Châu Hoài Thanh
Một lát cắt ấn tượng về vùng đất Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo dưới chế độ cũ
Với câu chữ ngắn gọn, bằng giọng điệu rất Nam Bộ, Sóng gió Ô Cấp của Trịnh Sơn đã hấp dẫn người đọc. Những từ ngữ nóng và lạnh, hút và thả cứ liên tục bung ra khiến người đọc như lạc vào một mê cung đầy bối rối và ngờ vực. Những nhân vật của hai phe đối lập, chính nghĩa và phi nghĩa, ngay giữa lòng cuộc chiến tranh lạnh lùng và tàn bạo đã được tác giả khắc họa sinh động, sắc nét.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjdf9TTPeLEg5MqWbGzXZdy9G9UEIuVGXq___HJqZbsp0tslHzWK8iiTy8JbzxN_m2TlCDnKkdrwAw_B1Ulo3ewSSZrLtwc463pd5IeTzZTBIBUZOwx_nbTYIQ0OTohJNIWmZNk7U1PrNM/s400/ocap2.jpg)
Rồi từ từ, cánh cửa ngôn từ cứ mở ra, mở ra để rồi những nút thắt cứ nhẹ nhàng được cởi. Đi cùng câu chuyện là tình yêu tuổi mới lớn của hai chị em ruột, Linh chị và Linh em. Tình yêu của Hội và Linh em là sự trần trụi, là không toan tính, là hết mình, nhưng đó là một tấn bi kịch của chiến tranh. Họ đành chia tay và mất nhau vĩnh viễn trong bối cảnh loạn lạc. Khác với Linh em, tình yêu của Linh chị với Quang, nhân vật đại diện cho tầng lớp trí thức được giác ngộ cách mạng, rất đằm thắm và nhẹ nhàng. Quang theo cách mạng nhưng lại yêu con gái của một tay cảnh sát khét tiếng là Bảy Lửa. Phải chăng đây là điểm hấp dẫn nhất của câu chuyện? Cái chết tức tưởi của Linh chị trên cầu Cỏ May cùng cái chết của Hội đã dẫn câu chuyện đến sự bi thương để rồi sau này kết thúc câu chuyện lại đầy gợi mở. Tác giả không nói đến nguyên nhân cái chết của Linh chị nhưng người đọc có thể phỏng đoán là do đạn lạc. Số phận của Linh chị cũng có kết cục giống như số phận của Hội.
Vượt lên trên tất cả là hình ảnh của thầy giáo dạy Việt văn. Cùng với Quang, đây là nhân vật đại diện cho tầng lớp yêu hòa bình và chính nghĩa.