đây là câu chuyện về rối loạn chức năng gia đình nhẹ nhàng hơn so với loạt Tự truyện Patrick Melrose của Edward St Aubyn (giải Man Booker 2005, Prix Femina Etranger 2007). Vậy, điều gì khiến những cây bút sáng chói như Zadie Smith và Jonathan Lethem tấm tắc khen ngợi và tôn xưng Knausgaard là nhà văn mở đường? Tại sao tiểu thuyết gia Jeffrey Eugenides đề cao nhà văn Na Uy đã phá vỡ “giới hạn của tiểu thuyết tự truyện”?
Câu trả lời không tập trung nhiều trong sự tiết lộ sâu sắc của Knausgaard bằng trọng tâm mãnh liệt ông mang đến qua các chủ đề cuộc sống riêng. Ông giống như một cái lỗ trên bức tường giữa tác giả và độc giả, xuyên thấu hiện trạng tinh vi và xác thực cảm tính khiến nhiều tiểu thuyết khác có vẻ giả tạo, bịa đặt, vô lý. Độc giả sống cuộc đời nhân vật với nhân vật. Độc giả không chỉ “chia sẻ” mà nhiều khả năng “trở thành” nhân vật. Knausgaard chuẩn bị kỹ càng đi vào từng chi tiết đặc biệt gợi cảm có thể kéo dài hơn 50 trang. Chịu ảnh hưởng rõ rệt Proust, nhưng văn phong Knausgaard không mấy chắt lọc tinh tế như Proust. Nhiều lúc thật đĩnh đạc, đẹp, sâu sắc, nhiều lúc lại thô tục và sáo rỗng tầm thường. 
Chỉ nhìn thấy thảm họa tầm thường trong thiên truyện về sự hình thành nhân cách của Knausgaard là thiếu sót. Sự lạc đề, thay đổi theo thời gian của ông, thời gian kỳ cọ tới lui như thủy triều bất định, và những quan sát biện chứng mỗi ngày là nỗ lực đáng ngạc nhiên nhằm nắm bắt bí ẩn lớn của ý thức bằng kỹ thuật của một tiểu thuyết gia. Cá tính là tổng hợp ký ức, Knausgaard hiểu rằng mỏ quặng bỏ hoang cũng quý giá như như kim loại hiếm. Ký ức là gì, chính xác và đáng tin cậy ra sao? Đôi khi Knausgaard tự nhận trí nhớ kém giữa hàng nghìn trang hồi ức chính xác không phải là giả vờ khiêm tốn. Tác phẩm thiên về sáng tạo tập trung hơn sử dụng trí nhớ ráo riết. Knausgaard nói: Với tôi, không có sự khác biệt giữa nhớ lại và tạo ra điều gì đó. Tiểu thuyết hư cấu của tôi luôn khởi đầu từ một điều có thực. Hình ảnh không thực có cường độ và sức mạnh giống hình ảnh thực và ranh giới giữa chúng hoàn toàn mờ nhạt. Viết tiểu thuyết, tôi không thể nhớ rốt cuộc chi tiết đó là ký ức hay không. Viết về mình cũng vậy, giống như đang viết một cuốn tiểu thuyết chân thực, quy tắc là nó phải là sự thực. Không thực theo ý nghĩa khách quan, mà thực theo cách tôi nhớ nó. Có rất nhiều ký ức giả tạo trong tác phẩm này, nhưng chúng tồn tại theo cách của chúng, chúng chân thực.
Cách diễn đạt cái chết của cha ông là chủ đề tranh chấp gay gắt. Một số thành viên gia đình khẳng định cha Knausgaard, trái với hồi ức của con trai, không chết chìm trong rượu, không hề khốn đốn, ra đi nhẹ nhàng vì đau tim. “Tôi bắt đầu nghi ngờ mọi thứ”, Knausgaard nói. “Tôi thổi phồng à? Tôi khai thác chuyện ấy vì lợi ích riêng?”. Một nhân viên y tế đọc tập đầu tiên A Death in the Family đã liên lạc xác nhận mô tả chính xác của Knausgaard. Knausgaard buồn nôn bởi ý tưởng thêu dệt tình tiết và nhân vật. Không chỉ nhà văn Na Uy có cảm giác đó. Nhiều nhà văn tin rằng trong thời đại thông tin bão hòa, tô vẽ làm mất sức mạnh câu chuyện. Knausgaard từ bỏ lối tiếp cận văn xuôi và cấu trúc thận trọng, lao vào sáng tạo điên cuồng, viết đến 20 trang mỗi ngày, như thể lấy đồ trong túi ra và lắc chúng lên giấy. Ngồi vào bàn viết trong tình trạng ông gọi là “tự kỷ”, Knausgaard không cần biết chữ nghĩa của mình sẽ tác động đến thế giới, đặc biệt là người thân ra sao.
