Trịnh Sơn
Không thể gật đầu với cách trả lời ỡm ờ của bạn được, bạn thân mến ạ. “Thơ phải đi vào lòng người”. Không chỉ thơ, mà tất cả các hình thức nghệ thuật khác, có món nào lại không muốn đi vào lòng người? Điều tôi muốn nghe ở bạn, nghệ thuật là món gì? Đi vào lòng người như thế nào? Lòng người là cái quái gì mà nghệ thuật phải đi vào?
Không thể gật đầu với cách trả lời ỡm ờ của bạn được, bạn thân mến ạ. “Thơ phải đi vào lòng người”. Không chỉ thơ, mà tất cả các hình thức nghệ thuật khác, có món nào lại không muốn đi vào lòng người? Điều tôi muốn nghe ở bạn, nghệ thuật là món gì? Đi vào lòng người như thế nào? Lòng người là cái quái gì mà nghệ thuật phải đi vào?
![]() |
Thi nhân Việt Nam của anh em nhà Hoài Thanh dẫn dắt cả một thế hệ cha ông chúng ta vào cõi tù mù, hết sức mơ hồ. Không vẽ nổi một cánh đồng cho thế hệ chúng ta hôm nay chạy rông chăn trâu thả diều. Ngăn ngăn ô ô sọc sọc vuông vuông. Những tác phẩm thơ mới của một thời và bi lụy kéo theo nó, bạn ngẫm lại mà xem, cái gì đang rả rích trong tâm hồn bạn hôm nay? Cái giá phải trả cho một con đường mòn quá đắt. Từ những ngày mài mòn ghế nhà trường, tất cả chúng ta phải cúi đầu nghe những ông giáo bà giáo tụng ca những áng văn chương tràng giang đại hải vượt quá tầm kiểm soát sự tưởng tượng của tuổi hoa niên non nớt
. Khi ấy, bạn có đôi lần chán nản, nhảy cửa sổ cúp học. Tôi ngủ nướng thường đến trường bằng cách leo tường sau. Ngôi trường ấy, có còn đó không?
. Khi ấy, bạn có đôi lần chán nản, nhảy cửa sổ cúp học. Tôi ngủ nướng thường đến trường bằng cách leo tường sau. Ngôi trường ấy, có còn đó không?
Còn. Nhiều lần tôi đi ngang qua đó. Những khuôn mặt cũ ló ra, thảm hại. Nào là Ấn tượng, Tiền phong, Tượng trưng, Bán tượng trưng, Tương lai, Siêu thực, Dã thú, Dada, Hiện sinh, Hậu Hiện đại,… Không cách nào để phân biệt nổi những người bạn cũ này, họ đông đúc – ồn ào chen chúc, hèn hèn sao ấy, chưa bao giờ thấy ngước mặt giữa Việt Nam này một lần nào. Khi không thể phân biệt nổi họ, tôi đành cho phép mình gọi họ bằng cái tên chung chung: Anh bạn Hình thức! Họ rất kiêu căng đấy chứ, phô diễn triền miên khắp các thư viện, nghuệch ngoạc phấn trắng bảng đen và kể cả những bức tường thành phố đáng lẽ phải được sạch sẽ tự nhiên. Họ thay đổi áo quần cho nhau liên tục – những bộ trang phục ngày càng nhạt nhẽo màu sắc, sờn vai đứt chỉ; đôi lúc, áo này xỏ quần kia, quần nọ chui áo khác – tưởng là mới mẻ, rốt cục chỉ vẩn vơ được dăm ba ngày rồi đâu lại vào đó. Tân Hình thức ở chỗ nào, nếu thực sự có một thứ gọi là Tân Hình thức?
Tôi tin rằng, Tân Hình thức, nếu có, ở trong tâm hồn bạn và tâm hồn tôi. Tâm hồn chúng ta là cái quái gì? Ở đâu? Hình dạng thế nào? Đặc tính cơ bản?
