Khi chúng tôi đi khắp nơi tìm thú phiêu lưu, chúng tôi không phải kẻ thù của quý vị. Chúng tôi muốn hiến cho quý vị những địa hạt mênh mông và lạ lùng. (APOLLINAIRE)

TRẦN ĐÌNH LƯƠNG Nhà thơ không muốn làm thi sỹ

 Trịnh Sơn

Tôi vô tình có được tập thơ này trong một nhà sách cũ. Lạc lõng giữa hàng trăm tập thơ khác, tập thơ có cái bìa giản đơn, trang nhã với bề rộng hơn chiều cao, như các cuốn sách tập vẽ màu của trẻ em vậy. Tranh bìa, cũng là một mảng màu như mây, như lá, lại như sóng. Mơ hồ. Thật là mơ hồ.
hải đảo – trần đình lương : không hề viết hoa, không hề in đậm. Có gì trong đó?


Lời tựa của Hoàng Ngọc Tuấn: “Hải đảo là tập thơ của một nhà thơ không muốn làm thi sĩ…” Ồ, cái phận người đã mở ra từ đây. Đọc bài 1, đọc bài 2, đọc bài 3, đọc rồi không muốn dừng lại, hay là không thể dừng lại nữa. Sức cuốn hút mãnh liệt từ ngôn ngữ hay là sự hấp dẫn của một tâm hồn mềm dịu cỏ hoa.
Bài thơ đầu tiên, ghi chú: đã in trên Đặc san Tổng hội sinh viên Sài Gòn – 1964, tròm trèm 45 năm.
xin lên tiếng với tôi

ngồi đây mà triết lý
thế chấp nhận hòa bình
ngồi đây mà ngủ kỹ
trước thực tế chiến chinh ?

ta nói cho ta biết
sự gục mặt đê hèn
đang sống như đang chết
đang ngụp giữa bùn đen


phương trời này khói lửa
“nỗi chết ấy không rời”
quay lưng không thể được
xin lên tiếng với tôi

Lộ diện cái niềm tin và cả hoài nghi của một thời đấu tranh giữ nước của tri thức trẻ. Vấn đề đặt ra không mới, nhưng không cũ. Cho đến hôm nay, trước thực tế bây giờ, vẫn thấy nỗi thống thiết gọi mời ấy còn văng vẳng bên tai. Xin lên tiếng với tôi! Xin lên tiếng với tôi!  Mở đầu và kết thúc. Lồng lộng niềm cô độc, cái cô độc kỳ lạ bình thường mỗi con người đều có, mỗi đám đông đều có. Bơ vơ đông đảo của Việt Phương cũng không phải đã gói gọn trong cõi tâm niệm vô vàn ấy ư?
Tất cả các bài thơ, không hề viết hoa đầu dòng hoặc tựa bài, chỉ trừ một vài tên riêng bắt buộc. Dụng ý của tác giả, hay, tự nhiên như thế? Thơ, không có bắt đầu không có kết thúc? Tất cả mọi câu chữ đều để bắt đầu và để kết thúc?
Thơ Trần Đình Lương, rõ ràng, không thể trích dẫn được. Câu chữ nhẹ hẫng, bám chặt vào nhau, thật khó mà tách ra cắt ra. Buồn bám vào vui, vui bám vào người, như bàn chân bám vào con đường vô tận :
buổi trưa gối đàn ngủ
trong mơ mây vẫn trôi
có một niềm hiu hắt
dài
suốt một đời người
(vô đề)

đêm ơi
những vì sao nở muộn ở cuối trời
có chiếu nỗi muộn phiền của ta tới nơi em ở
có thấu được phận người

đêm ơi
(đêm)

