Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Lá thư thứ năm

Trịnh Sơn

Khuyến cáo 2 nhà thơ không nên đọc bài này: 1) Inrasara 2) Bất cứ

Cảm ơn bạn vì sự thẳng thắn đã dành cho tôi. Những đường kẻ thẳng luôn luôn là con đường lý tưởng nhất cho mọi hành trình. Dù chúng ta không phải bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng cho những con đường thẳng, nhiều khi thành quả chỉ có thể có dưới bàn tay của một lần lười biếng sáng suốt như Pi-e mới để lại cho nước Nga một Sankt – Peterburg: “Cần thiết phải giải thích những quyền lợi của đất nước là gì, và làm cho dân chúng hiểu được những điều này”. Bạn quả quyết rằng tôi đang làm một công việc tương tự như việc của các nhà thủ cựu phản bác thơ mới, những năm 3,4 mươi thế kỷ trước. Có thể bạn đúng: “Rồi lịch sử sẽ phán xét chúng ta!”.
Nhiều lần, tôi được nghe Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói với giới văn nghệ sĩ :
- Tại sao chúng ta phải chờ lịch sử phán xét? Lịch sử là cái quái gì mà được nhiều người lợi dụng làm cái khiên che đậy cho sự hèn nhát của mình trước hoàn cảnh thực tại mình đang sống ?
Nếu như chúng ta có quyền chờ đợi sự thưởng phạt từ một thế lực nào đó, thì cần thiết gì phải hô hào những cái gọi là “văn chương phản kháng”, “văn nghệ kháng cách”…? Khi nhóm Sinh Tử Lệnh treo biển hiệu trên cái mồm bạn, bạn làm thế nào? Tôi vô cùng thất vọng về cách bạn tự thích nghi với chế độ kiểm duyệt – không ai khác ngoài sự ích kỷ của bạn kiểm duyệt bạn. Búa liềm trong tay những kẻ yếu ớt càng làm họ thê thảm hơn. Sau khi tôi viết Lá thư thứ Tư, bạn hỏi:
- Kỳ trở về và Duy trở về, có khác nhau không?
Câu hỏi rất tuyệt. Nghĩa là, bạn đã ít nhiều cảm nhận được khúc bất hủ Come back Sorriento rồi đó. Phạm Duy chưa hề trở về, có thể, Không bao giờ trở về. Cách ông ta đặt chân ở Việt Nam bây giờ có khác gì cách ông ta lấn chân ở miền Nam khốn nạn lạc loài mấy chục năm trước: “Một, Hai, Ba Ta đi lính cộng hòa…” (phát rổn rảng sáng chiều trên Đài phát thanh quân đội Sài Gòn). Sự nghiệp nằm ngoài thân phận, ấy là cách Duy chọn cho mình, tuyên ngôn rõ rõ ràng ràng:

Này em đã tới giờ
Mẹ đưa em đi chợ
Từ sáng mãi tới trưa, còn lưa
Rồi khi đưa nhau về 
Gặp anh hippy trẻ
Mặc áo rách đứng bên nhà thờ
Trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ.

Này em dây hoa này
Là dây gai hoa dại
Làm xước những gót chân tình nhân
Này em khi sang mùa
Mà em nghe tiếng nổ
Là tiếng pháo cưới hay hội hè.
Lên chùa họp hội với người ta
(Bình ca Một – Phạm Duy - 1972)

