Trịnh Sơn
“Em trở về đây một lần nữa anh ạ, em đang ở đây, đang ngày ngày đi trên những con đường cũ bây giờ như đã được mở rộng ra hơn, kéo dài ra hơn, đang đêm đêm đi vòng quanh khu chợ sáng đèn, ngắm những tiệm tạp hóa hình như có vẻ huy hoàng hơn trước nhiều, và mỗi buổi sáng buổi chiều em lên xuống con dốc quen thuộc để đi ăn, giống như hồi còn đi học – em trở về đây một lần nữa, và em hiểu rằng đây sẽ là lần cuối cùng, bởi vì em nay đã hiểu được em, bởi vì em nay đã khôn lớn, đã trưởng thành, và em cũng đang buồn vì sự trưởng thành khôn lớn của em đây.”
(Hoàng Ngọc Biên – Thành phố dốc đồi – Tạp chí VĂN số 89, ra ngày 1/09/1969)
Tôi cố ý chép lại đoạn văn mà thuở ấu thơ mẹ tôi vẫn bắt tôi tập viết, tập đánh vần, hai mấy năm chứ ít gì – để tỏ rõ sự chán nản của tôi khi càng ngày càng nhận được nhiều câu hỏi hết sức ngớ ngẩn của bạn, ví dụ như
:
:
- Tại sao chiếc lá Hậu Hiện đại, nếu có, đã mọc từ thời Nguyễn Trãi?
- Trích Heraclitus phải trích chính xác từng câu chữ chứ?
- Đố ai biết “vặn vẹo mình theo kiểu của Michelangelo” là kiểu gì? Có phải Michelangelo là một vũ nữ hay một người làm xiếc?
- Euclide nào mà lại nói “Hiện tại thỏa hiệp với Quá khứ và ngược lại”?
- …
Tại sao tôi phải chép đoạn văn của Hoàng Ngọc Biên mà không chép Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi ra đây? Bạn thơ ấu ạ, chúng ta đã bị ức hiếp nhiều hơn bất cứ thế hệ nào của Việt Nam, bằng một nền giáo-dục-tỵ-nạn, do đó, cái hệ thống kiến thức trong đầu óc bạn làm cho bạn khô cứng với những giá trị tốt đẹp đáng có nếu hệ thống ấy hoàn toàn được bẻ gẫy, bán đồng nát. Bạn lại đang thắc mắc tại sao tôi lại gọi nền giáo dục hôm nay là nền giáo-dục-tỵ-nạn chứ gì?
Thưa bạn, nó như thế này.
“A. de Rhodes mà lại đủ tư cách để ăn theo Lý Thái Tổ ư? Xin chớ để cho bóng dáng ông cố đạo kia len lỏi vào mà làm giảm mất cái không khí long trọng của cuộc đại lễ ngàn năm có một này” (An Chi - Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ Việt?)
Đọc cái sự lý luận của ông An Chi, tôi sực nhớ tới cái sự trở về của ông Nguyễn Cao Kỳ. Người ta tỵ nạn quá lâu trong cái sự tin tưởng hão huyền vào những lý thuyết đồ sộ các thế hệ trước gieo lại hoặc chính thế hệ mình gieo trong vuông ruộng ngập úng của mình, lâu quá lâu – đến lúc nào đó, người ta ngỡ rằng mình là như thế, mình phải như thế mới hợp lẽ tự nhiên. Rhodes có đòi muôn dân Việt nhớ đến mình đâu mà lại phải nực cười sống dậy nghe từng đám đông hội họp hội hè luận công/tội của mình? Sau ngàn năm cha ông ta tỵ nạn vào vô độ học thuyết của Trung Hoa với tấm bản đồ hình vuông có nước Trung Hoa là trung tâm, con cháu muốn chặt đứt hàng rào kẽm gai ấy bằng một chuyến vượt biên xa hơn: Thế giới rộng lớn tròn trịa thực thụ. Chữ quốc ngữ có đất sống, sinh sôi nảy nở và bây giờ là cái ngôn ngữ chúng ta đang viết đây. Từng lớp ký hiệu thay từng lớp ký hiệu, hoặc bổ sung hoặc phá vỡ xây lại, cách nào cũng trở trăn bằng ngày ngày tháng tháng, sướng khổ hào nhục. Ông An Chi tin rằng nếu Rhodes không có cuốn từ điển Việt – Bồ – La khai sinh năm 1651 tại Vatican để truyền bá Thiên chúa giáo thì chữ quốc ngữ vẫn có thể có, không sớm thì muộn. Có lẽ, chậm lắm thì đến thời của ông ấy giữ mục Chuyện đông – chuyện tây trên Tạp chí Kiến thức ngày nay ư?