Tôi đưa ra 3 ví dụ. 3 nhà thơ của chúng ta:
“Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi”
(Hàn Mặc Tử)
“sao tuổi trẻ quá buồn
như bàn ghế không bầy”
(Thanh Tâm Tuyền)
“đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”
(Nguyễn Xuân Sanh)
Ba lời thơ trên, bạn phân biệt chúng bằng cách nào? Cái thời gian chảy lặng chảy lẽ trong đường gân thớ thịt người ta không theo một vận tốc định sẵn nào, nhưng cùng gặp nhau ở chỗ: Không bao giờ đứng yên. Hàn giỏi biến chuyển vô vi của Lão Trang thành thơ mình, và/hoặc, Hàn sáng tạo ra cái thời gian hình mũi tên có đầu nhọn có cuối xòe ấy? Đọc và ngẫm ngợi một thoáng qua, 3 lời thơ trên lời nào đã chui tọt vào lòng bạn đầu tiên? Theo Stephen Hawking, thời gian có liên quan đến entropi (trạng thái động lực học) vĩ mô. Hay nói cách khác thời gian là một đại lượng mang tính vĩ mô. Nó luôn luôn gắn với mọi mọi vật, không trừ vật nào. Thời gian gắn với từng vật là thời gian riêng, và thời gian riêng thì có thể khác nhau tuỳ thuộc vào bản chất của vật đó, ví dụ với mỗi người thời gian có thể trôi đi khác nhau. Thời gian của vật này có thể ảnh hưởng đến vật khác. Tôi chưa vội đồng ý với gã làm khoa học này, vì tôi còn phát hiện ra một số thuộc tính kỳ diệu của thời gian trong sự nhạy cảm bí ẩn của mình. Nó hoàn toàn khác với cái anh-thời-gian của Hàn Mặc Tử, mềm mại hơn ả-thời-gian của Thanh Tâm Tuyền, mạnh mẽ hơn bà-cô-thời-gian của Nguyễn Xuân Sanh. Nó như thế này:
Chuyện về Phật Thích Ca Mâu Ni:
“Khi nhập niết bàn, Ngài nói với chúng đệ tử vây quanh mình: – Nếu có ai trong các ông nghĩ rằng ta sắp nhập niết bàn thì người đó chưa phải là đệ tử của ta. Mà ai nghĩ rằng ta không nhập niết bàn cũng chưa phải là đệ tử của ta!”
Khẳng định và phủ định là lối tư duy thông thường từ ngàn xưa tới nay. Khoa học kỹ thuật được thiết lập trên cơ sở A và Phi A, Pascal xây dựng hệ thống toán học của mình bằng 0 và 1. Cho đến khi Einstein xác lập Thuyết Tương đối, đại đa số con người nghĩ rằng Einstein đang cố gắng phá vỡ ranh giới Có – Không, giới học thuật (đặc biệt là Phương Đông) quay trở lại với triết Lão Trang để nhìn nhận mọi vấn đề có liên quan theo tính cách mở rộng và đa chiều. Bản chất mơ hồ, hay chính là cái bóng của khách thể mà họ nhìn thấy, thật sự có thay đổi hay không? Chắc chắn là không. A vẫn là A và Phi A vẫn là Phi A. Khoảng cách giữa 2 mệnh đề được nối (đã, đang và sẽ mãi mãi) bởi 1 trường tương đối. Xét theo không gian qua con mắt Vật lý hiện đại, trường liên kết này không phải là tập hợp những đường thẳng hay tập hợp những mặt phẳng nữa. 3 chiều không gian của Einstein, được mở rộng và ngày càng mở rộng thành vô số chiều không gian mới. Nhưng, không gian (đối tượng chính) vẫn bất biến, nó có thể co giãn phình ra hay thu hẹp lại, nhưng, đó là sự thay đổi của tự bản thân nó. Và, thời gian không phải là một tia thẳng như chúng ta vẫn vẽ nó trên các mặt tọa độ.
Ở đây, Thích Ca Mâu Ni đã biến thời gian thành một động tác. Kỳ dị thật. Học trò của ông ta, từ kẻ thứ nhất đến kẻ bây giờ, đem miếng mồi thời gian đi qua khắp nẻo nhân sinh, uống nước trời nói đạo trời, ăn cơm người đọc đạo người. Thời gian trét vách tô thành, làm nên Tịnh độ, làm nên Thiền, làm nên ngàn vạn tín đồ răm rắp vâng lời. Cứ như thế, con đường nối dài nối dài mãi, lặp đi lặp lại khúc Ngữ ngôn tầm thường qua vòm miệng con người. Xét qua nhiều tiêu chuẩn của tôi, Giesu có cách biến tấu tiết kiệm thời gian hơn Thích Ca. Mùa thương khó là một đại lượng lớn hơn bất cứ thứ gì trong tầm đo đếm của nó.
Phương Tây, trong một thời gian dài, để chống lại sức hủy diệt tinh thần của nền kỹ thuật duy lý, đã hướng về phương Đông như một giải pháp hữu hiệu để duy trì nền tảng văn hóa, tôn giáo và triết học của mình. Thật ra, ranh giới phương Tây – phương Đông chưa hề được xác lập, nó chỉ tồn tại trong định kiến của một bộ phận con người. Chính sự xác quyết cực đoan này dẫn họ vào sự bế tắc của tư tưởng.