Khắc khoải, 2 chữ  này đã bị lạm dụng quá nhiều trong các bài luận bàn văn chương. Đôi khi, nó trở thành một câu quen miệng, cũng như người ta gặp nhau là bắt tay cười chào vậy. Nhưng không phải cái bắt tay và nụ cười nào cũng tốt lành và ở lại lâu lâu. Trần Đình Lương vẽ khắc khoải bằng hiện thực thơ, thổi nhẹ tênh vào hiện thực đời:
Sydney
bảy năm ta đã ở
chỉ yêu được một màu hoa
trái tim người hóa thạch ngàn xưa
hiu hắt chiếu một màu thương nhớ cũ
đời đã ra khơi
đời không về nữa
mây trên cao mây biền biệt quê nhà
(Sydney, mùa xuân hoa tím)
Có người thơ nào không vọng về quá vãng, dù là đợi chờ thương nhớ rất đỗi vụng về. Có được đôi mắt trẻ thơ, là ước vọng sáng tạo của nghệ sĩ. Vì, chỉ có mắt trẻ thơ mới nhìn thấy một bông hoa không phải chỉ là hoa, hay, một đám mây không chỉ là mây. Và, từ đó, nghệ thuật nảy mầm lên, như cỏ sau mưa, vừa dịu dàng âm ỉ, vừa nôn nao mãnh liệt. Vượt ngoài khuôn giới của giá trị bình thường, nhìn bằng mắt thường, không thể thấy được.
Trần Đình Lương từng ở tù, “nhúng vào lửa”, từng trải nghiệm thân xác mình trong hờn căm uất ức. Và, sau này, dù đã đặt chân lên nhiều bậc thềm lộng lẫy xa hoa, thơ anh vẫn mát, ngọt, lành. Không tìm thấy cái quá quắt hay ngõ cụt trong thơ anh. Vì, thời gian, hay chính là con người thơ, đã dám tự gạn lọc chính mình. Chữ “dám” phải dùng ở đây, vì sự chiu chắt ngôn ngữ bắt nguồn từ sự chiu chắt một đời người, không phải ai cũng có cái dũng khí này. Xô bồ, hỗn độn, dư thừa là cái thường xuất hiện trong mọi lãnh vực cuộc sống, đặc biệt, càng thấy rõ trong văn chương. Người ta thấy hoa đẹp, nhưng, gìn giữ và tôn tạo nét đẹp của hoa như thế nào vẫn là tư thế loay hoay thường tình của người trồng hoa và thưởng hoa. Nghệ thuật trình bày (sắp đặt) của Âu Châu cũng là bài học đắt giá không thể bỏ ngoài văn chương. Trần Đình Lương có lẽ đã thấm nhuần tư tưởng này.
năm mươi
tiếng chim gù
từ một góc đời còn lại
những đóa phượng tím rơi ngang
bên ngoài tôi
im bặt
(năm mươi)
Thời gian làm người ta già đi, chắc chắn rồi, nhưng cũng có thể làm người ta trẻ lại, theo một phương diện tinh thần nào đó. Như trong một cuộc đua, gần về đích, người ta thường đếm ngược. Đếm ngược, là bấu tay vào tương lai chứ không phải “ăn mày dĩ vãng”. Tôi vẫn quen gọi: Ăn cắp thời gian!
năm mươi
mươi năm
tiếng tôi vọng
vang vang lòng giếng
một mảng trời đen
một đôi mắt trắng
thuyền Trương Chi không tan
đậu lặng lẽ trong tách cà phê buổi sáng
 (năm mươi)
Tình yêu căng cứng vừa đủ để không thể vỡ vụn tàn tro nhưng cũng không làm tràn ly ký ức, lung linh lấp lóe đom đóm hình ảnh bé xíu cô độc thuyền Trương Chi. Trôi đi, trôi đi, không cần biết sẽ trôi về đâu, tương lai và quá khứ chỉ là hai hướng ngược nhau đếm bước từ hiện tại.

Huế
trời mưa bụi
tôi về
thấy lại một mảnh trời xanh
trong tách cà phê
chúng ta đã uống mười ba năm về trước

tim Trương Chi vỡ tan
mênh mang
Hương giang
bóng tre xanh ngọc bích
(về một dòng sông)

Nghĩ lại, thấy sau Bùi Giáng, “Dạ thưa xứ Huế bây giờ / Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”, chỉ có Trần Đình Lương khơi gợi tâm trí người ta trở về cố đô chân thơ nhất. Đẹp hay không đẹp, màu hay không màu, sáng hay không sáng, không cần thiết. Nhưng chắc chắn, cảnh ấy người ấy đời ấy vẫn còn sống, vẫn đang sống, trên dòng hoài niệm kéo dài qua một đời người, nối dài qua nhiều thân phận người.
những gì anh ta còn để lại
những gì anh ta đã mang đi
những gì chúng ta sẽ để lại
những gì chúng ta sẽ mang đi
cuộc đời chợt trong suốt
vì một cuộc ra đi
cuộc đời chợt mất hút
vì một chuyến ra đi
(anh ta đã trở về)
khi những chiếc lá vàng đã trút hết
trần trụi trong mùa đông
cây ơi
không còn gì để sợ
 (thoát)
Giải thoát khỏi những đam mê cuộc đời, không phải dễ. Nhà sư, tìm phủ định như một cách chứng ngộ. Người đời, tìm phân biệt sáng tối trắng đen như một cách trình bày cuộc đời mình. Cả người đi tu thoát tục lẫn người trần mằt thịt, quá trình cần cầu chân lý ấy, biểu hiện thành tâm trạng căng thẳng tột độ. Với nhà thơ, tâm trạng căng thẳng tột độ ghi lại bằng ngôn ngữ tự nhiên, không còn giới hạn cho vần điệu hay ý thức gì về sự tiếp nhận nào khác nữa.

mưa một nhịp
dòng Tào Khê không chảy nữa
ánh sao mờ hơi thở
đêm tôi
(mưa đêm)

mưa
trên phố
trong nôi
các bé thơ dạo chơi
những thiên thần ghé đôi năm qua cuộc sống
rồi thôi

nhạc rồi sẽ chảy
trên hẻm cũ
mái tôn xưa

tôi đi trong mưa
không
ướt
(đoản khúc mưa)

