Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Lá thư thứ nhất

Trịnh Sơn

Một người bạn hỏi tôi : HẬU HIỆN ĐẠI LÀ CÁI QUÁI GÌ ?

Bạn thân mến!
Chúng ta nên bắt đầu từ Hiện Đại.
Tại sao chúng ta nên bắt đầu từ Hiện Đại mà không phải từ bất cứ thứ gì đã mệnh danh và tuyên ngôn rùm beng bấy lâu nay?
(Ảnh: Đường Linh)
Thứ nhất, Hiện Đại là một từ vô nghĩa với thời gian. Anh không thể đứng tại chỗ này hôm nay để khẳng định rằng mình là người tới trước ai đó. Tổ tiên anh không hiện đại bằng anh ư? Vì họ không thể đến Hà Nội ngàn năm khi chưa có điện và internet? Khi này, vấn đề chuyển sang một hướng khác: Hiện Đại là một đơn vị tính. Lại cần có thêm những Hệ Quy chiếu cho những trường hợp cụ thể tương ứng. Ví dụ: Kg dùng đo Khối lượng, A đo Cường độ dòng điện… Ngay cả trong một Hệ quy chiếu nhất định, một thứ đơn vị cũng có thể biến đổi theo từng phép tính của người vận hành nó. Ví dụ: 1Kg của người bán thường ít so với 1Kg trong suy nghĩ của người mua, hay, 1 miếng khi đói bằng 1 gói khi no… Một thế giới phức tạp là một thế giới sử dụng nhiều Hệ quy chiếu cùng lúc. Thực tế, thế giới chỉ có con người – là thế giới phức tạp ít nhất. Vì sao như vậy? Vì, con người, ít nhất đã xác lập được một thứ đơn vị có thể quy đổi qua không gian, thời gian – là Ngôn ngữ. Giả sử, chúng ta hiểu được loài kiến nói gì, thì cuộc sống này sẽ thế nào? Trong khi đó, chưa chắc chúng ta là loài khôn ngoan nhất – trong suy nghĩ loài kiến. Với kiến, loài khôn ngoan nhất, có thể là loài cỏ cây. Nếu chịu khó suy tư nhiều hơn chút xíu thôi, Ngô Bảo Châu sẽ biết rằng ông ta được sinh ra đồng thời với chỉ số IQ ông ta có. Mà, chỉ số IQ là gì? Chỉ là một khái niệm của một nhóm người đặt ra.
Kết thúc lý do thứ nhất, là câu chuyện buồn cười: Nguyễn Du và Kiều, ai thông minh hơn?
Thứ hai, Hiện Đại nếu được coi như một đơn vị như Thứ nhất đã trình bày, thì, nó có Cấu trúc, Ý nghĩa gì? Phải cân đong đo đếm nó theo tiêu chuẩn cột mốc nào?
Dừng lại ở đây với một câu chuyện không kém buồn cười nữa. Dân tộc Kinh và một dân tộc thiểu số nào đó chủ yếu được phân biệt bằng luận cứ gì, nếu cả hai cùng tồn tại và phát triển theo cùng một cách? Khi mà tất cả những thứ để nhận diện như trang phục, tập tục, ngôn ngữ,… đã được/bị hòa tan? Có lẽ, chỉ có Nhà nước với chức năng có quyền ban phát mới có thể giải quyết được bài toán lẽ ra phải là của các nhà Nhân chủng học. Rằng, dân tộc thiểu số có thêm một số ưu tiên (học phí, điểm chuẩn khu vực với học sinh chẳng hạn). Hiện Đại không góp phần hòa giải giữa hai sắc tộc. Nước Mỹ có Hiện Đại hơn Trung Hoa không, khi người Da Đỏ và người Tây Tạng được đưa lên cân theo hai cách hoàn toàn khác nhau?
Hiện Đại có cấu trúc rỗng. Người ta toàn quyền chia chác sự mênh mông của nó theo cách của mỗi người. Giằng xé và quyến dụ là hai thuộc tính đeo bám bất cứ đầu óc nào muốn tự mình làm một Hệ quy chiếu cho chính mình. Như thế này đây: Con mắt không thể nhìn thấy chính nó! Mọi tấm gương đều cho ra một kiểu ảnh riêng biệt. Khi anh cố tình đồng nhất anh với một người khác, trong quá trình chạy theo sự khác biệt sẵn có để thu hẹp nó, không tránh khỏi sự tự vận động một số thuộc tính có sẵn của anh. Anh, sẽ có thêm một hoặc vài thuộc