Tâm hồn của Hàn Mặc Tử, tâm hồn của Thanh Tâm Tuyền, tâm hồn của Nguyễn Xuân Sanh khác nhau bao nhiêu, qua 3 cách định nghĩa thời gian như thế? Tính gián đoạn vô nghĩa ở cung bậc này. Chúng ta xem xét một hiện tượng, nhiều khi, chỉ qua hiện tượng của hiện tượng đó.
Thích Ca Mâu Ni có tâm hồn không?
Tôi có tâm hồn không?
Nhiều sự diễn giải lòng vòng của đám triết gia triết giả làm tôi buồn cười. Nào là “rỗng không”, nào là “cửa sổ”, nào là “phi vật chất”… Trong một chừng mực nào đó, chúng ta cho phép mình ngậm một cái bánh thánh trên lưỡi, để cho nó tan và cố công cầu nguyện. Một cô em gái nói:
“có lẽ tôi cần đái một lần nữa
để chúa sinh ra”
(Lưu MêLan)
Thời gian trôi trong cổ họng cô ấy như những giọt cặn bã của thời đại tuốt tuồn tuột qua khe biến cố. Nếu nói rằng, cô ấy làm mới, cô ấy Hậu Hiện đại, bạn phải chỉ ra cái mới, cái hậu của cô ấy ở đâu. Hoặc ít nhất, phải cảm thụ được nó. Không thể ậm à ậm ừ như một cách bắt tay làm huề vốn liếng mình đang có. Lưu MêLan sai lầm ở chỗ: Chúa, nếu có, đã sinh ra trong lần đái đầu tiên của cô ấy chứ không cần lần nào nữa. Sai lầm này dẫn cô ấy đi vào tuyệt vọng, ngôn ngữ thành một phương tiện dễ cầm nắm và vung tay tùy tiện. Bạn có theo dõi cô ấy, sẽ chứng thực điều tôi nói. Biến cố cô ấy chịu đựng, nếu có, là cái áo cô ấy đang mặc quá chật. Chật quá, tại sao không cởi nó ra, xé nát và bện lại thành sợi dây thừng xiết vào cổ bọn kền kền đang rình rập những món cô ấy phô diễn? Sai lầm ấy, đôi khi, tạo ra một số hình thức nghệ thuật, như kiểu Nguyễn Ngọc Tư đẻ ra “cánh đồng bất tận”. Chỉ đôi khi thôi, rồi tự chết với cái thân thể trống huơ trống hoác của mình. Đã bất tận, thì làm sao bắt nó phải chịu đựng trong lồng ngực bé xíu của mình, chỉ có một lối thoát là núm vú tí ti?
Tâm hồn chúng ta không ai có thể định dạng được, trừ khi chúng ta muốn. Với một số người, là nắm đấm vào bất công, hận thù. Với một số người khác, là vuốt ve mười đầu ngón tay theo cơn dục vọng phát tiết. Với một số người khác nữa, là không-là-gì-cả… Mọi biểu hiện đều mang tính miễn cưỡng, một cộng hưởng miễn cưỡng giữa bản năng và ý thức có sẵn. Theo cách của Einstein, bạn có thể tìm ra chiều thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ n của không gian này. Vậy thì, việc đó có ý nghĩa gì với chúng ta trên con đường kiếm tìm một phương thức thể hiện bản thân mình?
Tôi hỏi bạn: Tại sao người ta chỉ gọi Thứ Tư mà không gọi Thứ Bốn?
Câu hỏi nhỏ có kết cấu hơn bao nhiêu lý thuyết bạn đã được chiêm ngưỡng. Khi muốn nâng một định hướng tư tưởng lên thành Chủ nghĩa, ít nhất, bạn phải có lý thuyết cơ sở và đảm bảo lý thuyết ấy phục vụ cho Chủ nghĩa mà bạn muốn thực thi. Hậu Hiện đại có làm được điều đó chưa?
Một số câu chữ của Lưu MêLan mà tôi được đọc, khiến tôi nghĩ rằng, cô ấy yếu ớt và cô đơn vô cùng. Tại sao Việt Nam mình không có những cái giường đặt ở ngã tư, ngã năm góc phố nhỉ? Venus hay Lưu MêLan qua thời gian, cũng chỉ đọng lại vài giọt co kéo mật không phải mật đường không phải đường, mây chưa hẳn mây mưa chẳng thành mưa. Cái chợ ồn ào tự phát như một nhu cầu tất yếu của một khu dân cư mới. Họ đến đó, làm gì, mặc họ. Chúng ta đến đó, làm gì, kệ chúng ta. Xã hội Việt Nam bây giờ không chấp nhận Thanh Tâm Tuyền sống dậy, nhưng có thể chấp nhận thắp cho người thi sĩ này vài nén nhang gọi là.