Tôi băn khoăn nhiều không phải ở cái nguồn gốc bập bênh của chữ quốc ngữ, mà ở cái sự quy chụp Rhodes với tham vọng bá quyền – lưu danh thiên cổ mà ông An Chi đặt ra? Sao ông không tự hỏi mình: Lý Thái Tổ có biết viết hay không? Nếu biết viết thì vị vua có công dời đô này viết bằng thứ chữ gì? Chiếu dời đô có Hậu Hiện đại không, theo cách người ta diễn giải “chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận những giả định căn bản của chủ nghĩa hiện đại mà hai yếu tố đóng vai trò chủ đạo cho mọi nền tảng triết lý của nó là Tri Thức Khách Quan và Sự Thật Tuyệt Đối”? Trong khi con cháu của Mao vẫn chưa tìm được cách chuyển tải chữ viết của mình ra abc…xyz thì chúng ta bất ngờ đón nhận nhiều hoạt động kiểu như của ông An Chi: Tượng hình hóa lịch sử Việt Nam. Nguyễn Cao Kỳ trở về, rất có thể ông ta ngồi chung bàn và uống trà/hút thuốc lào với những người năm xưa quyết bắn rơi/bắt sống tên phi trưởng gian hùng. Con người rất dễ chấp nhận thực tại – chấp nhận một cách không khoan nhượng cả cái quá khứ đã qua. Thích nghi ư? Tôi không tin có sự thích nghi nào trong việc ông Kỳ trở về. Cái hay của Hoàng Ngọc Biên là đã viết ra một sự việc mà mấy chục năm sau xảy ra một cách ngoạn mục. Nhân vật “em” của Biên và nhân vật Kỳ của lịch sử Nam Bắc phân tranh - đều là 2 nhân vật được sinh ra và trưởng thành dưới ngòi bút của một tác giả tài năng. Hoàng Ngọc Biên có Hậu Hiện đại không?
Nhiều lần tôi vận dụng lối diễn giải “cỏ mọc mầm sau mưa” của D.T.Suzuki để đi sâu vào những vấn đề mà nền văn hóa – giáo dục Việt Nam đang gặp phải: Kiều và Du, ai thông minh hơn? Hay,chính Nam Cao chứ không phải ai khác đã đẻ ra Chí Phèo. Hay, Lạnh ngắt Lý Mạc Sầu khóc hận Kim Dung. Hay, Bàn chân em oan từ độ Dế mèn… Hậu Hiện đại là cái quái gì, nếu như những cái miệng/mồm phát ra nó cũng phải ăn/uống/hút/nói như mọi sinh thể từng có mặt trên hành tinh này? Nền giáo-dục-tỵ-nạn đẻ ra đứa con văn-hóa-tỵ-nạn mà văn chương là cái lưng nhếch nhác vì người ta chỉ chú tâm ủ ấm điểm trang cho bề mặt thôi. Tiếng Việt tỵ nạn một cách tình nguyện/tự nguyện trong những trang trại tình thương, đôi khi mới có một kẻ dám vượt rào trốn chạy và lập tức mất tích, không để lại dấu vết gì. Tự do kiểu gì, tân hình thức kiểu gì – khi chính bạn đóng khuôn bạn trong ý thức vuông tròn/méo mó vay mượn đâu đó? Tôi xin phép copy ra đây mấy lời bình bàn của Inrasara :
“Thơ hậu hiện đại là thơ phản tỉnh mang tính phê phán hiện thực, thực tế đất nước và thực trạng văn chương. Nhà thơ hậu hiện đại chối bỏ mọi dạng đại tự sự grand narratives làm ngu muội đầu óc và làm u mê tinh thần. Chối bỏ đại tự sự không gì hiệu quả hơn thái độ giải thiêng sự thể. Giải thiêng hình chữ S của đất nước (Nguyễn Hoàng Tranh), giải thiêng ảo tưởng bốn ngàn năm văn hiến (Đinh Linh) hay niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc (Nguyễn Đăng Thường), giải thiêng huyền thoại Việt Nam là nước thơ (Lý Đợi) và giải thiêng chính bản thân thơ ca (Bùi Chát): thơ ca chỉ là món hàng như mọi món hàng, nó không đứng cao hay thấp hơn các hàng hóa khác.
Giải thiêng để cơ hội nhìn thực tại bằng một cảm thức khác. Mang tư tưởng tự do, nhà thơ hậu hiện đại luôn có tiếng nói phản biện xã hội đương thời. Dân chủ giả tạo bàng bạc hay lồ lộ khắp nơi, họ chỉ nó ra. Lòng yêu nước chân chính bị đè bẹp để thứ yêu nước giả tạo lên ngôi, họ nói về nó. Bầu cử giả vờ, tổ chức lễ hội giả tạo, văn chương thiến hoạn và theo đuôi, phép lịch sự và lối sống văn minh giả tạo và, khi báo chí sợ nói thật về mọi điều giả tạo, họ lên tiếng về chúng.”