tính mới, cứ như thế, việc hòa nhập với cá thể trong gương kia không bao giờ hoàn tất. Lúc nhỏ, tôi vẫn thích ngắm cái mặt vụng dại của mình trong tròng đen đôi mắt cô bé hàng xóm. Lớn lên, tôi thích vào các tòa nhà kính để tự vặn vẹo mình theo kiểu của Michelangelo. Cô bé hàng xóm hoặc các tấm kính từng soi qua khuôn mặt tôi có phải là các trục cấu trúc nên cái sắc diện bền bĩ chóng vánh của tôi không? Họ sẽ thay đổi hay tôi sẽ thay đổi, nếu cả cuộc đời tôi cứ đứng yên không nhúc nhích, nếu có thể?
Vậy, Hiện Đại rỗng, kể cả Cấu trúc lẫn Ý nghĩa, nếu nó có. Biện chứng kiểu Marx – Engels không tìm ra một khái niệm Hiện Đại hoàn chỉnh. Còn theo Jung hoặc Freud, Hiện Đại đồng nghĩa với sự biến đổi của Lạc Hậu.
Câu chuyện buồn cười nữa, là: Cây tre hỏi một gã hút thuốc lào, tại sao anh không dùng ống sắt, bạc, đồng mà phải dùng tôi làm điếu cày? Gã này kinh qua rất nhiều ống điếu sang trọng trong đời, kể cả bằng gỗ quý hoặc hợp kim hiếm, trả lời ngon ơ: Vì, thuốc lào bảo thế!
Cả bạn và tôi, chúng ta đều không tin cây tre và thuốc lào biết nói, theo Hệ tri thức đặt sẵn trong đầu óc mình. Vậy tại sao tôi đã kể được câu chuyện này một cách dễ dãi và bình thường quá vậy, đến nỗi ai nghe xong cũng có thể mỉm cười hoặc làm lơ tới các yếu tố không thực của nó? Vâng, chúng ta Tưởng Tượng.
Con người rất giỏi tưởng tượng. Trước khi Galile mục xương, trái đất vẫn quay quanh mặt trời đó thôi. Tôi lại giả vờ hỏi: Nếu sáng mai tất cả chúng ta ngồi trước một màn hình vĩ đại để nghe Vị Chủ tịch nước nói rằng, Trái đất không cần quay quanh mặt trời, cứ đứng yên thì hay hơn, thì sao nhỉ? Lập tức, ít nhất sẽ có vài cánh tay đập thẳng vào mặt tôi: Chủ tịch nước không bao giờ có thể nói thế! Nghĩa là sao? Nghĩa là họ đã Tưởng Tượng nhiều nhất trong đám đông.
Tưởng Tượng không có Ý nghĩa nhiều với Tôn giáo. Các sản phẩm của Tưởng Tượng hầu hết đều giản đơn, như Cây thập giá của Giêsu chỉ là hai đoạn cây nối lại. Địa ngục chỉ là vạc dầu, chảo lửa đơn điệu. Tôi khẳng định với bạn, Tôn giáo là sản phẩm của sự Thỏa hiệp trong mỗi con người. Hiện tại thỏa hiệp với Quá khứ và ngược lại, hai quá trình song song này không bao giờ gặp nhau theo Euclide. Cuộc đời chúng ta cứ như thế trôi qua trong chồng chéo những cặp song song tạm bợ. Nhiều kẻ sống và chết vì một lý tưởng nào đó, có nghĩa là y đã chỉ kéo dài Hiện tại mà bỏ quên Quá khứ. Cái chết nhẹ nhàng vô cùng khi chúng ta nối một que tăm xỉa răng với tháp Eiffel – nhọn hoắt góc hình thang chính là mũi tên ảo tưởng mọc ra từ trái tim y. Hai hình thức cùng nhọn là que tăm xỉa răng và tháp Eiffel có khác nhau không, khi chúng ta đặt chúng cùng một lúc trong đầu óc nhỏ hẹp của mình?
T.S.Eliot có trường ca NHỮNG KẺ RỖNG TUẾCH. Thi sĩ có biết chính thi sĩ cũng xếp hàng như một con số trong hàng hàng lớp lớp những kẻ tung hô “Vì Vương quốc là Ngài” không?
Tôi nghĩ, chúng ta cũng không thể biết. Cái giá phải trả cho Tưởng Tượng không nhỏ. Đamsan và Đankô. Donkihote và Ba chàng ngự lâm pháo thủ. Thị Mầu và Chí Phèo. Hiện Đại mang màu sắc đặc thù cho từng lớp người qua từng lớp đời sống, nếu có. Như giá cả của một cái computer, năm 90 là một tài sản kếch xù, năm 2000 là một tài sản vừa đủ, và năm 2010 chỉ bằng một cái túi xách. Cái máy tính đem lại gì cho anh, đem lại gì cho tôi? Giá trị thật của nó lại không được quan tâm đúng mực. Lúc này, Tưởng Tượng phát huy hết sức khả năng bành trướng của nó. Bạn sẽ nói: Không có máy tính, tôi không viết được. Tôi thì nói: Không lướt web, tôi lạc hậu với thế giới!
