Trịnh Sơn
Bạn kính mến!
Trong khi tôi ngồi đọc thư trả lời của bạn, xung quanh chúng ta đang diễn ra rất nhiều biến cố, biến động về con người, xã hội, và không loại trừ cả vũ trụ cũng chạy đuổi với chính sự bao la của nó. Tâm thần tôi có vẻ yếu ớt hơn trước rất nhiều. Có thể do mưa kéo dài quá lâu ở thành phố chật chội này. Cũng có thể, do tôi đang lớn lên mà không tìm được một cái bóng biết thích nghi. Cả hai lý do đều bắt nguồn từ Mặt trời.
Còn bạn, bạn thế nào? Chắc rằng tâm hồn bạn đang rất băn khoăn về câu chuyện buồn cười tôi đặt ra: Nguyễn Du và Kiều, ai thông minh hơn?
Vô cùng cảm ơn tất cả chúng ta đã có Ngôn ngữ như một cầu nối để đến với nhau. Ai đã qua cầu và ai sẽ qua cầu? Điều này không quan trọng bằng Ý muốn qua cầu luôn ngự trị trong tâm thức mênh mông con người. Cho dù bàn chân nhỏ bé của ai kia không bước nổi nữa, họ vẫn giao thoa với thế giới bằng sự đứng yên của mình. Nỗi cô đơn có thể làm cho một con người bay lên hơn là một ước mơ. Chính trong cơn sốt tù mù mấy ngày nay, tôi được uống một liều thuốc giải cảm cực kỳ quý báu từ bạn. Đó là một khẳng định rất giản dị. Bạn nói:
Vô cùng cảm ơn tất cả chúng ta đã có Ngôn ngữ như một cầu nối để đến với nhau. Ai đã qua cầu và ai sẽ qua cầu? Điều này không quan trọng bằng Ý muốn qua cầu luôn ngự trị trong tâm thức mênh mông con người. Cho dù bàn chân nhỏ bé của ai kia không bước nổi nữa, họ vẫn giao thoa với thế giới bằng sự đứng yên của mình. Nỗi cô đơn có thể làm cho một con người bay lên hơn là một ước mơ. Chính trong cơn sốt tù mù mấy ngày nay, tôi được uống một liều thuốc giải cảm cực kỳ quý báu từ bạn. Đó là một khẳng định rất giản dị. Bạn nói:
“Kiều và Du đều ngu xuẩn. Trong khi Du đứng trơ như một tượng đài, Kiều lầm lũi đi tìm những mô phỏng Kiều 1, Kiều 2, Kiều 3,… làm đầy bầy đàn. Cả hai cách thức thể hiện cuộc đời mình, Du và Kiều, đều hướng vào chính họ, không mở được một cánh cửa nào cho thực tại u ám trong những gian nhà mồ…”
Nếu bạn chỉ viết tới đây, tôi sẽ nguyền rủa bạn, và tất cả chúng ta sẽ nguyền rủa bạn. Thế giới hôm nay đang được sắp đặt theo cách Du diễn giải thân phận Kiều. Mượn áo chữ nghĩa làm phấn son, còn khuôn mặt xuân hạ thu đông vẫn tồng ngồng tỗng ngỗng phơi mùa. Khi tôi cho tôi quyền phán xét bạn, tôi chứng tỏ điều gì?
Bạn sẽ lại chẳng hỏi: Anh là cái quái gì mà phán xét tôi?
Vâng, thời gian có quyền năng hơn mỗi chúng ta ở đặc điểm này. Mười năm trước, bạn ngồi nhớ về thời thơ ấu; bây giờ, bạn lại đang ngồi nhớ về khúc ấu thơ ấy. Tôi hỏi bạn: Hai kỷ niệm ấy khác nhau ư? Kỷ niệm sau đắt giá hơn kỷ niệm trước bao nhiêu? Một số khoa học cố tình tìm cách biện ngẫu chuyện này, nhưng đều tốn công vô ích. Mọi phương pháp nghiên cứu từ đơn giản tới phức tạp đều lắc đầu trước đối tượng không bao giờ chịu đứng yên của nó, là con người. Chúng ta rũ bỏ những khái niệm, trích dẫn đã có và đang có như một cách đốt phá cây cầu dẫn tâm thức ta về phía nhà mồ. Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại được khởi xướng ở Mỹ (hình như vậy) cách đây mấy chục năm, của một số kẻ tự cầm tù mình trong bốn bức vách tham vọng: Vượt qua những gì đã có. Họ rất khôn ngoan, nhưng đồng thời với sự minh mẫn đáng lẽ được sinh ra và tái tạo liên tục để phục vụ cho hiện tại (cái hiện tại không bao giờ ngưng sinh sôi nẩy nở từng phút từng giờ) lại là vòng kim cô xiết chặt não bộ họ với cái ngày hôm qua nào đó. Khi họ đặt mốc Hậu Hiện Đại cho mình, chính là họ đã công nhận Quá khứ đã Hiện Đại rồi.