Về thành công của tác phẩm? “Bạn bè nói rằng, tôi đang khóc trong chiếc limo của mình”, Knausgaard bẽn lẽn đùa. Nhà văn trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh trước sự quan tâm và thành công Cuộc chiến đấu của tôi. Đối phó với phản ứng của gia đình, ông có bản năng luân lý mạnh mẽ, luôn nghĩ rằng mình đang cố làm đúng. Nhưng đứng trước người thân bị tổn thương, ông không thể không nghĩ rằng mình đã sai. Bù đắp bằng cách viết để phơi bày cho cả thế giới khốn nạn biết ông là ai và ông có thể làm gì. Bây giờ, làm phiền Knausgaard là triền miên cuộc gọi quảng cáo sách, tự giới thiệu và tự phân tích.
Khía cạnh tác phẩm Knausgaard rất bất thường đối với một nhà văn hiện đại Tây Âu là sự vật lộn thường xuyên với câu hỏi về nỗi xấu hổ. Knausgaard biểu lộ khả năng trải nghiệm nỗi xấu hổ dữ dội ngay cả trong những hoàn không mấy thích hợp. Điều người ta cho là chỉ đáng hơi mắc cỡ lại khiến Knausgaard dằn vặt khôn nguôi. Ông có nhận thấy phản ứng thế là quá khắc nghiệt? “Tôi không cố viết về nỗi xấu hổ. Tôi không nhìn thấy, không nhận ra đó là nỗi xấu hổ”. Ông bắt đầu khám phá tiềm năng văn chương của nỗi xấu hổ. “Viết là một cách để giũ bỏ nỗi xấu hổ. Viết là để được tự do.Tự do từ đâu ra? Từ người nhìn vào tôi. Tôi nghĩ xấu hổ là một cơ chế quan trọng trong đời sống xã hội. Nó kiểm soát tất cả mọi thứ và làm cho mọi người hành xử tử tế và hợp lẽ với nhau. Nhưng tôi thuộc dạng xấu hổ quá đáng, quá liều”. Ông nạo vét cả thất bại tình dục và đạo đức của mình lên cho người đời khoái trá. Khi viết, Knausgaard không đếm xỉa độc giả, hoàn toàn tập trung để có được câu chuyện chân thực. Nhiều nhà văn tuyên bố viết cho bản thân nhưng thường để mắt tới người đọc, thấy rõ qua cách kết cấu câu chuyện và lựa chọn thời điểm tung ra thông tin hòng có tác động tối đa.
Knausgaard chỉ ra “những điều tốt đẹp của chủ nghĩa phát-xít” và phân tích diễn biến tâm lý kẻ khủng bố theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Anders Breivik khiến tiểu thuyết gia Hari Kinzru lo lắng nhà văn Na Uy khơi dậy tính Hitler, “uống cùng giếng truyền thống Bắc Âu với kẻ đi trước”. Knausgaard kể rằng ông đã bật khóc khi nghe tin Breivik tàn sát 77 người Na Uy năm 2011. Hàng trăm ngàn người đổ xuống phố phản đối hành động dã man, “tôi cảm thấy đồng cảm mãnh liệt với một đám ‘chúng ta’, cảm giác chưa hề có trước đây”. Nhưng, để trở thành một nhà văn giỏi, “phải ra khỏi đám đông. Không thể là một phần của nó”. Knausgaard không màng tới hậu quả trang viết của mình, thậm chí còn so sánh “công bố tác phẩm rồi xin lỗi có khác gì giết người rồi xin lỗi”. Nhưng, Knausgaard chẳng giết ai, cũng chẳng trốn vào tưởng tượng loạn trí tự tạo ra. Ông viết tiểu thuyết tự truyện để kết nối thực tế, dù là thực tế của riêng ông nhưng nói lên thực tế to lớn của rất nhiều người. Cuộc đấu tranh của ông là hành động khôi phục mạnh mẽ. Ông khai hoang không chỉ chuyện đời mình, mà còn có dụng ý nghệ thuật, không hề tình cờ đặt tác phẩm bằng cái tên đã bị bạo chúa tàn ác nhất lịch sử bôi nhọ quá lâu. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh của ông gây choáng ngợp bởi chủ đề, và hơn nữa là giải pháp cho chủ đề ấy.
Cuối tập sáu, Knausgaard tâm sự ông “thích, thật sự thích ý nghĩ mình không còn là tác giả nữa”. Nhưng, ông chưa ngưng viết được. “Tôi đã mệt mỏi với giọng điệu của mình. Cứ như phát ra từ một cái máy. Phải khác. Không thể tiếp tục bút pháp cũ”. Knausgaard đã trình bày suy nghĩ của mình cho thế giới. Như các nghệ sỹ lớn, ông không thể dừng lại. Trong căn phòng bừa bộn ở ngôi làng nhỏ gần Ystad, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục.
(tóm lược)
Theo The Guardian



Lên đầu trang