Cái cổng của Hậu Hiện Đại ở đây rồi.
Thứ ba là, theo bạn, là gì?
Có người nói, Thứ ba là một ngày trong tuần. Sau Thứ ba sẽ là Thứ tư, Thứ năm, Thứ sáu, Thứ bảy và tất nhiên là Chủ nhật. Tính chất xoay vòng của một quy trình khép kín bắt đầu lộ diện. Tại sao tôi không có quyền cho Vô cực chạm vào 0 – khi không ai xác quyết được Vô cực nằm ở đâu ? Trong Toán học, Quy ước làm nên tất cả. Những ông thầy và trường học là cái cổng hẹp bắt một người học trò phải chui qua. Cớ gì người ta cứ phải đi tìm lời giải cho bài toán Fermat, dù đều đã tin rằng phương trình ấy là một hiển nhiên đúng/sai ngoài tập Tự nhiên? Theo cách này, Bổ đề Langlangds có đất sống.
Hậu là gì? Theo ý nghĩa thông thường, Hậu là SAU, là KẾ TIẾP, là DƯỚI. Gom mấy ý niệm này lại, chúng ta có thể cho Hậu một kết quả trung bình: HẬU = KẾ BÊN. Không dưng tôi dẫn bạn theo hướng này. Trăm hoa đua nở với Khổng Khâu hoặc hai tên cướp bên tả bên hữu Giêsu chính là nguyên do tôi cho phép mình chấp nhận rằng: Bạn KẾ BÊN Tôi! Khi con người chấp nhận được ý thức giản dị này, nghĩa là, con người KẾ BÊN con người. Chúng ta không tự biến mình thành bất cứ một đơn vị đo lường nào nữa. Và, một câu bất hủ của Heraclitus “Một dòng sông không ai tắm hai lần” hiển nhiên là một câu chào đùa trên miệng con trẻ chứ không chỉ là đặc quyền tung hê của bọn trí giả ăn theo nữa.
Tôi chắc chúng ta ít nhất có đọc một vài trang Cựu ước, và, một vài trang Tân ước. Cứ che chắn các cột mốc chương từ thời gian lại, tôi làm sao phân biệt được đâu là Tân đâu là Cựu? Thường thì, các cuộc thi thố trí tuệ bắt người ta lựa chọn theo một triển khai có sẵn nào đó, nên họ cứ bị lối mòn dẫn đi chứ không phải hai bàn chân họ tự đi. Xã hội Á Đông tập cho người ta đi theo lối mòn. Lý do tại sao? Từ các nhà lập pháp (Khổng, Mạnh, Lão, Trang, Phật, Bụt, Quỷ sứ,…) hay tại các nhà cầm quyền hiện tại? Lần nào đó bạn sẽ phải tự tìm hiểu lấy. Còn tôi, tôi chỉ có thể nói rằng, đi theo lối mòn là cách đi nhanh nhất trong muôn vạn cách đi về Quá khứ.
Tôi không chọn cách đi về Quá khứ ! Tôi đi và không cần biết mình sẽ đi tới đâu. Chỉ cần tôi còn muốn đi và tôi còn có thể đi.
Không đâu, Hiện sinh chỉ là một cách đi khác thôi, bạn nhé. Đừng nhầm Hiện sinh với tất cả những gì đang nhân danh Hiện sinh mà xuất hiện, thể hiện. Tà áo dài Việt Nam không nhất thiết phải dài tới mắt cá chân, nó có thể ngắn hơn, nhưng nhất định bạn không thể mặc nó với một cái quần jean được. Pha trộn bản sắc là tất yếu của Mở rộng. Nhưng trước tiên, chúng ta cần có Bản sắc đã. Bản sắc là gì? Bản sắc là cách đi của bạn. Lưu ý một lần nữa điều này, bạn có thể có nhiều con đường để lựa chọn nhưng cách đi chỉ có một.
Tôi quay lại vấn đề bạn đặt ra: HẬU HIỆN ĐẠI LÀ CÁI QUÁI GÌ?
Hoan hô bạn đã có câu trả lời ngay trong câu hỏi: HẬU HIỆN ĐẠI LÀ CÁI QUÁI GÌ.
Lá thư sau, tôi sẽ chứng minh rõ ràng đẳng thức thú vị này nhé!


03/11/2010
TS.

Lên đầu trang