Một nhà thơ không muốn làm thi sĩ, không muốn nổi danh. Quả thật, thơ đi tìm người chứ người khó tìm được thơ. Người thơ, có thơ trong từng tiếng thở dài của mình. Hiểu được tiếng thở dài, nghĩa là, đã cảm rõ bình sinh thiên hạ, đem cái tình thở vào cuộc đời.
buổi sáng
nắng tung tóe
trong một giọt đàn

những giọt nước trên người chưa khô
tôi giơ tay
vuốt mặt

cây mùa đông
cây mùa đông
có thật
(từ sông Tiền Đường đến Jindabyne Lake)

Từ  “tôi đi trong mưa không ướt” cho đến “tôi giơ tay vuốt mặt” là một khoảng trống rỗng vô định luật. Thanh thoát và mênh mang bàn tay mò mẫm sờ vào cuộc sống và lấy ra những cái đẹp. Tuyệt đẹp. Bài thơ Hải đảo, có thể nói, là bài thơ đẹp trong hiếm hoi thơ đẹp.
trời xanh lặng im bối rối
chiều không một lối rơi

cháy rụi khu rừng năm cũ
giấc mơ hải đảo còn tươi
ngàn đốm nắng băn khoăn trên sóng
không nhớ nổi mặt người

cát bay rát mặt ngày biển động
sóng hồng ruốc nhảy triều đưa

những căn nhà
thâm nâu mắt ngói bao mùa gió
đêm nay thức giấc nhìn ta

sóng biết quặn lòng qua cửa biển
công phu một tiếng chuông
đưa

Trần Đình Lương bị giam cầm trong roi đòn tra tấn năm 1966 ở Phú Quốc, trong phong trào phản chiến của sinh viên. Nhưng, hải đảo in lại trong lòng người thơ, sít sao màu sắc tươi rói của tuổi trẻ. Hy vọng không quá xanh. Tuyệt vọng không quá tối. Có thể đổ máu cho Tổ quốc, nhưng, không thể vấy tang tóc trên thơ. Không ồ ạt mô tả, cũng không dụng tu từ nhiều, cái đẹp tự nhiên hiển hiện như bản chất vốn dĩ của nó. Cái đẹp ấy, sẽ sống theo người theo đời cùng bốn phương tám hướng.
thế kỷ lối vào máu chảy cõi tâm
dưới cặp mắt nhung
giọt giao hưởng viên thành giọt lệ
vàng đông dâng trái bưởi căng tròn

khánh linh thảng thốt từng tờ gió
ngàn đóa mộc lan trong nắng chắp tay
biển lặng như trời
(Kiều)
Đến đây, thì không cần bàn về ngôn ngữ thơ nữa. Vạn tuế Sư phụ!
Đọc đến bài cuối cùng, tự nhiên thấy hẫng hụt, một sự ngậm ngùi sẽ kéo lê tôi cho đến khi không nhớ gì và biết gì về thơ nữa. Hết rồi!
có tôi hay không có
gió vẫn chỉ thích nói chuyện cùng cây
trong từng chiếc lá xanh tươi in dấu mặt trời
dòng sữa ấm vẫn miên man miên man chảy
(ghi nhận)
Vĩnh cửu chỉ là cái bóng của khoảnh khắc, nếu ánh sáng đủ sức mạnh soi rọi. Tâm thức con người không phải là cõi sâu không đáy quen gọi cõi vô minh. Cái thực trước mắt, cái thực hôm qua, và, cái thực ngày mai, lung linh ẩn hiện trong nhau. Cố tình phân biệt, là tự vùi sâu mình vào u mê.
nắng biết ôm tôi
khi chạy về phía trước
tim mở với mặt trời
bóng lẽo đẽo đằng sau
chỉ ở đằng sau thôi
 (phép lạ)

Trần Đình Lương chưa từng phát biểu gì về thơ và về thơ của mình. Mặc dù rất nhiều lần, thơ anh được đăng, đọc trên các diễn đàn lớn, phát hành song ngữ, Anh ngữ, được phổ nhạc giao hưởng. Nhưng, anh vẫn là nhà thơ không muốn làm thi sĩ.
Tôi sung sướng đọc Hải đảo của Trần Đình Lương, không thể không thốt ra từ tâm mình những lời chia sẻ và ngợi ca. Có thể, bài viết này, sẽ làm cho anh phật ý, vì anh, như Hoàng-Ngọc Tuấn nói “thơ của anh đến từ một tâm hốn bao dung, điềm đạm, thâm trầm”, và “bốn mươi năm, với nhiều bài thơ, nhưng anh chưa bao giờ muốn xuất bản một tập thơ”… Nhưng, thiết nghĩ, không thể gói ghém cất giữ riêng mình một gia tài thơ quý giá đến vậy, tôi mạo muội cảm nhận và chia sẻ cùng mọi người.


Bàrịa , ngày 14/08/2009
TS.

Lên đầu trang