Hồ Anh Thái
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjzGLyMaE_9ED35lCXGXQei8sUoCUy7QV-DVErieubUZoeEMqXVy-bg2R9qCMcCoj7xY9etA23DsjtjIhwIPnYyYRsvQIS22xhj-7hnT5I_ykgZe8JtEtEQy-Jn3ipoQ5ahEzS4BB2aI4I/s320/songlagayhai.jpg) |
Minh họa: Kim Duẩn |
(tiểu luận)
Sống là gây hại. Nghe có vẻ một định kiến hơn là một kết luận chặt chẽ.
Giới viết văn vốn là một giới gây tốn giấy tốn mực. Đấy cũng là một định kiến chứ giới viết văn có lẽ cũng chẳng làm hao tổn giấy mực hơn cánh bàn giấy văn phòng trên thế gian này. Tài liệu hồ sơ báo cáo của văn phòng chất lên phải thành dãy Himalaya chứ không ít. Trong giới văn chương, người ta vẫn thường đùa những người viết nhiều viết khỏe là sát thủ cây cối. Thì cây rừng đang bình yên, mà người ta phải chặt phải đốn, rồi người ta vận chuyển gỗ về nghiền ra chế biến thành bột giấy, thành giấy, giấy ấy in sách của nhà văn.
Sát thủ cây cối. Thậm chí có người tức giận với những cuốn sách kém cỏi, phải thét lên: Đừng có tàn sát cây cối nữa. Stop killing the trees. Người ta dẫn ra chuyện cây cối đang bảo vệ môi trường, đang là lá phổi thiên nhiên, đang ngăn chặn những dòng nước lũ, thế mà phải chặt cây, núi đồi trọc lốc nham nhở, để phục vụ cho mấy tên làm nghề giấy mực.
Lập luận như vậy là đúng, đối với những tay thợ thủ công kém cỏi sinh ra những sản phẩm kém cỏi.
Lập luận ấy là đúng với nhiều lĩnh vực khác. Điện ảnh chẳng hạn. Sự gây hại cho môi trường có lẽ còn nguy hiểm hơn tàn sát cây. Nửa triệu đô la cho đến hơn một triệu đô la đưa vào tay một đạo diễn đất Việt, làm ra một bộ phim dở không ai xem nổi, không ai mua vé, rồi phải cất vào kho, qua ít năm nó phai màu, nó mờ nhòa, rồi thải. Không đốt rừng chặt cây mà đốt tiền dân, những ông nông dân bà công nhân bác thương nhân nai lưng ra đóng thuế cho những kẻ bất tài làm phim. Những thước phim nhựa rồi hỏng, rồi có bị hủy bị đốt thế nào thì nghe nói chất độc thuốc in tráng và nhựa phim hàng nghìn năm sau vẫn không phân hủy thành cát bụi được.