Trịnh Sơn
Rất xin lỗi vì đã bắt bạn chờ lá thư này quá lâu. Không phải chúng ta không thường xuyên liên lạc với nhau, mà, chúng ta đang dần cách xa nhau theo cái tinh thần Hậu Hiện đại mà bạn tiếp thu từ mớ tù mù dịch giảng nào đó. Và lấy nó làm ngọn nguồn cho những vấn đề hiện tại. Một trong vài câu hỏi tôi đặt ra ở lá thư trước, bạn đã không nhận ra. Tất nhiên, bạn không trả lời.
Rất xin lỗi vì đã bắt bạn chờ lá thư này quá lâu. Không phải chúng ta không thường xuyên liên lạc với nhau, mà, chúng ta đang dần cách xa nhau theo cái tinh thần Hậu Hiện đại mà bạn tiếp thu từ mớ tù mù dịch giảng nào đó. Và lấy nó làm ngọn nguồn cho những vấn đề hiện tại. Một trong vài câu hỏi tôi đặt ra ở lá thư trước, bạn đã không nhận ra. Tất nhiên, bạn không trả lời.
Hai sự ra đi của ông Hoàng Ngọc Hiến và ông Phạm Công Thiện không làm tôi dễ chịu lắm. Họ, ít nhất, còn đại diện được cho hai dòng ý thức không quá xa sỉ. Còn bạn, sau hai mươi năm chập chùng bòng bong, bạn vẫn cố công rao bán cái quá khứ của người ta. Cái quá khứ chưa bao giờ là của bạn. Hà cớ gì?
Câu hỏi tôi đặt ra, tàm tạm thế này: – Tại sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không kiêm luôn chức Tổng Bí thư cho tiện?
Không bàn về chính trị, chỉ nói về giá trị. Có mấy điều lợi:
- Một là, Ngài ấy sẽ toàn quyền và độc quyền xử trí mọi thứ. Toàn quyền như Paul Doumer, Albert Sarraut. Độc quyền theo kiểu các ca sĩ, diễn viên ký hợp đồng độc quyền cho hãng phim nhạc nào đó.
- Hai là, nhân dân Việt Nam còn có cái mà thờ cho thích hợp với thời đại. Càng ngày người ta càng lần mò ra quá nhiều lỗ hổng trên các tấm chân dung thần tượng đã hoen rỉ với khoa học và thời gian. Ở thế kỷ của chúng ta đang sống đây, không thể tưởng tượng được việc cả một dân tộc chịu răm rắp vái đầu trước một ông Phật, ông Khổng, ông Chúa nào nữa. Nếu ông Dũng làm tốt điều Một, chúng ta sẽ có và bắt buộc phải có điều Hai.
- Ba là, bọn trẻ con sẽ được học thêm một chủ nghĩa mới. Đó là CHỦ NGHĨA HẬU CỘNG SẢN – Một Chủ nghĩa thuần túy chỉ có ở/từ Việt Nam. Không phải bắt chước bất cứ nơi nào cả.
Mấy cái lợi trên, không chỉ cho riêng tôi hoặc bạn, mà cho chung cả dải đất hình chữ S này. Nó là hiện thân cho cái tinh túy của chủ nghĩa Hậu Hiện đại mà bạn đang theo đuổi. Hiện thân như thế nào?
- Một là, theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Chủ nghĩa hậu hiện đại là một xu hướng trong nền văn hóa đương đại được đặc trưng bởi sự chối bỏ sự thật khách quan và siêu tự sự. Chủ nghĩa hậu hiện đại nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ, những quan hệ quyền lực, động cơ thúc đẩy; đặc biệt nó tấn công việc sử dụng những sự phân loại rõ ràng như nam với nữ, bình thường với đồng tính, trắng với đen, đế quốc với thực dân.”. Chưa bao giờ tôi tin vào sự tồn tại khách quan của một sự thật. Bản thân tôi không thể nhìn thấy tôi nguyên vẹn, vậy làm sao có cái nhìn khách quan từ tôi đến tôi? Từ bạn đến tôi lại càng xa. Đường nhìn của chúng ta bị bẻ cong theo quy luật nào đó của riêng mỗi người. Với ông Nguyễn Du, cái quy luật ấy xoáy lốc “Phật hữu tình từ bi phổ độ/ Chớ ngại rằng có có không không”. Với ông Nguyễn Trãi, cái quy luật ấy thẳng thóm hơn, “Độc bãi quần thư vô cá sự/ Lão mai song bạn lý dao cầm”. Với ông Nguyễn Quang Thân, cỗi mai tử tế kia mềm oặt, khom lưng đến nỗi gãy gánh mà thành cuốn tiểu thuyết được giải. Tôi tự hỏi: Phải chăng ông Thân cố tình làm cái Hội thề theo kiểu chứng minh bằng phản chứng? Nó ngoằn nghoèo vô vọng và kết cục biến thành kiểu chứng minh vét cạn. Lịch sử cạn, danh nhân cạn, lòng người cạn. Cái gì sâu? Siêu tự sự trở thành Siêu ngụy biện. Ngôn ngữ tượng hình phơi mình trước gương lõm gương lồi. Ảnh nhập nhằng ảnh, vật giao cấu vật. Chúng đẻ ra một đống hoặc là thai non hoặc là sọ người, cả hai thứ ấy là quá khứ hoặc tương lai của con người. Lúc ấy, con người đang ở đâu?