Tôi không cho rằng họ sai lầm. Người nghệ sĩ nhạy cảm và quả cảm, mang trong ngực mình ngọn lửa với ước vọng thắp sáng cộng đồng chung quanh. Khi nào anh còn tự cho mình quyền đốt cháy thế gian bằng ngọn lửa của anh, thì khi ấy, nhu cầu tất yếu của bản thân anh là có thật nhiều củi khô để nhen nhóm và giữ lửa. Những cái tên Mỹ đã qua kia, tôi không muốn nhắc lại. Sau khi họ giương ngọn-lửa-cháy-ngược xuống, thời gian vĩ đại và công bằng dành ngay cho họ một góc nhỏ ở Viện bảo tàng. Ở đó, họ vẫn sống và còn sống với ngọn lửa mà những cái tên họ đang là than âm ỉ cháy. Viện bảo tàng này không ở xa chỗ bạn cư ngụ lắm đâu, có khi ở trong lòng bạn cũng nên. Nó như kiểu một Ngân hàng ÂN HUỆ của Paulo Coelho. Nhiều người Việt đang cố gắng xây dựng nhiều mô hình sao chép với một vài cái tên mà bạn đã biết, chúng ta không nên nhắc ở đây. Họ sử dụng tiếng Việt theo kiểu những bà những cô bán cá ngoài chợ tranh giành khách với nhau, tạo nên một số tạp âm khó nghe, và họ lầm tưởng đó là Mới. Không mới, tôi khẳng định, chúng không hề là một phương thức diễn đạt mới. Chúng đã có và dân tộc Việt chấp nhận sự hiện diện của chúng hằng ngày trong giao tiếp bình dân. Nên, tôi khuyên bạn, nếu có thời gian, hãy ra chợ chiều với một cái máy ảnh, tiện tay chụp lại một vài kiểu cách Việt-chợ sẽ có ích hơn là mày mò với mớ sách được gọi là Lý luận-Phê bình/Tác phẩm/Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại.
Tôi trải qua một số ngày tháng mất tự do, và bạn, có thể bạn cũng vậy. Cảm giác của chúng ta lúc ấy như thế nào? Luôn khao khát mãnh liệt được giải thoát khỏi gông cùm khó thở. Hằng mong muốn bứt phá, vượt ngục. Kéo theo nhiều ước mơ như là món ăn tinh thần nuôi dưỡng thân xác còi cọc ta trong kiêu hãnh đau đớn. Vậy nên, tôi không cho rằng hết thảy những kẻ đào tẩu là xấu! Họ có quyền quyết định cuộc đời và cảm xúc của mình cho đến khi họ còn có thể. Những cái gọi là Hậu Hiện Đại bây giờ cũng thế. Trên con đường đi tìm cái MỚI, người ta thường quên rằng cái MỚI không thể nằm ngoài cái THẬT và cái THẬT chỉ tồn tại trong CẢM XÚC CHÂN CHÍNH mà thôi. Tất cả tác phẩm đã xuất bản và đang dự định xuất bản của bạn, bao nhiêu ý tứ mang CẢM XÚC con người? Bao nhiêu câu chữ bao hàm TINH THẦN TỰ DO? Một thời gian dài, khi người Pháp mang cớ “khai sáng An Nam”, cha ông chúng ta phải chịu đựng một cái gáo dừa úp chặt vào mặt, trong khi đã có hai cái gáo dừa ăn sâu hai gò má là Trung Hoa phong kiến và Ông trời. Cái TÔI của phương Tây chỉ mới ló đầu lên đòi giải phóng, có gì đáng ngợi ca và học hỏi so với cái TÔI của Á Đông đã đứng sừng sững giữa đất trời, hóa hòa vào cỏ cây, giao cấu cùng Vũ trụ tạo ra những sản phẩm luôn luôn được cập nhật ví dụ như ẢO TƯỞNG hoặc NIỀM TIN? Ngày nay, chúng ta có quyền lột bỏ cả ba cái gáo dừa ấy ra một cách thoải mái, chỉ cần chúng ta muốn. Quẳng chúng vào sọt rác hoặc xuất khẩu sang ÂU MỸ cũng được, hà cớ gì lại làm ngược lại bằng cách tốn tiền mua sắm và đeo thêm nhiều cái gáo dừa khác?
Một cái gáo dừa nho nhỏ mà tôi tạo ra từ Lá thư thứ nhất, và bạn đã đeo vào, chính là sự chờ đợi bài chứng minh đẳng thức thú vị: HẬU HIỆN ĐẠI LÀ CÁI QUÁI GÌ.
Không phải tôi cố tình trêu chọc bạn đâu, mọi suy nghĩ đều đáng được trân trọng và suy nghĩ cặn kẽ hơn.