Không có sự chắp vá nào kéo hai nốt đô – la lại gần nhau như người Mỹ đã làm cả.
Còn nhớ thời sinh viên, tôi yêu Duy biết chừng nào. Mỗi lần nghe, tôi phải mất cả ngày hôm đó và nhiều ngày sau nữa. Tôi thường ngồi ở một góc quán nhỏ bên hè phố. Một cái ghế cóc dưới hàng cây cổ thụ. Ly café tay trái, điếu thuốc cháy tay phải. Chuyện gì xảy ra, bạn có đoán được không? Một chiếc lá rơi. Đột ngột, chiếc lá bứt khỏi cành, xoay nhè nhẹ trong gió và lẳng lặng trải qua thân cây, đặt để mình ở nơi nào đó. Khi ấy, tôi còn thấy gì ngoài chiếc lá đang rơi nữa? Cả thân cây cổ thụ xum xuê phủ bóng – tôi không thấy. Cả cuộc đời ngồn ngộn nhộn nhạo trước mặt – tôi không thấy. Bạn ngồi kề bên tôi – tôi không thấy. Mọi sự tập trung đều dành cho khoảnh khắc chiếc lá hóa hòa. Tại sao vậy? Chiếc lá nhỏ hơn bàn tay, mong manh mỏng mảnh và chắc chắn không để lại gì sau sự rụng rơi ấy ngoài những nhát chổi của người lao công quét đường lại có thể che giấu tất cả không gian rộng lớn xung quanh, làm nhòe ảo mọi sắc màu bốn bề để hút lấy tầm nhìn của chúng ta?
Chân lý thường xuất hiện như một chiếc lá rơi, chứ không ồn ào làm một cuộc sinh sôi nảy nở như cả rừng cây. Chân lý là một hành trình trải nghiệm và tích tụ mọi sự Có-Không trong biên độ bao quát nó. Chúng ta, ai dám vỗ ngực, nói: Tôi đã thấy Chân lý?
“Rồi lịch sử sẽ phán xét chúng ta!”
Xin lỗi bạn, tôi phải phun một ngụm nước miếng ra khỏi miệng đã. Và chửi thề một tiếng đã: Ụ ẹ ịch ử! (theo kiểu thằng con trai Mẹ vắng nhà của Nguyễn Thi)
Nói ngọng không phải lúc nào cũng dở. Một người mẹ nựng nịu con, một người chị dỗ dành em. Đứa trẻ bi bô tập nói bắt đầu từ những thanh âm chưa tròn. Nhưng, nó chỉ có thể chấp nhận việc nói ngọng trong một quãng thời gian ngắn thôi, trừ khi lưỡi nó quá ngắn. Còn bạn, sao bạn đã nhận mình đã lớn rồi mà vẫn thích thú trò chuyện ngọng nghịu với thế giới bằng thứ ngôn ngữ tật nguyền ấy?

mệt mỏi buồn chán căn phòng mở 
cửa sổ vẫn khó thở vì không 
khí sặc mùi cống rãnh và vì
cái gì nữa mù mờ cứ ngàn 
ngạt trong người không thể hiểu nổi 
lại càng không thể trút bỏ đi
được. Úp nồi cơm điện lên đầu 
cứ thế len lén như một con 
chó lỉnh ra gầm cầu long biên.
Con chó tìm một cục xương, còn 
ta cũng tìm cục xương chẹc chẹc 
của ta để chạy trốn buổi tối
ngạt thở này. Anh ơi tàu nhanh 
hay tàu suốt đây. Ha ha bữa 
tối tạm bợ đây rồi và ta
bắt đầu cắn xé nhai nuốt cục 
xương nhão nhoét trốn trong bóng 
tối chân cầu đang cong mông dương
to đôi mắt chó nô tài cam chịu. 
Ở đâu đó bỗng vẳng lại lời 
ca véo von đây lắng hồn núi

sông ngàn năm đây lắng hồn núi 
sông ngàn năm lắng hồn núi sông 
ngàn năm ngàn năm ngàn năm năm ./.

11 -2010
(Bài thơ trắng trong đêm Hà nội – Nguyễn Đình Chính)

