Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

Cha đẻ của tiểu thuyết đồ họa Anh

Tri Sơ

“Đôi khi mất nhiều thời gian để chọn một con vật”, nhà tiểu thuyết đồ họa Bryan Talbot nói trong tầng hầm mờ ảo căn nhà ở Sunderland. “Tôi muốn có một nhân vật ngoan cường chiến đấu chống lại mọi đàn áp. Con lửng ngoan cường. Nhìn chúng thoải mái với sọc đen trắng”, ông nói về “anh hùng” trong loạt tiểu thuyết đồ họa Grandville: thám tử Archie LeBrock tài năng, nhanh trí, ăn mặc giống Sherlock Holmes và chiến đấu như nhân vật “tay trong” của đạo diễn Tarantino

Nhà tiểu thuyết đồ họa Anh Bryan Talbot
Những người cải cách thể loại truyện tranh gần đây có thể không biết rằng Talbot, người Lancaster bảnh bao hao hao tài tử Steve Buscemi, là cha đẻ của tiểu thuyết đồ họa Anh, cũng là nhà tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng thế hệ đầu
. Grandville là thế giới hình ảnh động vật tưởng tượng dí dỏm và hoàn toàn như người, thu hút một lượng độc giả mới. Tương tự, những tác phẩm phi hư cấu Talbot cộng tác với vợ, đặc biệt Dotter of Her Father's Eyes, là hồi ký của Mary xen kẽ của Lucia Joyce (con gái văn hào James Joyce), giành giải thưởng Costa thể loại tiểu sử năm 2012, là dấu hiệu cho thấy các tác phẩm đồ họa ngày càng được công nhận chính thống.
Talbot được ca ngợi là David Bowie (sinh năm 1947, danh ca người Anh) trong lãnh vực minh họa truyện tranh vì sự đổi mới liên tục. “Tôi cố gắng đạt được phong cách chính xác cần thiết để thể hiện câu chuyện”, ông thừa nhận sẽ buồn nếu không thử nghiệm. Là con duy nhất của một thợ mỏ và thợ cắt tóc ở Wigan, Talbot sinh năm 1952, thuở nhỏ đọc truyện tranh trẻ em Jack and Jill, lớn một chút ngấu nghiến truyện tranh của nhà xuất bản DC Thomson như Beano, Topper, Beezer, Dandy. Ông bắt đầu vẽ lúc lên 5 tuổi, khi được chú cho một chồng ấn phẩm Giles cũ. “Tôi thích chi tiết của họ. Tôi muốn làm thế khi lớn lên. Không hề nghĩ rằng mình có thể vẽ truyện tranh kiếm sống”.
Mười bảy tuổi, tác phẩm xuất bản đầu tiên của Talbot xuất hiện trong một tạp chí truyện tranh phản văn hóa (countercultural). Theo học mỹ thuật đầu thập niên 1970, ông muốn sáng tác tiểu thuyết dưới dạng truyện tranh. Không ai đếm xỉa đến suy nghĩ ấy, vì họ cho rằng truyện tranh không phải nghệ thuật, thiếu ý nghĩa, là “trò con nít”, ông đành theo học nghiên cứu thiết kế đồ họa tại Preston. Kết hôn với bạn thơ ấu là Mary, có hai con trai, Talbot làm họa sĩ minh họa cho hãng sản xuất máy bay British Aerospace, vẽ nội thất cho các khu vực hàng không. “Đó thực sự là những thứ nhạt nhẽo”. May mắn, trường Preston mời Talbot giảng dạy thiết kế đồ họa, ông tranh thủ sáng tác Luther Arkwright  mỗi khi rảnh rỗi. Nhuận bút tăng nhanh, nhất là cuốn Judge Dredd, cho phép ông dành toàn bộ thời gian để sáng tác từ năm 1980.
Năm 1994 là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp Talbot, ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết đồ họa đáng tự hào nhất, The Tale of One Bad Rat. Chuyện kể về một nạn nhân bị lạm dụng tình dục chạy trốn đến vùng Lake District, tìm thấy niềm an ủi trong tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Beatrix Potter (1866-1943), đã được xuất bản ở gần 20 quốc gia và được sử dụng trong nhiều trường học và trung tâm trẻ em bị lạm dụng tình dục tại Anh, Mỹ và Đức. “Chưa bao giờ tôi đặt kế hoạch viết một cuốn sách về lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng đôi khi câu chuyện dắt tác giả đi tới những nơi không thể  ngờ”. Đang tìm hiểu cuốn tiểu thuyết về thời thơ ấu bị áp bức của Beatrix Potter, Talbot bắt gặp một thiếu nữ vô gia cư giữa London. “Cô bé ăn xin trên xe điện ngầm khiến tôi nhớ những mô tả của Beatrix. Tôi nghĩ mình có thể viết câu chuyện về một kẻ chạy trốn có mối đồng cảm với Beatrix Potter”. Rat cũng là thông điệp yêu thương dành cho Lake District và niềm hân hoan của miền bắc nước Anh, chủ đề sáng tác thường xuyên của Talbot. Truyện tranh đầu tiên của ông khắc họa những nhân vật nói giọng miền bắc. Gần đây, tác phẩm hậu hiện đại Alice in Sunderland của ông đặc biệt tôn vinh miền bắc.
Có lẽ hầu hết độc giả chỉ hiểu lờ mờ nỗ lực của Talbot trong sử thi đầy tham vọng này và loạt tiểu thuyết Grandville. Một trang Grandville, Talbot thường phải mất bốn ngày để vẽ chì, mực và phối màu sắc trên máy tính, mất lâu hơn nếu ông nhại lại những hình ảnh và nhân vật nổi tiếng chẳng hạn như Spirou, hoạt hình Pháp, hoặc tác phẩm của Leonardo da Vinci, Ford Madox Brown, Rodin hay Manet. “Tôi làm việc bảy ngày một tuần, nhưng không quá 2 giờ sáng. Bây giờ tôi nghỉ lúc 9 giờ tối”. Có ngày nào ông không vẽ được gì? “Không, không. Tôi không bao giờ ngồi ì. Mặc dù rất ham đọc, tôi không được đọc, tôi lao theo công việc. Thực sự lạ lùng vì khi còn thiếu niên, tôi lười lắm. Nếu nhận ra sớm hơn, tôi đã là một nghệ sĩ giỏi hơn ngày nay”. Được miêu tả là “người sáng tạo truyện tranh hăng say”, nhưng ông nói: “Sáng tác truyện tranh phải rất chậm rãi. Tôi không nghĩ rằng mình hăng say với ngụ ý có sức làm việc dữ dội”.