- Ở đây:
Rồi tôi nhận ra tiếng nói từ bầy súc vật
Mơ hành vi của những con người
Tổ quốc!
Chúng ta vĩnh viễn không được tự ruồng bỏ
Bởi suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta
Thế giới cũng vút lên bằng bước chân mòn
Với một niềm tin ở dưới gót
Tôi chiêm bao thấy đứa con sắp lọt lòng của
tôi nhắn nhủ
Tổ quốc ta như một con mèo[1]
Tiếng chào đời con gọi meo meo[2]
(Bùi Chát – Rồi tôi)
Bạn đọc được hai cái giễu nhại của Chát : [1] Tổ quốc ta như một con tàu (Xuân Diệu), [2]Tiếng chào đời con gọi Xít-ta-lin (Tố Hữu). Còn gì nữa? Tôi nghĩ, Chát không đến nỗi chỉ có vậy. Cái mà Chát làm được, là một sợi dây thừng bện kết bằng tâm tính Việt – thuần để sử dụng cho vài mục đích. Có khi, để người ta cột trói nhau theo cách Trịnh Công Sơn nối vòng tay lớn. Cũng có lúc, người ta treo cổ nhau hoặc tự treo cổ mình theo “Tư tưởng hậu hiện đại là sự giải thoát có chủ ý từ những cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện đại đã thống trị trước đó” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Họ làm gì với sợi dây thừng của Chát tạo ra, Chát có ủng hộ hay ngăn cản được không? Mặc kệ.
Đọc tới con/thằng chữ này, bạn đã thấy cái lưng của Kitô – Mác chưa? Tất nhiên, chưa! Ngài tuy đã vượt biên khỏi Việt Nam nhiều năm, nhưng vẫn thuộc nằm lòng câu dặn dò của tổ tiên: Chớ vạch áo cho người xem lưng! Hoặc: Xấu che tốt khoe! Có lần tôi hỏi Ngài:
- Tại sao chớ vạch áo cho người xem lưng?
Ngài hỏi lại:
- Tại sao không phải cái lưng phía trước mà là cái mặt?
- Một trong nhiều lý do: Cái Đẹp!
- Cái đẹp là cái quái gì?
- Để người ta dốc tiền bạc, thời gian, sức khỏe vào nó – là CÁI ĐẸP!
- Cái đẹp sẽ cứu vãn nhân loại, như Fiodor Dostoïevski nói ư?
- Không tồn tại, nó sẽ cứu vãn được một số bi kịch. Kiểu như Bụt, Tiên vậy. Khi người ta cố làm cho nó hiện hữu/hiện hình, nó không những không cứu vãn được ai mà còn trở thành gánh nặng cho những thế lực đang sở hữu hoặc muốn sở hữu nó.
- Giống như Niềm tin?
- Và nhiều thứ khác nữa. Ý thức, Tình yêu, Lòng thù hận, Dân tộc tính, … Là cái quái gì.
Hiện tại, người ta đã mã-hóa, số-hóa thành công nhiều phương tiện để chuyển tải cuộc đời gọn ghẽ hơn. Rồi không lâu nữa, người ta sẽ làm được điều vĩ đại nhất: Sóng – hóa mọi thứ! Sau khi chứng minh được Thời gian không phải là một trục t thẳng lì, mà là một khối cầu trong suốt bao hàm mọi khối cầu đang có. Thế giới lúc ấy, có cả thế giới bây giờ và nhiều thế giới khác. Nhưng, là một Thế-giới-câm-tuyệt-đối. Thơ ca và tất cả các bộ môn nghệ thuật khác nữa, nằm ở đâu?
Trong từng chuyển động của mỗi cá thể. Con người, con vật, đất đá, kim loại, nước, … Tất tần tật là nghệ thuật. Nghệ thuật là tổ hợp của sinh sôi, giằng xé và phân hủy. Tên gọi mới của nó: SỐNG!
Một ngày cuối năm ngoái, Nhà thơ Hoàng Quý nói với tôi: Chủ nghĩa Hậu Hiện đại là một loài động vật mới, mô phỏng con người – được sản sinh trên đĩa cấy, có hai tay dài như hai chân chúng ta, còn hai chân nó thì ngược lại, ngắn hơn hai tay chúng ta rất nhiều. Được như thế cũng là hay! Hai tay dài ngoằn thì tiện hơn cho một số việc phải dùng tay, như kỳ cọ chẳng hạn. Hai chân ngắn cũn thì phải tìm cách di chuyển khác hợp lý hơn việc đi lại bấy lâu nay, độn thổ hoặc bay chẳng hạn.
Lá thư này, tôi dùng quá nhiều cái chẳng hạn. Bạn đừng như thế nhé! Một cái đĩa cấy, chẳng hạn.
Sàigòn, tháng 3/2011
TS.