Tân Hình thức: Ngay cái tên của nó đã giới hạn nó một cách ngu ngốc rồi, thì làm sao tạo ra cái mới thật sự được? Nhiều lần tôi cố ý tìm một cái tên cho biến dị tư duy của Hậu Hiện đại Mỹ, và tôi tìm được một cái tên cho các nhà thơ tiên phong nửa bán cầu bên kia: Thơ KHÔNG HÌNH THỨC. Vì chữ KHÔNG mới chất chứa hết cái ý nguyện quái đản của họ: Phá vỡ cái đã phá vỡ. Lúc đó, không còn Hệ quy chiếu cụ thể nào dành cho họ. Câu đan câu Ý chen ý. Thậm chí, ngắt dòng xuống đoạn là khoảng nghỉ cực kỳ khó nhọc cho chính tác giả và người đọc. Đối tượng tiếp nhận sẽ tự phân chia bản thân mình theo Hệ quy chiếu của mình. Do đó, cái gọi là Hình thức không tồn tại nữa.
Nguyễn Đình Chính tiếp thu mớ bòng bong Tân hình thức mới chỉ ở lớp vỡ lòng, nên còn thích tô son trát màu lên các trang giấy vẽ sẵn. Cần gì phải dài dòng vậy? Đúng là Tân hình thức sau vỡ lòng thì chỉ cần viết thế này, theo kiểu của Lý Đợi:

“Con chó và cục xương và ta
Ngàn năm Hà nội
Gâu gâu gâu
Oa oa oa”
Lý Đợi thông minh kiểu Quảng. Đợi có lý thì cứ đợi – Nguyễn Lãm Thắng nói thế.
Ngồi lấp ló bên cạnh Nguyễn Đình Chính ở dãy bàn đầu, là Lê Vĩnh Tài:

“Khi quân Đồng Minh và Hồng Quân Liên Xô kéo vào Berlin, Adolf Hitler và Bộ Tổng Tham Mưu của ông ta đã tẩu thoát khỏi Berlin trong một chiếc tàu ngầm. Mọi đồn đoán hoả thiêu hay tự sát chỉ là tin vịt. Khi lặn xuống đáy đại dương, Hitler và bộ sậu của ông ta lạc vào một hang động đẹp như một mê cung dưới đáy biển. Còn hơn ngày xưa Từ Thức lạc động tiên. Thôi thì tha hồ rượu nồng dê béo và các loại cung tần mỹ nữ.

Rượu thịt mãi cũng buồn, Hitler muốn trở lại mặt đất thăm thú ngao du. Và thăm lại các địa ngục trần gian mà ông ta đã dày công xây dựng một thời.

Ngặt một nỗi, hang động dưới đáy biển không thông với tất cả các nơi trên mặt đất. Trên vòm trần hang động lấp lánh bao nhiêu là thạch nhũ nhưng chỉ có 4 lỗ thông hơi. Mỗi lỗ làm một cửa hang. Mỗi cửa hang nối duy nhất với một quốc gia.

Có lẽ vậy mà hiện nay Hitler vẫn còn sống, nhưng chỉ tại 4 nơi có đấu nối với lỗ thông hơi...”
(Hitler chưa chết – Lê Vĩnh Tài)
Đã dám nói, thì nói huỵch tẹc ra như đấm vào mặt người ta kiểu Lâm Tế, hoặc là muốn gợi cho người ta suy nghĩ theo ý mình thì phải thật gợi, theo kiểu của Bỉm, ví dụ:

“Đố mày
Độc tài kiểu Hitler thế giới còn bốn nước
Nào?”

Bỉm góp nhiều công sức trong việc chứng tỏ Lục bát và Vè không khác nhau lắm.
Ngôn ngữ không phải là con cái chúng ta để chúng ta có thể chỉ mặt đặt tên cho từng đứa, đến khi cần thì huýt sáo gọi chúng đến như một bầy đàn.
Cần bầy đàn, thì Hậu Hiện đại đã có hẳn một bầy đàn rất chi hoành tráng. Kéo dài từ thế kỷ trước qua thế kỷ này. Kéo dài từ Tây đến Đông. Kanguru rồi dê với bò. Họ học nhiều – nhưng, học chưa đủ. Do đó, tiếng sáo mục đồng gọi trâu bỗng dưng trở thành tiếng vẹt đuổi trâu. Phúc âm dặn : Có thể bỏ cả đàn chiên để đi tìm một con chiên lạc! Ngẫm nghĩ về sự cao thượng phi lý này, tôi thấy Tuệ Nguyên nói đúng:

“vì màu da mà chúng ta phải tắm cho đến khi nhiễm bệnh cảm
Vì mái tóc mà chúng ta luôn trùm lên đầu những tấm vải đen
Vì tiếng nói mà chúng ta phải ngoảnh mặt với nhau
Khi cảm giác chán chường / mệt mỏi
Chúng ta tìm về những phế tích cổ dựa lưng để ngã quỵ
Ôi! Chúng ta những kẻ đáng thương
Luôn tủi nhục và im lặng.”
(Chúng ta là những kẻ đáng thương – Tuệ Nguyên)

Đọc hết tác phẩm của Nguyên, bạn không thể không thấy “Chúng ta là những kẻ đáng thương” thật. Hồ Xuân Hương bênh vực cô bé chửa hoang chứ Hồ Xuân Hương có cổ súy chửa hoang đâu. Thì làm sao có cái nghệ-thuật-ép-uổng gọi là nghệ-thuật-chửa-hoang? Kim Dung khai phá bản ngã Trung Hoa bằng chủ ý “Trung chính hữu tà, trung tà hữu chính”, đa nhân cách không phải là khái niệm chỉ có thể có sau Phân tâm học của Freud. Xé mình ra để lớn lên có mấy ai lành lặn được? Đàn chiên của Jesu chính là Jesu. Ta bà của Như Lai chính là Như Lai. Vậy thì ai chăn bạn và bạn chăn ai? Ngôn ngữ cũng tồn tại theo cách trả lời của bạn vậy.
Đáng lẽ, Tuệ Nguyên là Lớp phó của lớp học lô nhô lúc nhúc lý thuyết Hậu Hiện đại trên kia. Nhưng hình như anh ấy đã từ chối chức phận cha truyền con nối ấy, và bị đuổi học tuyệt đối sau nhiều ngày tự ý bỏ học. Điều tôi phân vân, là, ai đang nắm giữ cương vị Lớp trưởng? Nguyễn Quốc Chánh hoặc Vương Ngọc Minh?
Chánh liều lĩnh theo kiểu một anh tử tù những ngày cuối cùng chờ thi hành án, bèn làm giấy tình nguyện hiến gan/thận/tim/cật và tất tần tật những gì đã có cho Ngân hàng Ân huệ. Chánh góp vốn bằng những thứ không thể tái sử dụng được nữa:
“Ở xứ này, dưới sự cai trị độc lập/độc tài/độc đoán/độc quyền (độc địa) của Đảng, cái gì cũng có thể trở thành hoành tráng (hoành thánh) cả, chẳng hạn, cuộc thi hoa hậu hoành tráng ở Rạch Miễu, đám cưới hoành tráng ở phường Điện Biên, đám ma hoành tráng ở chợ Cầu Muối, kỷ niệm 35 giải phóng Sài Gòn hoành tráng ở công viên Thống Nhất, chương trình ca nhạc và tấu hài hoành tráng ở Hòn Gai, và sắp tới là đại lễ ngàn năm Thăng Long cũng cực kỳ hoành tráng ở Hà Nội. Nếu nhìn qua tâm lý Xuân Tóc Đỏ, đằng sau cái hoành tráng là tình trạng hãnh tiến đầy bất an. Để trấn an chỉ còn mỗi cách là gồng lên cho thật hoành tráng.
Còn blogger Nguyễn Xuân Diện hồ hởi gọi đại hội nhà văn là sự kiện hoành tráng. Tôi cam đoan, nếu anh ta định làm nhà văn, anh ta sẽ là một nhà văn hoành tráng, còn nếu anh ta muốn làm nhà khẩu hiệu cho ban tuyên giáo, anh ta cũng sẽ là một cán bộ hoành tráng…”
(Nhà văn Việt Nam nghĩ về Hội Nhà văn Việt Nam: “Độc Hội hoành tráng” – Nguyễn Quốc Chánh trả lời phỏng vấn của Hoàng Ngọc-Tuấn – Tiền Vệ 2010)
Vũ Thư Hiên viết Đêm giữa ban ngày như Nguyễn Quốc Chánh làm thơ vậy. Còn Vương Ngọc Minh:

Cuối cùng lời nguyền của cái 
lồn cũng trở nên hiện thực, 
chả chút gì gọi là huyền 
ảo truyền kỳ; này nhé, cứ

vào mỗi buổi sáng, bóng tôi 
chồm lên xác các con chữ, 
xác các chữ cái chồng lên 
lũ thời gian, thế rồi, lũ

thời gian chồng lên tôi, bóng 
tôi chồm lên xác các chữ 
cái! rồi là, tiếng từng tiếng 
điện thoại réo lên; tôi xin

đoan chắc rằng tôi chẳng hề 
quen hay biết gì (!) về các 
cô/cậu/ông/bà gọi cho 
tôi; mà kỳ thực! các cô/

cậu/ông/bà ấy, gọi chỉ 
để hỏi “. . . did i wake you?” 
bảo không, hoá mình dối lòng 
thường tôi nói “. . . yes, but it-

‘s okay” thì liền các 
cô/cậu/ông/bà ấy, lí 
nhí, tỏ hối tiếc; quả tình, 
tôi không có ý khiến các

cô/cậu/ông/bà ấy, cảm 
thấy hối tiếc về bất cứ 
điều gì, nhất là việc gọi/ 
réo tôi vào sáng sớm, nên

thường, tôi giả lả “. . . i am 
glad you called, what’s up?” 
đấy! cũng chỉ cách nhằm phớt 
lờ câu hỏi của các cô/

cậu/ông/bà ấy; nhưng! khốn 
nạn, tôi phải chịu trận với 
tuyền những câu chuyện, dám chắc 
thượng đế nghe phát điên lên

được, chẳng hạn như- về một 
nền thi ca đầy máu mê 
của loài rùa! rõ ràng, sự 
đáp ứng, mặc dù khiên cưỡng

của tôi, hoá kiểu chuyện hành 
dâm trên các chữ cái! để 
cuối cùng, cốt truyện trở nên 
hiện thực, chả chút gì gọi

là huyền ảo truyền kỳ, cứ 
cho bởi lời nguyền nào đó 
đã vận lên đời sống tôi 
và rằng, từ rày trở đi,

vào mỗi buổi sáng, bóng tôi 
chồm lên xác các chữ cái, 
các chữ cái chồng lên lũ 
thời gian, lũ thời gian chồng

lên tôi, bóng tôi chồm lên 
xác các chữ cái, cứ thế, 
những cú điện thoại của các 
cô/cậu/ông/bà nào đấy,

mà tôi tin một cách chắc 
chắn mình chả hề quen hoặc 
biết, gọi, bất chấp tôi có 
thế nào! chỉ để hỏi “. . . did-

i wake you?” vâng! nó chính 
là câu chuyện hiện thực ở 
đây, về dấu chỉ lời nguyền 
của cái lồn.
(Dấu chỉ lời nguyền của cái lồn – Vương Ngọc Minh)

Tôi không làm mất thời gian của bạn, nhưng Minh đã làm mất nhiều thời gian của tôi để theo dõi hành trình vượt biên của anh ta – một cuộc chạy bộ vĩ đại sau 1975. Có thể nói, Hậu Hiện đại Việt nếu có, thì có khuôn mặt như Minh đã vẽ. Trong một cuộc gặp ngắn ngủi với Linh mục NGUYỄN VĂN LÝ, ông ta trả lời tôi thế này: – Vương Ngọc Minh đã lên Thiên đàng, đứng bên tay hữu Ki-tô Mác. Câu hỏi của tôi, bạn biết là gì chưa?
- Chưa!
- Dạ thưa, tôi cũng chưa biết nữa!

Ki-tô Mác là một cái tên lạ mà không lạ. Nếu còn viết nữa, chúng ta sẽ nói nhiều về nhân vật này.

Sàigòn, 12/2010
TS.

Lên đầu trang