Cái gáo dừa không xấu, nếu nó được sử dụng cho việc múc nước ra từ những chum vại ở các miền quê Việt. Như là một phương tiện hữu ích cho người nhàn nhã. Sự bình tĩnh tiếp nhận giúp chúng ta vượt qua nhiều biến động tưởng chừng không vượt qua nổi. Chính tôi cũng đang dùng cái gáo dừa của tôi múc cạn mớ cặn bã luôn vây đuổi chực chờ rót vào cuộc đời mình. Sau một đêm trầm tư trăn trở và mệt nhọc ngủ quên, thể nào sáng hôm sau thức dậy, bạn cũng thấy ngập tràn đầu óc bạn những âm hưởng của một giấc mơ nào đó. Tôi không muốn giải mã giấc mơ kiểu Phân tâm học, tôi thích nhìn nhận giấc mơ theo cách THẦY BÓI XEM VOI hơn. Người ta vẫn kết tội mấy ông thầy bói vì chỉ sờ đầu (chân,tai, đuôi, vòi…) mà dám kết luận cả con voi. Tôi không coi thường đúc kết của dân gian, nhưng tôi muốn đặt ngược vấn đề một chút: CON VOI LÀ CÁI QUÁI GÌ? Không phải nền tri thức nhân loại ngày nay cũng chỉ là một cái sờ tay vào mênh mông vũ trụ hay sao? Cách nhìn của mỗi dân tộc, của mỗi thời đại có quyền khác nhau chứ? Người ta hơn nhau ở chỗ dám sờ nắn hiện tượng và cảm nhận nó mà không cần phải đưa ra một kết luận nào cả. Cả năm ông thầy bói đều có riêng mỗi con voi tùy theo khả năng dung nạp và sức chứa cảm xúc của từng người, đều đáng trân trọng và nghiền ngẫm lâu hơn nữa. Gần đây, tôi có đọc được một truyện cực ngắn của Augusto Monterroso: “Thức dậy, con khủng long vẫn còn đó.” Người ta đón nhận con khủng long như một điều ghê gớm lắm, tôi thì không. Họ không nhận ra con khủng long đã hiện diện trong đầu óc họ từ lâu, còn tôi thì đã thấy con voi ngọ nguậy cái vòi đói khát của nó trong tâm trí mình. Cả hai con vật có thật/không thật ấy, làm giàu sự tưởng tượng và kéo theo sự khiếp nhược của chúng ta đối với thế giới bao la chưa từng biết hết.
Có thể bạn quá tôn sùng con khủng long ngoại nhập và phản bác tôi. Chúng ta có quyền như thế chứ. Nhưng, tôi chỉ muốn thưa với bạn rằng:
- Bạn ơi, con khủng long của bạn và con voi của tôi phải là những con vật cô đơn!
Đến đây thì bạn thân mến ạ, bạn đã đọc được lời giải của tôi cho đẳng thức thú vị HẬU HIỆN ĐẠI LÀ CÁI QUÁI GÌ rồi chứ? Hơn ai hết, tôi mong muốn bạn thực sự có một cách nhìn nhận của riêng bạn với cuộc đời này. Có thể sai lầm, có thể thua thiệt, nhưng chính nỗi cô đơn khắc nghiệt hoàn toàn riêng tư ấy sẽ tạo ra bầu trời cho chính bạn, hai buồng phổi bạn cần có không khí trong lành để bù đắp cho sự hao hụt oxy sau quá nhiều ngày tháng nghiện ngập với sex, café, rượu bia và thuốc lá... Bạn hãy là bác sĩ cho chính bạn! Trong cùng một hoàn cảnh, bạn hãy ứng xử bằng cách của bạn, theo sự mách bảo của bàn tay dám sờ nắn con khủng long choáng ngợp kia. Đừng bắt chước ai cả.
Tôi mách bạn một mẹo nhỏ này: Bạn hãy đọc to một bài thơ Hậu Hiện Đại nào đó trước mặt tác giả của nó và nhận nó là của bạn, và xem tác giả Hậu Hiện Đại kia nói gì? Chắc chắn, anh/chị ta sẽ cười như chúng ta đang mỉm cười hôm nay: HẬU HIỆN ĐẠI LÀ CÁI QUÁI GÌ!
Đây không phải là cách riêng của tôi đâu, chúng ta phải cảm ơn một người Thầy thông tuệ là Rainer Maria Rilke. Đôi mắt sâu thẳm của Thi sĩ đã dạy tôi cách nhìn vào tâm hồn mình. Hãy nhìn vào tâm hồn mình trước khi nhìn ra thế giới!
Nếu có lá thư thứ ba, tôi sẽ nói với bạn về Tâm hồn tôi. Tâm hồn tôi là cái quái gì?
Thân mến!
Sàigòn, 12/11/2010
TS.