Và, một lời khác, của Trần Quang Quý:
“Thơ ở TP. Hồ Chí Minh có vẻ xu hướng hậu hiện đại trở thành trào lưu mạnh hơn phía Bắc. Thế hệ trước như Inrasara đến lớp sau như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Lê Hưng Tiến, rồi nhóm Ngựa trời, nhóm Mở miệng cũng theo lối sáng tác hậu hiện đại. Cuộc sống hậu hiện đại được đưa vào thơ tạo thành một phong trào rõ rệt. Còn ở phía Bắc thì lại có tất cả giọng điệu. Nguyễn Phan Quế Mai là người trẻ nhưng giọng điệu rất truyền thống. Cô cũng muốn đổi mới nhưng vẫn bám vào hồn cốt truyền thống. Có những người viết hiện đại, nhưng dần dần họ bình tĩnh hơn, sau một thời gian rầm rộ tung ra những bài thơ, những ngôn từ, những ngữ nghĩa muốn đập phá truyền thống. Rồi họ nhận ra dường như chính họ rất khó phá cái sợi dây truyền thống ấy, bởi từ trong tiềm thức, từ trong dòng chảy thi ca, dù cố khuất lấp thì cái huyết mạch truyền thống đó vẫn tồn tại, vẫn hiện hữu, có thể dưới một dạng thức khác của cảm xúc. Tôi cho rằng, xã hội hiện đại là xã hội chung sống và chấp nhận đa phong cách. Thi pháp truyền thống hay vẫn có nhiều độc giả. Hậu hiện đại hay gì gì đó mà chỉ thấy xủng xoảng câu chữ thì thật khó đi vào đời sống.”
Dù là có màu mè thoạt nhìn khác nhau nhưng rốt cuộc vẫn tìm thấy điểm dừng là sự chung chạ giữa các xu thế (giả/thật) trong nền thi ca đương đại. Bạn cứ thử thay cụm từ “Hậu Hiện đại” bằng bất cứ thứ gì bạn muốn, và thay mấy cái tên được nhắc tới trong hai đoạn chữ trên bằng bất cứ abc xyz nào cũng được, sẽ thấy rằng kết cấu ngữ nghĩa nó không thay đổi gì lắm. Nếu hình thức bản thân nó đã là một nội dung, thì nội dung đó phải cộng hưởng với cái nội dung nó đang chuyển tải. Một số tác phẩm văn chương mà chúng ta nhớ tới, đôi khi, chỉ là một vài chữ hay một khía ý của nó. Tôi không có quyền khuyên bạn đọc họ/đối tượng của họ, nhưng, bạn nên tìm đọc con tê giác Nguyễn Đức Sơn, nếu bạn muốn hiểu cái vấn đề họ muốn nói là gì:
“Có dòm sâu tận cửa mình
Cũng không thấy được cái hình nhân gian”
Lão Tử có từng soi vào cái cửa mình ấy không mà giảng Vô vi? Khổng Khâu có kề mắt vào cái cửa mình ấy không mà thuyết Pháp trị? Nếu Khổng là đại diện cho Hiện đại thì Lão là tiên phong của Hậu Hiện đại chăng? Cùng là một cái-giống-cửa-mình mà sao tạo tác ra 2 hình thể ý thức khác nhau đến vậy? Người Trung Hoa phình to đến mấy, cũng sẽ tự chết bởi hai cánh tay mình mà thôi: Tay trái đánh tay phải và ngược lại. Bạn đừng sợ hãi, cứ sống và chứng thực lời tôi nói.
Một yêu cầu của bạn mà tôi không muốn/cần thực hiện, là bàn về các thuật ngữ của Hậu Hiện đại. Cứ tưởng tượng một anh/chị ngọng nghịu nào đó phát âm “Lá thư thứ tư” thành “Á ư ứ ư” tôi lại vô cùng cảm thông cho thế hệ chúng ta. Thôi thì, cứ học theo cách ông Biên, ông Kỳ: “em trở về đây một lần nữa, và em hiểu rằng đây sẽ là lần cuối cùng, bởi vì em nay đã hiểu được em, bởi vì em nay đã khôn lớn, đã trưởng thành, và em cũng đang buồn vì sự trưởng thành khôn lớn của em đây.”
Thứ Năm sẽ không dài như bạn nghĩ ngợi về nó suốt một buổi chiều thứ Tư đâu. Hôm đó, tôi sẽ kể tên những anh/chị ngọng nghịu của chúng ta: Tân Hình thức hay là Nói ngọng?
Sàigòn, 05/12/2010
TS.