Grandville có xuất xứ kỳ lạ. Khi nghiên cứu vẽ Alice in Sunderland, Talbot khám phá sự ảnh hưởng của nhà biếm họa Pháp thế kỷ XIX Jean Ignace Isidore Gérard đối với John Tenniel, người minh họa Alice in Wonderland của Carrol. Gérard ký những bức họa châm biếm theo thuyết hình người của ông bằng tên JJ Grandville. Talbot nói: “Tôi chợt nghĩ rằng Grandville có thể là biệt danh của Paris trong một thực tế khác, là thành phố lớn nhất thế giới của cư dân thú vật”. Ông phác thảo cốt truyện trong 20 phút. “Sau đó, tôi bắt đầu đánh máy và viết toàn bộ kịch bản trong sáu ngày. Giống như viết chính tả, thật tuyệt vời. Tôi có thể nghe thấy các nhân vật nói, biết những gì họ sẽ nói”. Cuốn sách mới nhất trong loạt là Grandville Noel, là cuốn thứ tư và hứa hẹn sẽ còn cuốn thứ năm. “Sử dụng động vật làm nhân vật hơi giống hài kịch thịnh hành ở Ý thế kỷ XVI, XVII (commedia dell'arte), diễn viên đeo mặt nạ”, Talbot nói. Thế giới loài vật hình người trong Grandville cho phép Talbot phản ánh mọi thứ trong cuộc sống con người nhưng không ám chỉ rõ ai. “Rất chung chung, quan trọng là câu chuyện kết nối thế giới thực thế nào”.
Talbot phải vật lộn để tìm tài trợ cho Alice in Sunderland, trong lời cảm ơn, ông chỉ trích Hi đng Ngh thut Anh đã từ chối hỗ trợ tác phẩm này. Tuy nhiên, đến nay Hội đồng Nghệ thuật đã ủng hộ kế hoạch hợp tác của vợ chồng Talbot viết cuốn tiểu sử lịch sử đồ họa về một phụ nữ quyền lực (nhà Talbot vẫn giữ bí mật danh tính nhân vật này). Liệu tác phẩm đồ họa đã được đối xử nghiêm túc xứng đáng? “Mọi thứ thay đổi nhiều trong 30 năm qua, tiểu thuyết đồ họa ngày càng được chấp nhận là một hình thức nghệ thuật chính thống”, Talbot nói. “Chúng tôi đang thu hoạch dần”.
TS.
Theo The Guardian

Lên đầu trang