Rồi đến lúc nào đó, bạn phải thét lên: Cởi trói cho tôi! Hoặc, tín hiệu S.O.S được phát tán. Vì sao, nội lực của bạn lớn hơn những gì bạn đang chịu đựng. Entropi cấu tạo nên cuộc đời bạn, là những biến cố, kỷ niệm bạn đã chịu đựng và trải qua một cách tự nhiên nhất, không hề gắng gượng. Khi tôi nói “chịu đựng tự nhiên”, nhiều người sẽ thắc mắc rằng: Đã tự nhiên sao lại còn chịu đựng?Họ nghĩ sai vấn đề cơ bản nhất của một sinh thể. Sự sống là một sự chấp nhận thương tổn và bồi đắp. Theo cách biện luận của tôi, Ngôn ngữ trở thành một sinh thể thực sự. Vậy thì, tại sao ông Lê Đạt ảo tưởng rằng mình phải làm một cuộc cách mạng ngôn ngữ? Làm thơ là một công việc hoàn chỉnh, chứ không thể là một khát khao. Khát khao chỉ là một công đoạn hoặc chuẩn bị hoặc hậu kỳ. Khi bạn nghĩ ra một cái gì đó, con người bạn nặng hơn một chút. Nghĩ thêm, chưa chắc đã hay hơn. Và cho đến lúc bạn nhận ra cái nghĩ kia chỉ là một cái lá thì cơ thể bạn đã nhẹ hơn. Một kiếp lá được mô tả như thế. Nhiều lần tôi được đọc cho nghe một khúc Hồ Thỷ. Đọc chứ không phải hát hoặc khóc. Tâm trí tôi lúc ấy, không hề có một gót chân rợ Hồ, mà tràn ngập mọi biên giới là tiếng dội thời gian chan chát giữa bốn bề vách đá Đông Tây Nam Bắc với cuộn gió phương nao lạc lại. Hậu Hiện đại, nếu có, là chiếc lá đã mọc từ thời Nguyễn Trãi. Nó xanh qua bao nhiêu thế hệ thơ ViệtNam và rụng ngay gốc cây Xã Hội Chủ Nghĩa đột tiến. Tôi dùng chữ ĐỘT TIẾN theo cách một anh nông dân dắt bò qua đường cái, bạn chớ bận tâm vì anh ta sẽ làm như thế nào, mà hãy nhìn sắc diện anh ta. Đàn bò không đếm được, nhưng, nỗi phiền muộn trên mắt mũi kẻ muốn qua đường có thể đếm được. Tôi từ chối tất cả những gì của Hàn, của Tuyền, của Sanh bỏ lại sau 3 lời thơ đó, được không?
Trước khi bạn muốn khẳng định, có hoặc không, bạn đã phải khẳng định đối tượng của mình là gì. Hiện đại là tiệm tiến với phương thức thiết thực nhất để vẽ viết chi li cái hình hài đối tượng kia. Vậy thì, Hậu Hiện đại muốn đạt tới gì? Bằng cái cày cũ và con trâu cũ? Trừ khi họ muốn trở thành những con trâu thực thụ, còn không, tôi vẫn nghĩ rằng họ chỉ muốn làm kẻ nhai lại những phiến lương thực cuối cùng. Anh em nhà Hoài Thanh nói “Chạy đi đâu cũng không thoát cái tôi thì tôi cứ là tôi vậy. Hay dở tính trời”. Cả ông trời và ông tôi, nếu sống được trong hoàn cảnh khó khăn hôm nay, ai sẽ chạy theo cái “nghệ thuật vị nghệ thuật” hoặc cái “nghệ thuật vị nhân sinh” ? Khái niệm “trận tuyến tâm tình” của Chế Lan Viên thành ra cũ, vì nó đã trải qua một cuộc đời rõ ràng ai cũng nhìn thấy, chứ không hẳn nó cũ vì nó không thích nghi với sự biến đổi đang xảy ra hằng ngày hằng giờ.
Một ngày nào đó, tôi muốn đến thăm bạn với một người bạn khác, là tôi. Cấu trúc ngôn ngữ đã không còn ý nghĩa nhiều kể từ lá thư thứ ba này nữa. Cứ ngồi đợi tiếng chân tôi theo cách hai lỗ tai bạn tiếp nhận âm thanh cuộc đời nhé!
Bàrịa, 23/11/2010
TS.